Hãy sống cho những mục tiêu, thành công sẽ đến với bạn

Cuộc sống thiếu mục tiêu là một hành trình lang thang vô định, phó mặc cuộc đời cho sự may rủi và cho sự đưa đẩy ngẩu nhiên của thời cuộc. Người sống thiếu mục tiêu sẽ không biết tập trung trí tuệ, sức lực của mình vào đâu, nên dễ bỏ lỡ cơ hội. Thực chất đó là một sự hoang phí cuộc đời. Hãy sống cho những mục tiêu, thành công sẽ đến với bạn.

Nếu bạn tin tưởng rằng mình làm được, bạn sẽ làm được

Người ta gọi hiện tượng khi chúng ta tin tưởng vào điều gì đó và nó xảy đến là “lời tiên tri tự xảy đến”. Tâm trí chúng ta được cấu tạo để không ngừng tìm cách biến những gì chúng ta nghĩ đến nhiều nhất thành sự thật. Phần lớn con người chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra hết tiềm năng to lớn mà mình sở hữu vì chúng ta không sẵn lòng tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được những việc mà người khác cho là không thể.

Những việc “không thể” đó cần nhiều nỗ lực và tập trung hơn, nhưng khi chúng ra làm xong, phần thưởng- cả về tài chính lẫn tinh thần- sẽ xứng đáng với những nỗ lực đó. Có thể bạn không có khả năng đạt được mọi thứ bạn thích, nhưng bạn sẽ không làm được bất cứ thứ gì nếu bạn không tin tưởng vào bản thân.

Hãy nói với bản thân rằng “tôi sẽ” thay vì “tôi không thể”

Nếu bạn nhắc đi nhắc lại điều gì đó với bản thân mình, cuối cùng tiềm thức của bạn sẽ chấp nhận nó là hiện thực. Khi tiềm thức chấp nhận chuyện gì đó là sự thật, nó sẽ làm việc cật lực để chuyển hóa ý tưởng đó thành sự thật. Bạn có thể tận dụng chuyện đó bằng cách lập trình cho tâm trí của bạn những suy nghĩ tích cực. 

Hãy tự khẳng định hoặc khẳng định hoặc thúc đẩy bản thân để thuyết phục tiềm thức của bạn rằng bạn có khả năng làm được bất kỳ điều gì bạn mong muốn. Hãy áp dụng phương pháp đó mỗi ngày vài lần cho đến khi nó trở thành một phản xạ tự nhiên để nhắc lại những cụ từ tích cực bất cứ khi nào bạn bắt đầu nghi ngờ chính mình. Hãy thay thế cụm từ “tôi không thể” bằng “tôi sẽ”.

Nếu ai đó nói với bạn rằng bạn không làm được thì bạn hãy hỏi lại rằng anh ta đã thành công cỡ nào mà có tư cách đặt ra giới hạn cho bạn

Xuyên suốt chuyến hành trình cuộc đời mình, bạn sẽ nhận thấy rằng những người hay hào phóng ban tặng lời khuyên cho người khác chính xác là những người ít xứng đáng để làm việc đó nhất. Những người bận rộn và thành công không có hứng thú với chuyện nói với bạn phải sống thế nào. Họ bận bịu với cuộc sống của chính mình. Những kẻ thất bại và tầm thường thì luôn thừa thời gian. Họ còn rất thích thú khi thấy bạn thất bại và khi bạn trải qua những thất bại tạm thời, họ sẽ nhanh chóng nói rằng: “Tôi đã bảo anh rồi mà”.

Nếu ai đó nói với bạn rằng những gì bạn đang nỗ lực để đạt được là không thể hay không xứng đáng với công sức của bạn, hãy nhìn thật kỹ vào họ và những gì họ làm được trong cuộc sống của mình. Có rất nhiều khả năng là bạn sẽ thấy chẳng làm được gì nhiều. Những người thành công luôn lạc quan. Họ có thói quen thành công vì từ rất lâu rồi, họ đã học được cách lắng nghe bản thân mình chứ không nghe những người muốn thấy họ thất bại.

Nếu bạn tiếp tục đi con đường mình đang đi thì 10 năm nữa bạn sẽ ở đâu?

Rất nhiều người không nhận ra rằng thành công lớn là kết quả của những thành công nhỏ cộng lại và thường mất rất nhiều thời gian để đi tới thành công. Những người thành công thực sự là những người biết nhìn xa trông rộng. Họ biết rằng mình phải dựa vào từng thành công nhỏ và không ngừng học hỏi những phương thức làm mọi việc mới và tốt hơn. Việc thường xuyên xem lại tiến trình của bạn là một phần thiết yếu của việc đặt mục tiêu. Một mục tiêu chẳng khác gì một mong ước nếu bạn không lên một lịch trình cụ thể để hoàn thành nó. Hãy đảm bảo rằng kế hoạch cuộc đời bạn sẽ bao gồm các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hãy xem lại khi đã hoàn thành và đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho chính mình khi đã phát triển đến tầm cao hơn. Và hãy dành thời gian suy ngẫm thường xuyên để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng.

Đừng bao giờ phá hủy bất cứ thứ gì trừ phi bạn đã chuẩn bị để xây thứ tốt hơn

Rất dễ dàng để chỉ trích hay tìm ra sai sót trong công việc của người khác một cách thiếu suy nghĩ. Nhưng để trở thành một người xây dựng và tạo nên các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm hữu ích hay công việc kinh doanh có lãi thì khó hơn nhiều. Hãy đảm bảo rằng bạn là người xây dựng, chứ không phải là kẻ đi phá hoại.

Khi phê bình hành động hay tác phẩm của người khác- con cái, nhân viên hay những người bạn chịu trách nhiệm về họ- hãy đảm bảo rằng sự phê bình của bạn luôn tích cực và hướng vào hành động hay cơ hội cải tiến chứ không nhằm vào cá nhân, hãy đưa ra những gợi ý cụ thể để họ áp dụng và tập trung vào tiềm năng thành công.

Trích: 365 ngày làm giàu