Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách ở nhiều lĩnh vực. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid19
07 nhiệm vụ các Bộ, Ngành, địa phương thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch Covid-19
Để bình ổn kinh tế, chính phủ đã đưa chỉ thị, hành động cụ thể để các Bộ, Ngành, cơ quan địa phương thực hiện gấp rút để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp sau:
1 – Tạo điều kiện để doanh nghiệp “tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử”
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Cụ thể:
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.
Xem thêm: Doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng Covid-19 được giản nợ, giảm lãi vay
NHNN trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Xem chi tiết: Hướng dẫn gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi Covid-19
2- Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp
Đối với Bộ Giao thông vận tải
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt…, và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Đối với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan
Bộ Tài chính chỉ đạo Cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương để vi phạm pháp luật; khẩn trương báo cáo Chính phủ trong tháng 3 năm 2020 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân.
Đối với các Bộ, Ngành, địa phương
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát thực hiện:
- Giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 3 năm 2020 để tổng hợp, xử lý.
- Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.
- Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid19
3- Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thực hiện:
- Rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.
- Dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
- Thực hiện biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
- Củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.
Song song đó, Bộ Công Thương cũng phải thực hiện các hành động hỗ trợ:
- Thực hiện biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới.
- Tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
- Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ giữa năm 2020).
Tất cả các hành động phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản; có biện pháp cụ thể để giảm giá thịt lợn; đề xuất các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác; nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản chủ lực; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 3 năm 2020.
4- Khẩn trương phục hồi và phát triển Ngành Du lịch, Hàng không
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nhiệm vụ:
- Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia.
- Phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
- Tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
- Tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tài chính và các cơ quan liên quan mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo Chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020, trước hết là các vùng, quốc gia không có dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để thực hiện:
- Thực hiện giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
- Rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ kết nối hàng không trực tiếp với các thị trường trọng điểm.
hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid19
5- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Cơ quan trung ương và Địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ như sau:
- Hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020;
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA);
- Tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 3 năm 2020 và phải thỏa các điều kiện:
- Thể hiện rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện, giải ngân theo kế hoạch.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020.
- Có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện:
- Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
- Xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
- Thực hiện báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội như các dự án Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…; không được để chậm trễ như vừa qua.
6- Tập trung xử lý vướng mắc về lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020 các vấn đề sau:
- Tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp: có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp động viên tinh thần của người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam: Đánh giá thực trạng và có giải pháp quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng địa phương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.
7- Đẩy mạnh thông tin truyền thông
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và chủ trì cùng các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Tăng cường truyền thông các chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị này. Đặc biệt, tuyệt đối tránh xin cho, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và phải chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid19