Một số vấn đề đặt ra về thuế đối với hộ kinh doanh
Hiện nay, chế độ kế toán áp dụng cho các hộ kinh doanh được thực hiện theo Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2009 và Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC ngày 18/10/2002 sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hộ kinh doanh.
Phương pháp xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp của các hộ kinh doanh là nếu tính trực tiếp trên doanh thu thì số thuế GTGT phải nộp được xác định bằng tỷ lệ % (x) doanh thu; Nếu theo phương pháp khoán thì xác định thuế GTGT phải nộp theo tỷ lệ % trên doanh thu của hộ khoán.
Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán kinh doanh nhiều ngành nghề thì xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ ngành nghề kinh doanh chính; Đối với hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới mức quy định thì không phải nộp thuế GTGT.
Chế độ kế toán áp dụng cho hộ kinh doanh được ban hành năm 2000, trước khi Luật Kế toán có hiệu lực (01/01/2004). Đến nay, sau hơn 15 năm thực thi đã đã phát sinh những bất cập. Cụ thể:
Thứ nhất, về kế toán doanh thu, chi phí. Do chế độ kế toán quy định trước thời điểm ban hành Luật Kế toán và Chuẩn mực kế toán nên nhiều quy định về doanh thu, chi phí đến nay không còn phù hợp, điển hình như:
(i) Chế độ kế toán hộ kinh doanh không nêu khái niệm về doanh thu, chi phí nên nội dung và phạm vi doanh thu, chi phí không được xác định rõ ràng;
(ii) Chế độ kế toán hộ kinh doanh không đề cập đến thời điểm ghi nhận doanh thu, chi phí và cách xác định chi phí trong trường hợp sử dụng cho hoạt động kinh doanh lẫn với tiêu dùng của hộ gia đình nên thu nhập để tính chi phí trong kỳ không phản ánh đúng nghĩa vụ thuế hộ kinh doanh phải nộp;
(iii) Vấn đề về chiết khấu thương mại, giảm giá, khuyến mại… chưa được đặt ra để giải quyết.
Thứ hai, về hóa đơn chứng từ. Quy định hộ kinh doanh vẫn sử dụng chứng từ bắt buộc và chứng từ hướng dẫn, dẫn đến sự không thống nhất giữa các chủ thể tham gia vào thị trường trong sử dụng hóa đơn chứng từ.
Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh nộp thuế khoán sẽ không được cung cấp hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng thông thường. Khi có nhu cầu, hộ kinh doanh phải xin cơ quan thuế cung cấp hóa đơn bán lẻ thông thường, do đó gây khó khăn cho hộ kinh doanh và người mua hàng.
Khi xuất hóa đơn bán hàng, hộ kinh doanh phải nộp ngay thuế GTGT và thuế thu nhập tính trên doanh thu ghi trong hóa đơn, trong khi hộ kinh doanh đã nộp thuế khoán theo doanh thu hàng tháng. Vậy họ có được trừ số thuế này vào số thuế ấn định hàng tháng phải nộp hay không thì vẫn chưa có quy định rõ về vấn đề này.
Thứ ba, về sổ kế toán. Chế độ kế toán được quy định dựa trên phương pháp tính thuế GTGT mà hộ kinh doanh áp dụng và sự đầy đủ hay không đầy đủ của các chứng từ.
Quy định này không tính đến quy mô hoạt động, doanh thu tạo ra trong kỳ tính thuế nhiều hay ít, dẫn đến thực trạng có hộ kinh doanh hoạt động với mức doanh thu lớn nhưng vẫn áp dụng thuế khoán vì không có số liệu ghi chép trên sổ kế toán.
Theo Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC ngày 18/10/2002 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi bổ sung chế độ kế toán hộ kinh doanh thì có 2 đối tượng phải mở sổ kế toán, quy định này bộc lộ những bất cập sau:
– Xét về thực chất thì hộ kinh doanh mở 2 sổ kế toán vẫn được quản lý thuế như khoán ấn định thuế. Cơ quan thuế có thể tác động tích cực vào quá trình kê khai nộp thuế của hộ kinh doanh thông qua các biện pháp nghiệp vụ, từ đó xác định mức thuế hộ kinh doanh phải nộp gần sát với quy mô kinh doanh. Với cách quản lý này, việc ghi chép trên sổ kế toán chỉ là hình thức và không cần thiết.
– Hộ kinh doanh đang quản lý theo hình thức khoán ấn định thuế khi mở 2 sổ kế toán thì được xem là đã thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ bán hàng, xác định đúng doanh thu nên việc quản lý thuế dựa trên cơ sở số liệu kê khai của hộ kinh doanh, dẫn đến hộ kinh doanh lợi dụng để tự quyết định số thuế mình muốn nộp.
– Đối với hộ kinh doanh khoán thuế có sử dụng hóa đơn, nếu doanh thu trên hóa đơn vượt doanh thu khoán hàng tháng, cơ quan thuế sẽ tiến hành điều chỉnh doanh thu. Do đó, khả năng hộ kinh doanh nộp thuế khoán sẽ ghi hóa đơn bán hàng hạn chế.
Đối với hộ kinh doanh mở 2 sổ, nộp thuế trên cơ sở doanh thu ghi trên hóa đơn, hộ kinh doanh không bị cơ quan thuế điều chỉnh mức thuế phải nộp hàng tháng. Khi cơ quan thuế không thể xác minh chính xác số liệu kê khai thì sẽ phải chấp nhận số liệu kê khai của hộ kinh doanh. Do vậy, không ít hộ kinh doanh bán hóa đơn để thu lợi bất chính dẫn đến thất thu thuế của nhà nước.
Thứ tư, về phương pháp xác định thuế GTGT phải nộp của các hộ kinh doanh. Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, số thuế GTGT phải nộp được xác định bằng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu và được quy định theo từng lĩnh vực hoạt động. Việc áp dụng tính thuế như trên đã tạo ra nhiều bất cập.
Những đề xuất, hoàn thiện
Một là, hoàn thiện những quy định về kế toán doanh thu, chi phí. Chế độ kế toán hộ kinh doanh cần đưa ra khái niệm doanh thu, chi phí phù hợp với quy định của Luật Kế toán. Xác định rõ nội dung, phạm vi xác định doanh thu, chi phí để thống nhất quản lý thông tin với các đối tượng khác.
Đồng thời, cần quy định cụ thể điều kiện ghi nhận doanh thu, chi phí để thống nhất quản lý doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh trong kỳ tính thuế, trên cơ sở đó xác định đúng đắn nghĩa vụ thuế mà hộ kinh doanh phải nộp. Cần đưa ra các quy định cụ thể về các vấn đề chiết khấu thương mại, giảm giá, khuyến mại…
Hai là, hoàn thiện về những quy định hóa đơn, chứng từ. Để đảm bảo tính thống nhất trong quy định về sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với tất cả các thành phần kinh tế, chế độ kế toán hộ kinh doanh cần bỏ các quy định về chứng từ bắt buộc và chứng từ hướng dẫn.
Ba là, hoàn thiện quy định về sổ kế toán. Để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh trong ghi chép sổ kế toán, quản lý và kiểm soát được hoạt động là căn cứ để cơ quan thuế xác định phương pháp tính thuế, mức thuế phải nộp. Theo đó, có thể chia thành 3 nhóm hộ kinh doanh và phương pháp tính thuế GTGT như sau:
(i) Nhóm hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng, không yêu cầu mở sổ kế toán bắt buộc và áp dụng theo phương pháp tính thuế khoán như hiện nay;
(ii) Nhóm hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, yêu cầu mở sổ theo dõi doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và sổ tồn kho vật liệu, hàng hóa; cách xác định thuế GTGT phải nộp dựa vào thông tin về doanh thu, chi phí và thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế;
(iii) Nhóm hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng, yêu cầu mở sổ theo dõi doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và sổ tồn kho vật liệu, hàng hóa, sổ theo dõi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, sổ theo dõi tài khoản thuế và các khoản phải thu, phải trả. Cách xác định thuế GTGT phải nộp dựa vào thông tin về doanh thu, chi phí và thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Bốn là, hoàn thiện cách tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT. Để đảm bảo phát huy được tính ưu việt của thuế GTGT, không nên áp dụng tính thuế GTGT phải nộp theo tỷ lệ % trên doanh thu nhằm tránh tình trạng thu thuế trùng thuế, phù hợp với bản chất của phương pháp tính là trực tiếp trên GTGT. Theo đó, Nhà nước vẫn nên sử dụng theo 3 cách tính thuế trực tiếp trên GTGT, đó là:
Cách 1: Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra (x) thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ đó;
Cách 2: Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu (x) tỷ lệ % GTGT tính trên doanh thu (x) thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ đó;
Cách 3: Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu (x) tỷ lệ % GTGT do Bộ Tài chính quy định (x) thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó.
Những trao đổi trên nhằm mang tính định hướng để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý hiện hành về kế toán và thuế, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh doanh của hộ kinh doanh tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định 169/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2009 của Bộ Tài chính;
2. Quyết định 131/2002/QĐ-BTC ngày 18/10/2002 của Bộ Tài chính;
3. Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015; Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013; Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2016