Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính trong 10 tháng đầu 2016, khối FDI đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) FDI với 842 dự án đầu tư đăng ký mới và 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,84 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.
Điểm đến lý tưởng
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 46 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 982,59 triệu USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 657,66 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư.
Trong Báo cáo Doanh nghiệp châu Á 2016, UOB cho biết trong 2.500 DN châu Á được khảo sát, hơn một phần tư chọn Việt Nam (28%) là điểm mở rộng kinh doanh lý tưởng trong 3-5 năm tới trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore (32%).
Trong đó, các DN từ Malaysia, Thái Lan và Singapore đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam, với tỷ lệ lần lượt là 38%, 35% và 29%. Các DN tại ba quốc gia này quan tâm đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất; y tế – dược phẩm; năng lượng – tài nguyên thiên nhiên; xây dựng – bất động sản…
Cũng theo UOB, những yếu tố tác động chính đến việc lựa chọn địa điểm mở rộng kinh doanh của các DN châu Á tại Việt Nam chính là môi trường chính trị và kinh tế ổn định, nhu cầu lớn và ngày một gia tăng của khách hàng. Hơn nữa, thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi, sự kết nối chặt chẽ của DN địa phương, ưu đãi từ Chính phủ.
Nhìn từ kết quả khảo sát này, giới chuyên gia cho rằng trong 3 – 5 năm tới, ngành năng lượng – tài nguyên thiên nhiên, ngành xây dựng – bất động sản sẽ là các lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ vốn FDI, khi Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng để đáp ứng nhu cầu của quốc gia.
Bằng chứng là hồi tháng 9/2016, UOB Venture Management Pte Ltd (UOBVM), quỹ đầu tư trực thuộc UOB và Tập đoàn ORIX Nhật Bản (ORIX), đã công bố khoản đầu tư 50 triệu USD vào một trong những công ty tư nhân lớn nhất về thủy điện của Việt Nam, công ty Cổ Phần Năng Lượng Bitexco (Bitexco Power).
Việc đầu tư này có liên quan đến dự báo của Tổng cục Thống kê về nhu cầu tiêu thụ điện cả nước sẽ tiếp tục tăng cao với tốc độ từ 10-12% hằng năm, từ 169,8 trung ương giờ năm 2015 lên đến 615,2 trung ương giờ vào năm 2030.
Ngành sản xuất cũng góp phần vào sự phát triển của kinh tế quốc gia khi Việt Nam chuyển mình thành một trung tâm sản xuất lớn của châu Á. Với 54% DN châu Á cho rằng chi phí tăng là một trong những thách thức lớn nhất, nhiều công ty trong khu vực đang tìm đến Việt Nam do chi phí vận hành và giá thành nhân công thấp hơn.
Các tập đoàn thiết bị điện tử hàng đầu châu Á như LG và Panasonic cũng đã mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đặc điểm dân số cũng giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng để mở rộng kinh doanh.
Tránh đánh đổi môi trường
Theo UOB, với dân số trẻ, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tiến trình đô thị hóa và mức chi tiêu ngày một tăng, Việt Nam trở nên hấp dẫn với các DN châu Á đang tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Có 39% đại diện DN được UOB khảo sát nói rằng họ đang tìm hiểu mở rộng thị trường quốc tế để tăng doanh thu. Các công ty này cũng bao gồm nhóm hoạt động trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu và mức chi tiêu ngày càng cao của người Việt Nam để chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Eric Tham – Trưởng nhóm Ngân hàng thương mại của UOB, những DN châu Á biết nắm bắt cơ hội để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ có ưu thế đặc biệt để xây dựng DN vững mạnh trong khu vực.
Để có thể hiểu thêm về môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như mối quan tâm của giới đầu tư trong khu vực, ngày 8/12 sắp tới tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Bloomberg 2016 với sự tham dự của giới lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn hàng đầu khu vực và toàn cầu, lãnh đạo điều hành cấp cao của các công ty dịch vụ tài chính quốc tế cũng như các nhà lãnh đạo chính phủ.
Hội nghị này đang được giới đầu tư châu Á mong đợi để có thể nắm bắt giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhất là trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực.
Các lĩnh vực tăng trưởng như hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, hàng hóa và năng lượng, tài chính ngân hàng được cho là mối quan tâm lớn của giới đầu tư tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng hơn đầu tư nhưng theo hướng phát triển bền vững môi trường; thu hút đầu tư những lĩnh vực có lợi thế, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Việt Nam sẽ đưa ra những điều kiện để đảm bảo vừa thu hút được đầu tư đồng thời bảo vệ được môi trường.