Trong quá trình tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động của doanh nghiệp, rất dễ xảy ra các hành vi sai sót mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC. Việc bị xử phạt VPHC về lao động, tiền lương và BHXH không chỉ làm doanh nghiệp thiệt hại về kinh tế mà còn có thể cho thấy hệ thống quản lý lao động của doanh nghiệp chưa phù hợp, điều này tiềm ẩn rủi ro có thể gây ra những hậu quả lớn hơn do sai sót về lao động, tiền lương, và BHXH là sai sót có tính tích lũy lâu dài.
Bài viết giúp doanh nghiệp có cơ sở đánh giá lại hệ thống của mình và đưa ra các hướng đi thích hợp nhất cho doanh nghiệp.
Hiểu về Vi phạm hành chính về Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội #
1. Vi phạm hành chính về Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội là gì?
Vi phạm hành chính về Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội
Áp dụng thời hiệu theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm
Các hành vi mà doanh nghiệp bị xử phạt VPHC về Lao động #
- Vi phạm về tuyển, quản lý lao động
- Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
- Vi phạm quy định về thử việc
- Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
- Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
- Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc
- Vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể
- Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
- Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
- Vi phạm quy định về lao động nữ
- Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
- Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi
- Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Các hành vi mà doanh nghiệp bị xử phạt VPHC về Tiền lương #
- Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng
- Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động
- Không lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu
- Quy phạm các quy định về trả lương
- Trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Các hành vi mà doanh nghiệp bị xử phạt VPHC về BHXH #
- Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
- Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Doanh nghiệp cần chú ý gì để tránh bị phạt VPHC về lao động - Tiền lương - BHXH #
Để làm đúng và tránh bị xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các nhóm nội dung sau đây:
1. Tuân thủ và thực hiện đúng quy định liên quan khi có tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.
2. Tuân thủ và thực hiện đúng các quy định về xây dựng hệ thống tiền lương như là: Thang bảng lương, quy chế lương khi có người lao động hưởng lương tại doanh nghiệp.
3. Xây dựng hệ thống quản lý và tham gia bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp mình đúng theo những quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Để thực hiện đúng, doanh nghiệp có thể thanm khảo cẩm nang hướng dẫn quản lý lao động – Tiền lương – BHXH như dưới đây:
FAQ - Các câu hỏi thường gặp về Xử phạt VPHCM LĐ-TL-BHXH #
Q: Nếu công ty đóng bảo hiểm xã hội mức thấp hơn lương thực tế trong hợp đồng lao động theo thỏa thuận với người lao động thì có bị phạt không?
A:
Điểm b, Khoản 4 và Khoản 7, Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
4. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
7. Biện pháp khắc phục hậu quả.
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều này;
b) Buộc nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều này từ 30 ngày trở lên.
Như vậy, nếu người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định nêu trên.