Căn cứ theo Nghị định 132/2020/CP-NĐ ngày 05 tháng 11 năm 2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, theo đó, nêu ra các trường hợp được miễn trừ kê khai, miễn trừ làm tờ khai, hồ sơ, báo cáo chuyển giá.
Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập tờ khai, Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết #
a. Chỉ lập mục I và II của Phụ lục I
Người nộp thuế được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong trường hợp:
- chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, và
- áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế, và
- không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
b. Chỉ lập Phụ lục I hết các chỉ tiêu từ I đến IV
Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:
- Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;
- Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;
- Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực như sau:
– Phân phối: Từ 5% trở lên;
– Sản xuất: Từ 10% trở lên;
– Gia công: Từ 15% trở lên.
Thời điểm nộp Hồ sơ chuyển giá #
Tờ khai Giao dịch liên kết được nộp cùng tờ khai Quyết toán thuế TNDN hàng năm. Như vậy, thời điểm nộp tờ khai giao dịch liên kết được nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được lập trước thời điểm kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm và phải lưu giữ, xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan thuế. Khi Cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra người nộp thuế, thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Luật Thanh tra kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin.
Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin, tài liệu tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi có yêu cầu của Cơ quan thuế trong quá trình tham vấn trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Điều 20 Nghị định này. Thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết không quá 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Cơ quan thuế. Trường hợp người nộp thuế có lý do chính đáng thì thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được gia hạn 01 lần không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn.
Các mức phạt nếu không nộp hồ sơ chuyển giá #
Theo quy định của Luật quản lý thuế, các khoản phạt gồm có: phạt 10% đến 20% đối với số tiền thuế bị truy thu tùy thuộc vào kỳ tính thuế, cùng tiền lãi chậm nộp (0,05%/ngày đến 0,07%/ngày đối với số tiền thuế bị truy thu (0,03%/ngày đối với giai đoạn từ ngày 01/07/2016) hoặc phạt trốn thuế (từ một đến ba lần số thuế bị truy thu), tùy thuộc vào bản chất và hoàn cảnh của lỗi vi phạm.
Tuy nhiên, rủi ro nhất đối với các doanh nghiệp không lập Hồ sơ giao dịch liên kết hoặc lập Hồ sơ giao dịch liên kết không tuân thủ quy định là số tiền thuế bị truy thu sẽ căn cứ theo mức ấn định của cơ quan thuế theo quy định dưới đây, về cơ bản là theo hướng không có lợi cho người nộp thuế. Cùng với các khoản phạt, doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng về uy tín trên thị trường và bị đưa vào danh sách các doanh nghiệp có rủi ro cao về chuyển giá của Cơ quan thuế, dẫn đến các cuộc thanh tra/ kiểm tra thuế định kỳ hơn.
Cách lập các tờ khai và hồ sơ chuyển giá #
Được quy định chi tiết tại các Phụ lục theo quy định hiện hành (từ kỳ tính thuế năm 2020 là theo Nghị định 132/2020/CP-NĐ ngày 05 tháng 11 năm 2020).
Làm gì khi được thông báo là cơ quan thuế sẽ thực hiện thanh tra về giao dịch liên kết #
- Rà soát toàn bộ các tờ khai thuế liên quan, nhanh chóng bổ sung các tờ khai còn thiếu. Việc thiếu các tờ khai hoặc khai sai so với tài liệu sẽ là cơ sở để cơ quan thuế ấn định thuế.
- Rà soát toàn bộ sổ sách và chứng từ kế toán để bảo đảm chúng được lập và lưu trữ đầy đủ, chính xác và phù hợp với các quy định kế toán. Nếu sổ sách kế toán có nhiều sai phạm trọng yếu thì cũng là cơ sở để cơ quan thuế ấn định thuế.
- Thu thập toàn bộ các chứng từ, tài liệu, hồ sơ theo như yêu cầu trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP (từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020) để giúp giải trình số liệu và cung cấp cho cơ quan thuế khi được yêu cầu.
- Doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn các chiến lược giải trình đối với những nội dung quan trọng và phức tạp. Nên trao đổi với công ty mẹ (nếu có) để có được sự trợ giúp tối đa. Ngoài ra, nên tìm hiểu các doanh nghiệp tương tự đã được thanh tra trước đó để có thêm thông tin tham khảo.
- Nếu doanh nghiệp cảm thấy chưa thực sự tự tin hoàn toàn về những nội dung trên thì nên thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp vào thực hiện kiểm tra độc lập để có các khuyến nghị hữu ích. Ngoài ra, đối với các khó khăn của doanh nghiệp khi chuẩn bị các tài liệu liên quan, các công ty tư vấn chuyên nghiệp có thể có sẵn những hiểu biết, kinh nghiệm, và nguồn lực phù hợp để giúp công ty xử lý phù hợp và kịp thời hạn trước khi cơ quan thuế vào. Doanh nghiệp có thể yêu cầu công ty tư vấn hỗ trợ giải trình các câu hỏi và lập luận của cơ quan thuế trong quá trình cơ quan thuế thực hiện thanh tra/kiểm tra tại doanh nghiệp.
Việc chuẩn bị tốt nhất trước khi cơ quan thuế vào kiểm tra sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các tổn thất không đáng có do những thiếu sót cơ bản liên quan đến tính tuân thủ, và giúp doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề thực sự quan trọng và phức tạp để đạt hiệu quả cao nhất khi giải trình và thuyết phục cơ quan thuế.