Search
Close this search box.

Năm 2024, nguồn vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam

Năm 2023, Việt Nam đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngay đầu năm 2024, hoạt động thu hút vốn đầu tư FDI của Việt Nam đã rất sôi động với những dự án trăm triệu USD. Điều này tạo nên kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong năm tới.

Địa phương và lĩnh vực kỳ vọng thu hút đầu tư năm 2024

Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Riêng 7 địa phương này đã chiếm 72,1% số dự án mới và 82,5% số vốn của cả nước trong tháng 1 năm 2024.

Chip bán dẫn vẫn tiếp tục được kỳ vọng là lĩnh vực sẽ sôi động trong việc đón sóng đầu tư nước ngoài trong năm nay. Tại Kỳ họp lần thứ 14 của HĐND tỉnh Bắc Giang cuối năm 2023, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng cho biết, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bán dẫn và chip đang khảo sát đầu tư ở Bắc Giang. Các nhà đầu tư đòi hỏi về lao động nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, địa phương này đang tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Theo Nikkei Asia, nhiều doanh nghiệp chip bán hàng đầu thế giới như Nvidia, Samsung đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh chip tại Việt Nam. Dự kiến, Việt Nam sẽ nhận được hàng triệu USD từ Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ, đồng thời là nơi đặt nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất toàn cầu của Intel.

Đánh giá tình hình đầu tư sôi động so với cùng kỳ năm 2023

Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy ngay trong tháng 1/2024, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ và tăng 8,1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư đăng ký mới tháng 01/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới (tăng 24,2%) và có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD).

Đầu tư mới tăng cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Với mức tăng 24,2% về số dự án và một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng 01/2024 đã tăng 66,9% so với cùng kỳ.

Ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu

thue-toi-thieu-toan-cau

Samsung, Intel đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại VN

Theo đánh giá từ Bộ KH&ĐT, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.( Ví dụ như: Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn; Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử…).

Tuy nhiên, bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, do đó tình hình thu hút đầu tư FDI năm 2024 vào Việt Nam có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với thời cơ, thuận lợi; Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản – nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế TNDN và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.

Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu

Theo một số đánh giá, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip… đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần phải có giải pháp tạo lợi thế cạnh tranh khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời cải cách môi trường kinh doanh linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Việt Nam cần rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,…

Đồng thời, Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.