Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nghỉ thai sản hay còn gọi là nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc nghỉ việc khi vợ sinh con là một chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Nghỉ phép hằng năm là một trong những chế độ nghỉ ngơi của người lao động được nhà nước quy định để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người lao động. Khi đáp ứng được điều kiện về thời gian làm việc cho một người sử dụng lao động thường xuyên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả chế độ nghỉ phép hằng năm.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ phép hằng năm, theo đó, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động tương ứng như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Trong đó, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm được quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm của người lao động, theo đó, thời gian làm việc cho người lao động là cơ sở để xác định chính xác số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động có bao gồm thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
Như vậy, đối với những trường hợp nghỉ chế độ thai sản theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động và là cơ sở để tính ngày nghỉ phép hằng năm cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động