Trong những năm làm việc trong lĩnh vực tài chính kế toán, chúng tôi đã hết lần này đến lần khác thấy những sai lầm tương tự mắc phải trong quá trình tuyển dụng chuyên gia quản lý tài chính. Thường sai lầm đều xuất phát từ hai điểm quan trọng đó là người quản lý tuyển dụng không biết chính xác những gì mình đang tìm kiếm ở vị trí quản lý tài chính hoặc không chắc chắn về cách đánh giá ứng viên trong quá trình phỏng vấn xin việc.
Dưới đây, chúng tôi trình bày các bước đơn giản có thể xác định điều mà doanh nghiệp của bạn thực sự cần và đang tìm kiếm ở các ứng viên, cùng với các mẹo hữu ích để đo lường tiêu chí này giúp nhà tuyển dụng chọn lọc chuyên gia quản lý tài chính phù hợp nhất.
Hiểu được tầm quan trọng của buổi phỏng vấn #
Một cuộc phỏng vấn thường là lần đầu tiên ứng viên được gặp người đại diện cho công ty. Một buổi phỏng vấn tốt đẹp sẽ giúp ứng viên hiểu thêm về văn hóa, con người trong doanh nghiệp theo hướng tích cực. Nhiều bài đăng mô tả công việc là chung chung, chỉ cung cấp các chi tiết nhỏ của một vị trí công việc. Trong cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn có thể cho ứng viên biết thêm về những gì vị trí quản lý tài chính đòi hỏi, cũng như mức lương và lợi ích kèm theo cơ hội phát triển sự nghiệp.
Với một bản CV xin việc, ứng viên chỉ có thể cung cấp số ít thông tin về họ. Do đó, buổi phỏng vấn là cơ hội để người phỏng vấn có thêm thông tin về ứng viên. Thông tin này có thể bao gồm từ nền tảng giáo dục của ứng viên đến lịch sử công việc, những điểm nổi bật về kỹ năng và kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên, chỉ khi phỏng vấn bạn mới xác thực được liệu ứng viên có những kỹ năng độc đáo như đã nêu trong đơn xin việc của họ hay không.
Trong buổi phỏng vấn, bạn không chỉ cần đánh giá tính chăm chỉ hoặc chuyên môn của từng ứng viên mà bạn cũng cần đánh giá họ về mọi mặt như các kỹ năng mềm, sự phù hợp văn hóa, mục tiêu nghề nghiệp.
Đánh giá kỹ năng chuyên môn quản lý tài chính trong một cuộc phỏng vấn #
Các yêu cầu chuyên môn cần thiết cho vị trí quản lý tài chính mà bạn đang tìm kiếm là gì? Có thể như là khả năng lãnh đạo, phân tích, trình độ toán học hay kỹ năng công nghệ… Kỹ năng cứng là yếu tố có thể đánh giá được từ kinh nghiệm, trách nhiệm hằng ngày với công việc và quá trình đào tạo. Vì vậy, hãy xem xét thật kỹ mô tả công việc và tham khảo ý kiến người quản lý trực tiếp và bộ phận chuyên môn về quản lý tài chính để xác định các kỹ năng cứng cần thiết để thành công cho vị trí công việc này.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào bạn có thể kiểm tra kỹ năng cứng của ứng viên trong quá trình phỏng vấn?
- Trước tiên hãy chuẩn bị kỹ các câu hỏi phỏng vấn năng lực để khuyến khích ứng viên đưa ra ví dụ về những lần họ đã thể hiện những kỹ năng quản lý tài chính trong quá khứ. Vì các câu hỏi phỏng vấn dựa trên năng lực sẽ giúp bạn tìm hiểu và đánh giá các kỹ năng và kiến thức liên quan đến công việc cách tốt nhất.
- Thiết kế một bài test năng lực để ứng viên hoàn thành trước hoặc trong khi phỏng vấn. Những đánh giá như vậy phải phản ánh sát nhất các kỹ năng cần thiết để đạt được thành quả trong vị trí công việc.
- Thiết kế các tình huống đánh giá để xác định chính xác cách ứng viên phản ứng với các tình huống cụ thể liên quan đến công việc bạn đang phỏng vấn.
Đánh giá kỹ năng mềm cần thiết để tuyển dụng chuyên gia quản lý tài chính #
Ngoài năng lực chuyên môn kỹ năng mềm cũng là điều cần thiết để đánh giá một ứng viên cho vị trí quản lý tài chính. Kỹ năng mềm không chứa tính chuyên môn, không thể sờ nắm và khó để đo lường và xác định rõ ràng. Vậy làm thế nào để xác định được ứng viên phù hợp với vị trí quản lý tài chính cần sở hữu những kỹ năng mềm nào?
Quay lại với bản mô tả công việc và suy nghĩ về những kỹ năng mềm nào sẽ có lợi cho một người ở vị trí công việc này. Ví dụ như một chuyên gia quản lý tài chính cần có tinh thần trách nhiệm cao, thái độ và tư duy tích cực trong công việc, năng động linh hoạt giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp, tinh thần đồng đội, khả năng phân tích – học hỏi – thích nghi cao, chịu được áp lực, quản lý quỹ thời gian làm việc có kế hoạch…
Khi ứng viên ở trước mặt bạn, làm thế nào có thể đánh giá kỹ năng mềm của họ trong một cuộc phỏng vấn?
- Một lần nữa, bạn có thể xây dựng các câu hỏi phỏng vấn dựa trên năng lực để hiểu thêm về các kỹ năng mềm của ứng viên.Ví dụ: Bạn có thể mô tả quá trình xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp? Bạn quản lý quỹ thời gian trong ngày của mình để làm việc như thế nào? Hãy kể về lần bạn mắc sai lầm và cách giải quyết nó? Bạn có thể mô tả về một phương án sáng tạo bạn từng đề xuất và cách nó mang lại hiệu quả cho công việc trước đây của bạn.
- Bạn cũng cần có khả năng quan sát, lắng nghe phân tích tâm lý để xem cách mỗi ứng viên thể hiện kỹ năng mềm, chẳng hạn như cách họ nói chuyện với bạn, phân tích xem họ có phải là một người tự tin có thể xây dựng mối quan hệ tốt với những người ra quyết định quan trọng hay không. Lắng nghe câu hỏi của ứng viên cũng sẽ giúp bạn hiểu cách họ chuẩn đoán vấn đề và xử lý dữ liệu.
Các kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng trong phỏng vấn tìm kiếm nhân tài quản lý tài chính và chúng chính là chìa khóa để phân biệt giữa một chuyên viên giỏi trên giấy tờ và một chuyên viên giỏi trong thực tế.
Xác định sự phù hợp văn hóa trong một cuộc phỏng vấn #
Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm thì sự phù hợp của ứng viên với nhóm, tổ chức, văn hóa công ty cũng là điều mà doanh nghiệp cũng cần hết sức quan tâm khi tuyển dụng.
Nhiều nhà tuyển dụng thường quá tập chung vào kỹ năng mà quên đi mất sự phù hợp cũng chính là yếu tố quyết định để phát triển nhóm, doanh nghiệp mạnh mẽ.
- Để tránh sai sót này và chọn lọc được chuyên gia quản lý tài chính phù hợp nhất cho công ty của mình, trước khi phỏng vấn, bạn hãy dành thời gian để phân tích mô tả đội ngũ, tổ chức và văn hóa của doanh nghiệp của mình. Từ đó đưa ra những câu hỏi hợp lý và tính huống đánh giá cụ thể.
Ví dụ doanh nghiệp của bạn là nơi mọi người đều rất thân thiện và có tinh thần đồng đội, nơi mà sự hợp tác và tư duy coi trọng đồng hành giải quyết vấn đề với khách hàng. Hãy đặt ra những tình huống cụ thể để xác định được đặc tính này ở ứng viên trong cuộc phỏng vấn.
- Bạn cũng có thể giới thiệu ứng viên cho vị trí quản lý tài chính với các thành viên khác trong doanh nghiệp. Hãy cho những người này biết chính xác điều mà bạn đang đánh giá ứng viên, để họ có thể trao đổi, đặt câu hỏi và cung cấp phản hồi về từng ứng viên giúp doanh nghiệp biết mức độ phù hợp với văn hóa công ty.
Xác định mục tiêu nghề nghiệp trong cuộc phỏng vấn #
Cuối cùng, hãy nghĩ về mục tiêu phát triển nghề nghiệp, các cơ hội đào tạo và phát triển có sẵn cho vị trí quản lý tài chính. Sau đó, trong các cuộc phỏng vấn của bạn, hãy đặt câu hỏi để xác định mục tiêu nghề nghiệp của từng ứng viên và phân tích xem liệu họ có khả năng tận dụng các cơ hội có sẵn này hay không. Nếu ứng viên không thể đưa ra câu trả lời chi tiết và phù hợp cho thấy họ có tiềm năng trở thành nhân viên lâu dài, thì đây có thể không phải là công việc hoặc cơ hội phù hợp với họ.
Bạn cũng nên tìm hiểu kỳ vọng của họ đối với việc đào tạo và phát triển nghề nghiệp. Nếu sự tiến bộ và phát triển nội bộ là một phần cốt lõi trong chiến lược giữ chân nhân viên của bạn, bạn sẽ muốn thuê một ứng viên có mục tiêu và kỳ vọng nghề nghiệp phù hợp.
Tóm lại, điều quan trọng để chọn lọc tuyển dụng chuyên gia quản lý tài chính phù hợp nhất với các kỹ năng bạn cần đó là ngoài kiến thức chuyên môn cần đánh giá các kỹ năng mềm, phong cách làm việc và tham vọng của mỗi ứng viên. Mặc dù những yếu tố này rất khó để xác định, nhưng việc dành thời gian nghiên cứu và đánh giá chúng sẽ tăng cơ hội tìm kiếm, tuyển dụng và giữ chân những ứng viên tốt nhất cho công việc.