Biết cách đọc và hiểu các con số trong báo cáo tài chính của một công ty là một kỹ năng cần thiết cho các quản lý doanh nghiệp. Sự đa dạng của báo cáo tài chính đòi hỏi chúng ta trước tiên phải làm quen với một số đặc điểm của báo cáo tài chính trước khi tập trung vào các chỉ số cụ thế.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn những điều mà báo cáo tài chính cung cấp và cách sử dụng chúng để mang lại lợi ích cho bạn.
Hiểu Báo cáo Tài chính là gì #
Báo cáo tài chính được định nghĩa là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán (doanh nghiệp, tổ chức), được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Bộ báo cáo tài chính bao gồm 4 báo cáo, là:
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Hay còn gọi là Báo cáo thu nhập hay Báo cáo lãi lỗ)
- Bảng cân đối kế toán,
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính
1. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh #
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện thông qua 3 nhóm hoạt động mà từ đó tạo ra lợi nhuận hoặc lỗ, chúng bao gồm:
- Kết quả từ hoạt động kinh doanh chính = Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ – Các khoản giảm trừ doanh thu (bao gồm chiết khấu, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại) – Giá vốn hàng bán – Chi phí bán hàng – Chi phí quản lý doanh nghiệp
- Kết quả từ các hoạt động tài chính = Doanh thu hoạt động tài chính – Chi phí tài chính
- Kết quả từ hoạt động khác của doanh nghiệp = Thu nhập khác – Chi phí khác
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính dựa trên lợi nhuận từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
2. Bảng cân đối kế toán #
Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Số liệu trên Bảng cân đối kế toán cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành các tài sản đó.
Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp.
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ #
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo nhằm theo dõi các luồng tiền thu và chi liên quan đến 3 loại hoạt động của doanh nghiệp là Hoạt động kinh doanh, Hoạt động đầu tư và Hoạt động tài chính.
i. Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh
Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ, bao gồm:
- Tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác
- Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ
- Tiền chi trả cho người lao động
- Tiền lãi vay đã trả
- Thuế TNDN đã nộp
- Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh (Tiền thu về được bồi thường, được phạt, tiền thưởng, hỗ trợ…; Tiền thu được do nhận ký quỹ, ký cược; Tiền thu hồi các khoản đưa đi ký cược, ký quỹ)
ii. Luồng tiền từ hoạt động đầu tư
Luồng tiền từ hoạt động đầu tư thể hiện luồng tiền vào và các luồng tiền ra của các hoạt động sau:
- Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ / Tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ
- Tiền chi cho vay đơn vị khác / Tiền thu hồi cho vay đơn vị khác
- Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác / Tiền thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác
- Thu lãi tiền cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia
iii. Luồng tiền từ hoạt động tài chính
Luồng tiền từ hoạt động tài chính thể hiện luồng tiền vào và các luồng tiền ra của các hoạt động tài chính sau:
- Nhận vốn góp, hoàn vốn góp, phát hành cổ phiếu, mua lại cổ phiếu
- Tiền thu từ đi vay, trả nợ vay.
- Chia lợi nhuận, trả cổ tức
Như vậy, thông qua Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, ban giám đốc theo dõi các luồng tiền thu và chi liên quan đến 3 loại hoạt động của doanh nghiệp là Hoạt động kinh doanh, Hoạt động đầu tư và Hoạt động tài chính, nhờ đó đưa ra các quyết định quản trị tài chính chính xác.
4. Bản thuyết minh Báo cáo tài chính #
Bản thuyết minh Báo cáo tài chính là báo cáo dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Như vậy, Ban giám đốc có thể tìm hiểu các chi tiết cần thiết thông qua Bản thuyết minh BCTC.
Tham khảo: Dịch vụ lập báo cáo tài chính
Các vấn đề cần lưu ý khi đọc Báo cáo Tài chính #
Thông tin tài chính: Nghệ thuật, Không phải Khoa học #
Việc trình bày tình hình tài chính của một doanh nghiệp, như được trình bày trong báo cáo tài chính, chịu ảnh hưởng của các ước tính và xét đoán của Ban Giám đốc, nó không chỉ đơn thuần là cộng trừ từ những con số tuyệt đối.
Đánh giá tình hình tài chính: Không chỉ là con số #
Các con số tuyệt đối trong báo cáo tài chính cần được xem xét trong mối quan hệ có ngành, quy mô công ty và giai đoạn phát triển khi đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Các chỉ số kết quả phải được xem trong thời gian đủ để để xác định xu hướng.
Báo cáo tài chính không thể hiện một số thông tin phi tài chính #
Thông tin phi tài chính như thông tin về tình trạng nền kinh tế, ngành, mức độ cạnh tranh, lực lượng thị trường, thay đổi công nghệ, chất lượng quản lý và lực lượng lao động không được phản ánh trực tiếp trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Tóm lại: Báo cáo tài chính là tài liệu chủ yếu để nhà quản lý nắm được toàn bộ tình hình tài chính của doanh nghiệp, hiểu rõ các thông tin tài chính thể hiện trong Báo cáo tài chính giúp cho nhà quản lý kiểm soát được tình hình tài chính và đưa ra các quyết quản trị thích đáng đồng thời phòng tránh được các rủi ro phát sinh do quản lý tài chính yếu kém.