Ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Pa-na-ma

Ngày 30 tháng 8 năm 2016 tại Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Pa-na-ma tại Việt Nam, ông Servio S. Samudio B. đã chính thức ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Pa-na-ma. Lễ ký kết đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng và hữu nghị trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng cục Thuế và các Vụ/đơn vị thuộc Bộ Tài chính (HTQT, TCDN, QLN&TCĐN, Văn Phòng Bộ).

Việt Nam và Pa-na-ma

 

Việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Pa-na-ma sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pa-na-ma, tạo ra một môi trường pháp lý về thuế rõ ràng, ổn định để các nhà đầu tư Pa-na-ma và Việt Nam phát triển và mở rộng các hoạt động kinh doanh – đầu tư, đồng thời qua đó gián tiếp tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước Châu Mỹ La tinh.

Quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước còn ở mức khiêm tốn năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 268,8 triệu USD còn nhập khẩu đạt 23,38 triệu USD. Việt Nam xuất sang Pa-na-ma máy móc nông nghiệp, sản phẩm gỗ, giầy dép, dệt may, sản phẩm chất dẻo, hàng mây-tre cói, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, xe đạp và phụ tùng; nhập chất dẻo, nguyên liệu, gỗ và sản phẩm gỗ. Hai bên còn nhiều tiềm năng có thể tăng cường hợp tác với nhau trên các lĩnh vực thương mại, vận tải hàng hải, nông nghiệp, y học cổ truyền … Hiện có một vài công ty Việt Nam đã và đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Pa-na-ma và khu thương mại tự do Cô-lôn. Về đầu tư, tính đến ngày 20/7/2016, Pa-na-ma xếp thứ 52/115 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 10 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 60,7 triệu USD. Việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pa-na-ma và tạo môi trường pháp lý và sức hấp dẫn mới đối với sự hợp tác, phát triển vì sự thịnh vượng chung của hai nước nói riêng và các nhà đầu tư trong khu vực nói chung. Đặc biệt về phía Việt Nam, sau khi Hiệp định thuế được ký kết và có hiệu lực (dự kiến áp dụng thực hiện từ ngày 01/01/2017), Cơ quan thuế Việt Nam sẽ có căn cứ pháp lý để tiến hành trao đổi thông tin với Cơ quan thuế Pa-na-ma phục vụ công tác quản lý thuế của Việt Nam.