Ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Ấn Độ

 

Ngày 03 tháng 9 năm 2016 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam, Ông Parvathaneni Harish đã chính thức ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Ấn Độ (Nghị định thư). Lễ ký kết đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng và hữu nghị trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đại diện các Bộ/Ngành của hai nước (Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, …).

Về tình hình đầu tư: quan hệ đầu tư giữa Việt Nam với Ấn Độ đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỉ USD tại Sóc Trăng. Tính đến ngày 20/7/2016, Ấn Độ có 129 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 534,948 triệu USD, đứng thứ 29 trong tổng số 115 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực chính: viễn thông, công nghệ thông tin, xe máy, sản phẩm phân bón, dược phẩm, thiết bị điện. Các dự án tiêu biểu: Dự án liên doanh xây dựng Nhà máy khí ga Nam Côn Sơn, liên doanh FPT và APTECH lập trung tâm đào tạo các chuyên gia công nghệ thông tin cho Việt Nam tại Ấn Độ.

Tính đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư sang Ấn Độ 1 dự án, đó là dự án Công ty phát triển đầu tư công nghệ India của Công ty phát triển đầu tư công nghệ FPT, tổng vốn đầu tư là 150.000 USD để sản xuất phần mềm, thực hiện dịch vụ tin học (số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký kết ngày 07/9/1994 tại Hà Nội và có hiệu lực ngày 02/02/1995.

Theo nội dung của Nghị định thư, cả hai nước (Ấn Độ và Việt Nam) đều nhất trí điều chỉnh Điều 27 về “Trao đổi thông tin” của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Ấn Độ và Việt Nam để đáp ứng những quy chuẩn quốc tế về minh bạch và trao đổi thông tin theo quy định mới của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bổ sung một điều khoản Điều 27A mới về “Hỗ trợ thu thuế” để tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý thuế nói chung, công tác thu thuế nói riêng.

Nghị định thư đặt ra những quy chuẩn được quốc tế chấp nhận liên quan tới việc trao đổi hiệu quả thông tin về các vấn đề thuế, trong đó có thông tin ngân hàng. Đồng thời, Nghị định thư cũng quy định thông tin từ phía Việt Nam liên quan tới đối tượng cư trú của Ấn Độ (và ngược lại) có thể được chia sẻ với các cơ quan thực thi luật pháp khi được nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam và Ấn Độ cho phép … Việc trao đổi thông tin theo quy định mới cũng nhằm để giúp Cơ quan thuế Việt Nam quản lý và thu thập thông tin về người nộp thuế tốt hơn…