Toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử được tập trung tại Tổng cục Thuế để cung cấp các dịch vụ cho người bán, người mua hàng có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.
Hóa đơn không còn lưu trữ phân mảnh tại các Đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử, hoặc lưu trữ riêng lẻ tại doanh nghiệp.
Mô hình tập trung của Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế
Dữ liệu HĐĐT được gửi đến cơ quan thuế bằng đường truyền kết nối riêng, có các cơ chế bảo mật trên đường truyền nên đảm bảo an toàn dữ liệu hóa đơn điện tử.
Cán bộ thuế được phân quyền khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; hệ thống CNTT có chức năng quản lý, giám sát việc khai thác sử dụng dữ liệu hóa đơn điện tử của cán bộ thuế.
Các giải pháp triển khai HĐĐT phải bảo đảm các yêu cầu như: HĐĐT được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng, khi bị tẩy xóa (thay đổi dữ liệu) thì hóa đơn sẽ không bảo đảm tính toàn vẹn của chữ ký số. Khi có tình trạng giả mạo thì cơ quan thuế dựa vào hệ thống CNTT sẽ phát hiện được và xử lý ngay theo quy định; cung cấp thông tin hoá đơn kịp thời để người mua hàng, bên thứ 3, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để có thể đối chiếu, kiểm tra đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của hoá đơn.
Kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử
Ngày 21/11/2021 tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT). Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại điểm cầu 6 địa phương triển khai HĐĐT giai đoạn 1.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý. Đến nay, qua 30 năm liên tục đầu tư và phát triển, hệ thống CNTT của ngành thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, DN trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.
Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, DN.
Tổng cục Thuế luôn nỗ lực liên tục cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý để mang lại những tiện ích cho người dân, DN. Theo đó, ngay từ năm 2010, Tổng cục Thuế đã đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung HĐĐT vào hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán, tạo cơ sở pháp lý để các DN hiện đại hóa công tác quản trị phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Theo đánh giá, mặc dù HĐĐT là công nghệ mới với nhiều tiện ích vượt trội so với hóa đơn giấy, song để thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng HĐĐT, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung 1 chương về HĐĐT.
Để đưa các quy định về HĐĐT trong Luật Quản lý thuế vào thực tiễn, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai về HĐĐT và ban hành các quyết định triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021 và giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% DN trên toàn quốc áp dụng HĐĐT.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, TP. Hà Nội vinh dự là 1 trong 6 địa phương được Bộ Tài chính lựa chọn triển khai HĐĐT đầu tiên trên cả nước. Xác định rõ HĐĐT là một giải pháp rất quan trọng trong công tác hiện đại hóa việc quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm được thời gian và chi phí, hạn chế rủi ro, đến nay đã có 99% doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn Thủ đô thông báo phát hành HĐĐT.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh với những lợi ích mà HĐĐT mang lại, lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong chuyển đổi, sử dụng HĐĐT theo quy định mới. Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội sẽ thường xuyên chỉ đạo Cục Thuế TP. Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành để tổng hợp được các vướng mắc, khó khăn, từ đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, người nộp thuế, giảm thiểu tối đa các phiền hà phát sinh có thể xảy ra.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết, đến nay, TP. Hà Nội đã sẵn sàng kích hoạt HĐĐT, đồng thời cam kết với Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, người nộp thuế trong triển khai HĐĐT, hỗ trợ giải quyết toàn bộ những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo tiến độ, chất lượng mục tiêu đã đề ra.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, cùng với 05 địa phương được chọn triển khai HĐĐT giai đoạn 1, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, đồng thời rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, giải pháp kỹ thuật cũng như tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai HĐĐT gắn với chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo triển khai HĐĐT của Thành phố cũng như sự hướng dẫn sát sao của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc triển khai HĐĐT đã bước đầu vận hành đúng lộ trình và có hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
Có thể khẳng định, sự kiện công bố Hệ thống hóa đơn điện tử là dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Thuế, giúp đổi mới quản lý thuế, quản lý hóa đơn theo hướng hiện đại, minh bạch.