Sau gần bốn năm triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg – phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của nước ta đến nay có nhiều bước phát triển tích cực.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù có nhiều điểm bức phá trong thời gian qua, nhưng chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 2545/QĐ-TTg.
Hiện nay, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; việc thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Trong lĩnh vực y tế, giáo dục hiện việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt còn khiêm tốn. Thêm vào đó, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành liên quan, các địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ được chỉ đạo.
1. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 01/7/2020.
Tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Chỉ đạo hoàn thành xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ hoàn thành trước ngày 15/12/2020.
Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.
2. Bộ Công Thương
Hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử trước ngày 01/7/2020.
3. Bộ Tài chính:
Hoàn thiện kết nối hạ tầng thanh toán điện tử giữa các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải Quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử.
Nghiên cứu mở rộng các giải pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại trong công tác kiểm soát hồ sơ, chứng từ thanh toán xuất nhập khẩu và hạn chế rủi ro gian lận.
Thực hiện hướng dẫn về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đảm bảo áp dụng khả thi, thực hiện thống nhất trước ngày 01/7/2020.
4. Bộ Y tế
Thực hiện hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 01/7/2020.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hướng dẫn các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, tiến hành xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương tiện thanh toán điện tử trước ngày 01/7/2020.
6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam
Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng trước ngày 01/7/2020.
7. Bộ Công an:
Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán; hoàn thành trước ngày 01/7/2020.
Chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam và các Bộ, Ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính; kết nối chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính trước ngày 01/7/ 2020.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tiện lợi và tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
9. Bộ Giao thông vận tải
Khẩn trương hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ không tiếp xúc, thẻ phi vật lý để thu phí cầu đường, mua vé tàu, xe…
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Cấp tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 02/NQ-CP .
11. Tổ chức thực hiện
Các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trước ngày 01/11/2020, tổng kết báo cáo kết quả triển khai Chỉ thị này và Quyết định 2545/QĐ-TTg , gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp và đôn đốc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tổng hợp, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này và Quyết định 2545/QĐ-TTg , báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/12/2020.
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 3/2020 tình hình giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử có các điểm nổi bật nhất định:
- Hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng; trong đó, người trưởng thành có tài khoản ở ngân hàng chiếm 63,7%.
- Hệ thống thanh toán của NHNN xử lý các thanh toán không tiền mặt đạt 17 tỷ USD/ngày.
- Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
- Trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
- Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
Việc sử dụng phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt giúp các giao dịch kinh tế, chi tiêu trở nên minh bạch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn.
Nếu việc “điện tử hóa” thanh toán được sử dụng rộng rãi đến các địa phương trên cả nước thì sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.