Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, ban hành ngày 13/06/2019, đăng công báo ngày 18/07/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022.
Luật quản lý thuế 2019 có nhiều điểm mới trong quy định ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế.
Dưới đây là 9 điểm mới cần biết trong Luật Quản lý thuế 2019 liên quan chặt chẽ đến người nộp thuế, đặc biệt là doanh nghiệp, chi tiết như sau:
1. Mở rộng quyền của người nộp thuế
So với luật quản lý thuế cũ thì quyền của người nộp thuế được mở rộng như sau:
- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
- Được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế
2. Quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
“Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
3. Siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá
Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết nhằm siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá như sau:
“Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.”
4. Luật hóa quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử
Điều 89 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
“Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.”
Đối với thắc mắc về thời gian bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp áp dụng như sau:
Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”
Tại khoản 2, điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hiệu lực thi hành như sau:
“2. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.”
Như vậy, từ ngày 01/11/2020, việc áp dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC:
Bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/11/2020
Về vấn đề thắc mắc nghị định 119 /2018/NĐ-CP có trước Luật quản lý thuế 2019, mà chương X Luật quản lý thuế lại có quy định về hóa đơn điện tự, vậy áp dụng theo quy định nào:
Khoản 2 điều 151 Luật quản lý thuế 2019 quy định:
“Điều 151. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.”
Tại công văn số 2578/TCT-CS ngày 23 tháng 6 năm 2020 trả lời cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức như sau:
“Để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019, Bộ Tài chính dự thảo trình Chính phủ thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019 thì thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử.”
Như vậy, khi nào có nghị định thay thế thì áp dụng theo đó, hiện tại áp dụng theo nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử
5. Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN
Quy định cũ quy định về thời gian nộp hồ sơ quyết toán thuế là:
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm.
Quy định mới quy định về thời gian nộp hồ sơ quyết toán thuế là:
Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 cho phép:
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế
Như vậy, Luật Quản lý thuế 2019 đã kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thêm 01 tháng so với Luật Quản lý thuế 2006.
Lưu ý: Quy định này áp dụng với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
6. Về thời hạn đăng ký thuế
Quy định cũ quy định về thời hạn đăng ký thuế:
Đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày: + Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư; + Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ gia đình, cá nhân thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Quy định mới về thời hạn đăng ký thuế:
Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 quy định: Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp MST trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
7. Bổ sung về cơ quan quản lý Thuế
Điều 2 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
2. Cơ quan quản lý thuế bao gồm:
a) Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;
b) Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
Như vậy, Luật đã bổ sung thêm Chi cục Thuế khu vực vào danh sách cơ quan quản lý thuế.
8. Bổ sung nội dung quản lý thuế
Điều 4 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: trong đó có bổ sung thêm 3 nội dung quản lý như sau:
- Quản lý hóa đơn, chứng từ;
- Hợp tác quốc tế về thuế;
- Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế
9. Mở rộng trách nhiệm trong Hợp tác quốc tế về thuế
Điều 12 quy định về hợp tác quốc tế về thuế của cơ quan quản lý thuế. Trong đó có bổ sung thêm trách nhiệm “Thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bao gồm:
- Đề nghị cơ quan quản lý thuế nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ thu thuế tại nước ngoài đối với các khoản nợ thuế tại Việt Nam mà người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp khi người nộp thuế không còn ở Việt Nam;
- Thực hiện hỗ trợ thu thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế nước ngoài đối với các khoản nợ thuế phải nộp tại nước ngoài của người nộp thuế tại Việt Nam bằng biện pháp đôn đốc thu nợ thuế”.
Luật quản lý thuế 2019 (Luật số 38/2019/QH14) #
Nơi ban hành: Quốc hội Ngày hiệu lực: 01/11/2020 Ngày ban hành: 30/10/2020 Tình trạng: Còn hiệu lực