“Hơn 26 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2021, mặc dù Việt Nam ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và dự báo con số này tiếp tục tăng vào cuối năm nay”
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhiều địa phương có nguồn đầu tư FDI cao đang nỗ lực đồng hành với các doanh nghiệp bằng những chính sách, từ sản xuất duy trì nguồn lao động, cũng như hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư nguyên liệu hàng hóa. Điều này cũng khẳng định, Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Việt Nam do tác động của đại dịch Covid-19, một số nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh. Trong 11 tháng năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài đã cấp vốn đăng ký mới cho 1.577 dự án, với trị giá đạt hơn 14 tỷ USD. Vốn đăng ký điều chỉnh có 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm hơn 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tín hiệu đáng mừng là các dự án đầu tư vào Việt Nam đang hướng đến giá trị gia tăng cao: “Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa đến Việt Nam. Và hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và trong các tỷ lệ ngành nghề nhà đầu tư tại Việt Nam thì ngành chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao và tỷ trọng này ngày càng cao. Chúng ta đang hướng tới ngành có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa cao và đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, là những dòng đầu tư vào Việt Nam”.
Mặc dù bùng phát dịch Covid-19 nhưng các dự án hạ tầng công nghệ ở một số thành phố trong cả nước, nhất là thành phố Đà Nẵng vẫn được đẩy nhanh để xây “tổ” đón đại bàng, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực thành phố thông minh. Trong những ngày cuối năm này, Công viên phần mềm số 2 ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp các đội nhóm công nhân đua tiến độ. Nhờ năng lực các nhà thầu đồng đều, đến nay tòa nhà văn phòng 8 tầng ICT1 đã rút ngắn tiến độ 8 tháng, đảm bảo đến ngày 31/12 sẽ bàn giao cho đơn vị thuê lắp đặt văn phòng, vận hành vào tháng 2 năm sau.
Ông Phạm Trường Sơn- Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao, Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng: “Chúng tôi trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty Fujikin của Nhật là một trong những công ty trong dòng dịch chuyển vốn được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và còn việc mà thu hút đầu tư trong giai đoạn bây giờ. Chúng tôi áp dụng một số giải pháp như tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến đến thị trường châu Âu, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Hiện nhiều địa phương tiếp tục sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến đầu tư có điều kiện tốt nhất. Đồng thời sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Một số địa phương tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn.
Theo VOV