Kinh tế Việt Nam năm 2021 được Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%. Cùng với đó, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới”. Như vậy, cần phải làm gì để có thể khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất, gắn với ổn định vĩ mô, đảm bảo mục tiêu đã đề ra?
Việt Nam và mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021 #
Đánh giá về mục tiêu mà tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% mà Chính phủ đặt ra, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: “Mục tiêu đặt ra là thận trọng. Năm 2021, tôi kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được 7-7,5%, cao hơn so với những gì Chính phủ đã đặt ra. Tuy nhiên, những gì Chính phủ đặt ra cũng là điều hợp lý vì tình hình bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp”.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 là “đầy tham vọng” khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng xét trên bình diện những gì chúng ta làm được trong năm 2020 thì hoàn toàn có cơ sở để đạt được.
Việt Nam có một "bệ đỡ" nền kinh tế quốc gia, đó là nông nghiệp, du lịch nội địa #
“Việc ngành nông nghiệp thích ứng tốt với đại dịch và thiên tai sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, góp phần đưa GDP tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Toàn cho hay.
Về mặt quan hệ quốc tế, theo ông Toàn, chúng ta có những chính sách sáng suốt, tạo ra các nguồn lực để tăng tốc phát triển trong năm 2021, đo là việc ký hàng loạt các Hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)…
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài rất kỳ vọng vào việc dịch chuyển đầu tư của các “ông lớn” từ các quốc gia khác sang Việt Nam trong năm 2021. Không chỉ có “đại bàng”, nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng rất quan trọng. Những dự án FDI nhỏ, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong năm tới.
“Dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Qua cuộc trao đổi giữa với các công ty khu công nghiệp niêm yết trong nước. Nhiều công ty cho biết, khách hàng của họ đã hoãn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong năm nay do hạn chế đi lại.
TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm mới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Ngoài ra, phải thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước… nhằm đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Như vậy, có thể nói, về tổng thể, kinh tế Việt Nam năm tới vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.
TS Nguyễn Văn Thân – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho Lao Động biết, trong năm 2021 đầu tư công vẫn sẽ là điểm sáng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tăng cường giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công tại các công trình, dự án đã xác định, cần có thêm gói hỗ trợ kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, giúp họ có thêm động lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế dưới “lăng kính” chuyên gia nước ngoài #
Bất chấp những tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi từ 6% đến 7%. IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5 % khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa.
Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.
Bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19, TS Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đang và sẽ làm rất tốt. Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đất nước đã đạt được trong thời gian qua.
Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng tôi tin rằng, sang năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. World Bank kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tốt vào năm 2021”.
Theo đại diện World Bank, Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điển hình như việc thương mại toàn cầu năm nay đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.
Ông Andrew Jeffries – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% trong năm 2021.
Dự báo này căn cứ vào 4 yếu tố: Trước hết, nhu cầu bên ngoài đã và sẽ dần phục hồi vào năm 2021, có lợi cho một nền kinh tế có độ mở rộng như Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã và đang thích nghi dần trong sống chung với đại dịch, trong khi đang chờ đợi sự đột phá trong việc nghiên cứu và tìm kiếm vaccine. Việc đóng cửa toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ không xảy ra như ở những tháng đầu năm 2020, do vậy, nhu cầu bên ngoài sẽ dần phục hồi, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh sẽ tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng trong năm 2021. Tiếp đến, sự cơ cấu lại dòng vốn và thương mại quốc tế tiếp tục mạnh mẽ hơn vào năm 2021.
Để đạt được tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, đưa Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao, ông Andrew Jeffries cho rằng, ưu tiên số một là nâng cao hiệu quả thể chế, từ đó sẽ có tác động lan tỏa sang mọi lĩnh vực, góp phần tăng trưởng bền vững. Thể chế hiệu quả sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển và tận dụng được tối đa các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu.
(Theo Báo Lao động)