Covid-19 đã tạo ra một cơn địa chấn, quét sạch mọi nguồn lực doanh nghiệp xây dựng được khi đối mặt với đại dịch. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, để duy trì hoạt động, nhà quản lý các doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng giữa việc cắt giảm chi phí và không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư phù hợp. Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các mục tiêu quản lý tài chính, lĩnh vực doanh nghiệp ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới.
Xem xét lại các ưu tiên và chi phí #
Đầu tiên, doanh nghiệp cần làm rõ các câu hỏi chiến lược giúp doanh nghiệp nhanh chóng định hình được những năng lực cần phải có để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
1. Thị trường đã có những thay đổi gì? Khách hàng và đối thủ cạnh tranh có những thay đổi nào? Xu hướng nào trên thị trường hiện nay đáng lưu ý?
2. Giải pháp gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ nào phù hợp đối với doanh nghiệp? Theo đó, doanh nghiệp có thể nhanh chóng có ý tưởng cạnh tranh tốt hơn đối thủ không? Xác định ưu thế, lợi thế cạnh tranh hiện nay của doanh nghiệp là gì?
3. Doanh nghiệp đã đầu tư đủ và đúng cho những ý tưởng đó chưa? Chi phí đầu tư có thể chuyển từ những mảng khác sang những ý tưởng tạo ra giá trị cạnh tranh hơn không?
Cân đối lại chi phí, xác định nhu cầu thị trường và sắp xếp các mục tiêu ưu tiên, ngoài ra, quyết tâm, nỗ lực ở những lĩnh vực mang lại lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp mau chóng gia tăng lợi nhuận và đủ lực để phát triển.
Xác định lại phương pháp quản lý tài chính #
Quản lý tài chính là công việc rất quan trọng đối với nhà quản lý doanh nghiệp. Quản lý tài chính tốt không chỉ giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đã đề ra, xây dựng ngân sách và vượt đà phát triển.
Tổ chức lại nguồn tài chính là bước đầu tiên để tạo ra lợi nhuận. Khai thác và sử dụng đúng nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Tinh gọn quy trình, từ đó tái đầu tư và phát triển như cắt giảm các khâu không hiệu quả, chỉnh lại các lỗ hổng về kiểm soát, điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp về tổng thể và chi tiết. Đọc hiểu báo cáo tài chính hiện tại để nắm rõ thực tế của doanh nghiệp, qua đó cơ cấu lại, điều chỉnh các nguồn lực, sắp xếp lại nhằm phục vụ cho các định hướng mới.
Quản lý dòng tiền vào và dòng tiền ra chặt chẽ, phân bổ nguồn lực rõ ràng. Lên kế hoạch ứng phó cho các tình huống cả trong ngắn hạn và trung hạn và lựa chọn “đầu tư chiến lược”. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng được kết quả mong đợi.
Đánh giá sự thay đổi của thị trường và quản lý #
- Lĩnh vực thương mại: Cùng với sự tăng tốc kỹ thuật số, dịch chuyển về thói quen, hành vi của người tiêu dùng như mua sắm online tác động đến sự thay đổi môi trường kinh doanh. Sự cần thiết của công nghệ ngày càng nhiều, yêu cầu về chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách và ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp.
- Đứt gãy chuỗi cung ứng: Khủng hoảng nguồn cung cấp đã khiến trọng tâm thay đổi từ hiệu quả, giá cả sang tìm kiếm nhà cung cấp có khả năng phục hồi và sự linh hoạt, đa dạng trong cung cấp. Chuyển hướng tìm kiếm các nhà cung cấp từ các nơi khác, mở rộng nguồn cung, xây dựng nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó với các tình huống bất ngờ.
- Quản lý thông tin và tuân thủ: Quản lý đồng bộ các thông tin doanh nghiệp cung cấp cũng như các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, siết chặt công tác quản lý các số liệu liên quan như tài khoản ngân hàng, bảo hiểm tiền lương, hóa đơn chứng từ,…Các nhà quản lý doanh nghiệp hiểu rõ những điều này cũng như sự ảnh hưởng nghiêm trọng của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh. Qua đó, thay đổi tư duy, xây dựng hệ thống quản lý và ứng dụng để làm thế nào mang lại kết quả tốt nhất
Đào tạo nhân viên theo phương pháp vận hành mới #
Cuộc khủng hoảng là thời điểm tinh thần mọi người cần liên tục được củng cố. Các nhà quản lý nên có phương thức vận hành mới và tuyên truyền rộng rãi, từ đó duy trì tinh thần làm việc cho đội ngũ nhân viên.
- Linh hoạt trong môi trường làm việc, giờ giấc làm việc;
- Cùng thống nhất tư tưởng và tinh thần nhằm cùng đi đến mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp, chứ không phải mục tiêu cá nhân người lãnh đạo;
- Đào tạo cách làm việc dựa trên tiếp cận công nghệ, thao tác nhanh nhạy, kịp thời;
- Khả năng thấu hiểu, chia sẻ, nỗ lực để có thể tương tác với khách hàng và mang lại sản phẩm, dịch vụ tốt nhất.
Với các tiêu chuẩn và kỹ năng mới, nhân viên sẽ trở nên linh hoạt, tháo vát và hỗ trợ doanh nghiệp rất hiệu quả và vận hành theo quy trình chuẩn xác. Qua đó, cả doanh nghiệp và nhân viên đều đạt được mục tiêu chung, cùng nhau tìm giải pháp tốt và sáng tạo, gia tăng giá trị cho các sản phẩm dịch vụ của mình.
Phát triển bền vững là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp đa quốc gia đến những doanh nghiệp nhỏ mới thành lập. Hậu Covid-19, các doanh nghiệp càng thấu hiểu hơn sự quan trọng và sự cần thiết của các nguồn lực nhằm phát triển bền vững. Với các chia sẻ về việc doanh nghiệp nên làm gì để phục hồi và phát triển sau đại dịch, EXPERTIS mong muốn góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp tìm ra giải pháp để mục tiêu phát triển bền vững sớm đạt được.