Cập nhật lúc 12/09/2024 - 02:11 pm
Thuế nhà thầu là một trong những nghĩa vụ tài chính quan trọng của tổ chức nước ngoài đối với Việt Nam khi thực hiện tổ chức kinh doanh hay có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Vậy làm sao để xác định được thuế nhà thầu? Theo quy định hiện hành thì loại thuế này là bao nhiêu và thủ tục nộp thuế như thế nào?
Để hỗ trợ cho nhà thầu nước ngoài cũng như quý khách hàng nắm rõ về loại thuế này, dưới đây là cẩm nang chi tiết, đầy đủ kiến thức từ đối tượng, các quy định liên quan tính thuế, các lưu ý về khấu trừ và chi phí cho đến chi tiết trình tự thực hiện nghĩa vụ thuế nhà thầu theo quy định.
Thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng cho Nhà thầu nước ngoài và Nhà thầu phụ nước ngoài khi tổ chức kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức nước ngoài thực hiện kinh doanh có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo đó, nhà thầu nước ngoài bao gồm:
- Cá nhân có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
- Tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Theo quy định về thuế nhà thầu tại Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ thuế khi thực hiện một trong những hoạt động dưới đây:
- Tổ chức kinh doanh hoặc phát sinh thu nhập ở Việt Nam theo hợp đồng hoặc bản cam kết.
- Phân phối hàng hóa vào thị trường Việt Nam.
- Sản xuất hàng hoá tại Việt Nam và có phát sinh thu nhập.
- Đứng tên trên hợp đồng thông qua phía Việt Nam để đàm phán, ký kết.
Thuế nhà thầu bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN. Các loại thuế này được xét khi nhà thầu nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Trong đó, theo từng trường hợp thì nghĩa vụ thuế cụ thể như sau:
- Nhà thầu nước ngoài là tổ chức thì số thuế nhà thầu sẽ bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN.
- Nhà thầu nước ngoài là cá nhân thì số thuế nhà thầu sẽ bao gồm thuế GTGT và thuế TNCN.
Căn cứ pháp lý về thuế nhà thầu? #
Hiện nay, việc thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam được hướng dẫn thực hiện theo Thông tư 103/2014/TT-BTC.
Trường hợp nếu quy định về nộp thuế nhà thầu tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia khác với các nội dung hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC thì Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế dựa theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI ĐỐI TƯỢNG CỦA THUẾ NHÀ THẦU #
Thuế nhà thầu năm 2023 được áp dụng dựa theo quy định tại Điều 5 Thông tư 103/2014/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam như sau:
- Đối tượng nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNDN theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.
- Đối tượng nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC, thuế TNCN theo luật về thuế TNCN.
Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí khác theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số nội dung nổi bật sau đây về thuế nhà thầu năm 2023.
Đối tượng áp dụng và không áp dụng thuế nhà thầu #
Trong năm 2023, thuế nhà thầu áp dụng đối với các đối tượng cụ thể:
- Tổ chức nước ngoài tổ chức kinh doanh có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân người nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú hoặc không cư trú tại Việt Nam thực hiện kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký kết giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện việc phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu mọi rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, tiếp thị, quảng cáo, chất lượng hàng hóa dịch vụ giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp uỷ quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện dịch vụ phân phối, một số dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đàm phán, ký kết các hợp đồng thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam, hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.
Năm 2023, những đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đang tổ chức kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Luật Dầu khí 1993 (được sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2008 và 2018), Luật các Tổ chức tín dụng 2010.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không đi kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:
- Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi chi phí, trách nhiệm, rủi ro liên quan đến xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài;
- Người mua chịu mọi chi phí, trách nhiệm, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
- Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi chi phí, trách nhiệm, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam;
- Người mua chịu mọi chi phí, trách nhiệm, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài , cụ thể các dịch vụ đó là:
- Sửa chữa các phương tiện vận tải (máy bay, động cơ máy bay, phụ tùng máy bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), cả bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế đi kèm;
- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên mạng internet);
- Xúc tiến đầu tư và thương mại;
- Môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
- Đào tạo (trừ dịch vụ đào tạo trực tuyến);
- Cước thanh toán dịch vụ viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông 2009;
- Cước thanh toán dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính 2010, các điều ước quốc tế về Bưu chính mà Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, chuyển khẩu, quá cảnh, lưu trữ hàng hóa hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.
Ai là người nộp thuế nhà thầu? #
Năm 2023, nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là người nộp thuế nhà thầu khi kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Việc kinh doanh được tiến hành trên cơ sở hợp đồng của nhà thầu với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu phụ.
Lưu ý:
- Căn cứ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi năm 2013, 2014 và 2020), Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi năm 2012 và 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành thực hiện xác định Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam.
- Trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú, đối tượng cư trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.
Điều kiện áp dụng thuế nhà thầu được quy định cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Áp dụng nộp thuế nhà thầu theo phương pháp kê khai (nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế) khi tổ chức đáp ứng điều kiện:
- Có cơ sở thường trú hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam.
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực.
- Sử dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cấp mã số thuế.
Trường hợp 2: Áp dụng nộp thuế nhà thầu theo phương pháp hỗn hợp (nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm doanh thu) khi tổ chức đáp ứng điều kiện:
- Có cơ sở thường trú hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam.
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực.
- Tổ chức thực hiện hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính, có đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế.
Tổ chức được thành lập, hoạt động và đăng ký hoạt động dựa theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh là người nộp thuế nhà thầu trong các trường hợp:
- Các tổ chức kinh doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật Hợp tác xã 2012.
- Các tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác.
- Nhà thầu dầu khí hoạt động theo Luật Dầu khí 1993 (được sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2008 và 2018).
- Chi nhánh của các Công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
- Tổ chức nước ngoài hoặc đại diện của tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
- Văn phòng bán vé, đại lý vé tại Việt Nam của Hãng hàng không nước ngoài có quyền vận chuyển trực tiếp hoặc liên danh đi và đến Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài; đại lý tại Việt Nam của Hãng giao nhận, chuyển phát nước ngoài.
- Công ty chứng khoán, phát hành chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại nơi quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán.
Các tổ chức khác ở Việt Nam. - Các cá nhân thực hiện sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Đối tượng nộp thuế này có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT, thuế TNDN trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài căn cứ theo hướng dẫn tại Mục 3 Chương II Thông tư 103/2014/TT-BTC.
Đối tượng nào phải chịu thuế GTGT trong thuế nhà thầu? #
Gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam căn cứ theo quy định tại Luật Thuế GTGT 2008, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật Thuế GTGT 2008 ( sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014).
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp tại Việt Nam hoặc ngoài Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I Thông tư 103/2014/TT-BTC) đều thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu, phần giá trị dịch vụ được cung cấp theo hợp đồng được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 103/2014/TT-BTC thuộc các trường hợp sau đây:
- Điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I Thông tư 103/2014/TT-BTC);
- Việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ thực hiện tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế và các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa, kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ có hay không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa;
Thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng trong trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí).
Đối tượng nào phải chịu thuế TNDN trong thuế nhà thầu? #
Thu nhập chịu thuế TNDN trong thuế nhà thầu là thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC, bao gồm:
- Thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp và phân phối hàng hóa.
- Thu nhập phát sinh từ việc thực hiện cung cấp dịch vụ, dịch vụ đi kèm với hàng hóa tại Việt Nam.
Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập được nhận dưới bất kỳ hình thức nào dựa trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I Thông tư 103/2014/TT-BTC), không phụ thuộc vào địa điểm thực hiện hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài.
Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản; chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế/dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam.
- Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm). “Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm”, “Quyền sở hữu công nghiệp”, “Chuyển giao công nghệ” căn cứ theo quy định tại Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản.
- Thu nhập từ Lãi tiền vay: bên cho vay thu nhập từ các khoản cho vay dưới bất kỳ hình thức nào mà khoản vay đó có hay không được đảm bảo bằng thế chấp, người cho vay đó có hay không được hưởng lợi tức của người đi vay; thu nhập từ lãi tiền gửi (trừ lãi tiền gửi của các cá nhân người nước ngoài và lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản tiền gửi để duy trì hoạt động tại Việt Nam của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam), bao gồm cả các khoản thưởng đi kèm lãi tiền gửi; thu nhập từ lãi quá hạn trả theo quy định của hợp đồng; thu nhập từ lãi trái phiếu, chiết khấu giá trái phiếu (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế), tín phiếu kho bạc; thu nhập từ lãi chứng chỉ tiền gửi. Lãi tiền vay bao gồm cả các khoản phí mà bên Việt Nam phải trả theo quy định của hợp đồng.
- Thu nhập từ việc chuyển nhượng chứng khoán.
- Tiền phạt, tiền bồi thường thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng.
- Một số khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hàng hóa được cung cấp theo các hình thức dưới đây theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ:
- Điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I Thông tư 103/2014/TT-BTC);
- Việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ thực hiện tại Việt Nam như marketing, dịch vụ sau bán hàng, lắp đặt, chạy thử, bảo dưỡng, bảo hành thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa, kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa;
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC NỘP
THUẾ NHÀ THẦU #
i) Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai
Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 8 Thông tư 103/2014/TT-BTC nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
- Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cấp mã số thuế.
Theo quy định tại Điều 9, 10 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì việc nộp thuế GTGT được thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT 2008 (được sửa đổi năm 2013, 2014 và 2016) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Còn việc nộp thuế TNDN được hiện theo quy định của Luật Thuế TNDN 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
ii) Nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp
Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì chủ đầu tư phía Việt Nam đứng ra nộp thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài theo các hướng dẫn sau đây:
Cách tính thuế GTGT trong thuế nhà thầu
Thuế GTGT được tính theo công thức:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu tính thuế GTGT | x | Tỷ lệ % tính thuế GTGT trên doanh thu |
Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT không được khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào để thực hiện hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
Cách xác định doanh thu tính thuế GTGT và tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với ngày kinh doanh được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Thông tư 103/2014/TT-BTC.
Cách tính thuế TNDN trong thuế nhà thầu
Thuế TNDN trong thuế nhà thầu được tính theo công thức:
Số thuế TNDN phải nộp | = | Doanh thu tính thuế TNDN | x | Tỷ lệ % tính thuế TNDN trên doanh thu |
Doanh thu tính thuế TNDN, tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế được thực hiện dựa theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC.
Ngoài ra, thuế TNDN đối với khoản tiền bồi thường thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng mà lớn hơn giá trị thiệt hại, có thu nhập chịu thuế thì nhà thầu nước ngoài được lựa chọn khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế hoặc trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí với thuế suất phổ thông.
iii) Nộp thuế nhà thầu theo phương pháp hỗn hợp
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 103/2014/TT-BTC, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nếu đáp ứng đủ hai điều kiện có cơ sở thường trú hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam và thời hạn kinh doanh tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực và tổ chức hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính thì tiến hành đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế.
Theo quy định tại Điều 15, 16 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì việc nộp thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc nộp thuế TNDN được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC.
FAQ
Câu hỏi thường gặp #
Hồ sơ xin miễn giảm thuế nhà thầu theo hiệp định tránh đánh thuế 2 lần bao gồm:
- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC;
- Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;
- Bản chụp hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có xác nhận của người nộp thuế.
- Trường hợp hoạt động mua bán chứng khoán không có hợp đồng mua bán chứng khoán thì người nộp thuế nộp Giấy chứng nhận tài khoản lưu ký cổ phiếu, trái phiếu do Ngân hàng lưu ký hoặc Công ty chứng khoán xác nhận theo mẫu số 01/TNKDCK ban hành kèm theo Thông tư này.
- Đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn: người nộp thuế nộp thêm bản chụp có xác nhận của người nộp thuế hợp đồng chuyển nhượng vốn, bản chụp Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn có xác nhận của người nộp thuế.
- Đối với trường hợp các cơ quan Chính phủ nước ngoài có thu nhập thuộc diện được miễn thuế theo quy định của điều khoản về lãi từ tiền cho vay của Hiệp định: người nộp thuế nộp bản chụp hợp đồng vay vốn được ký kết giữa cơ quan Chính phủ nước ngoài với tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có xác nhận của người nộp thuế
- Giấy ủy quyền trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định.
Nhà thầu nước ngoài có 2 phương pháp nộp thuế đó là phương pháp kê khai và phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm doanh thu. Khi nộp thuế theo phương pháp kê khai, nhà thầu nước ngoài sẽ được phép nộp thuế tương tự như doanh nghiệp Việt Nam và được hưởng chính sách ưu đãi khấu trừ thuế theo quy định.
Nhà thầu nước ngoài sẽ phải đăng ký kê khai thuế TNDN và thuế GTGT. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi khấu trừ thuế, nhà thầu nước ngoài cần đáp ứng được các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp có cơ sở thường trú tại Việt Nam
Đối tượng có cư trú thuế tại Việt Nam - Thời hạn kinh doanh từ 183 ngày trở lên theo hợp đồng nhà thầu
- Hoàn tất tờ khai đăng ký thuế và được cấp mã số thuế nhà thầu, áp dụng theo quy tắc chế độ kế toán Việt Nam
Đại diện bên Việt Nam cần có văn bản thông báo cho cơ quan thuế về việc nhà thầu nước ngoài sẽ nộp thuế theo phương pháp khấu trừ trong vòng 20 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Nếu nhà thầu nước ngoài thực hiện nhiều hợp đồng trong một thời điểm, chỉ cần một trong số các hợp đồng đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ được chấp thuận, thì các hợp đồng khác cũng phải thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Khi đó, các nhà thầu nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi khấu trừ và nộp thuế TNDN ở mức thuế suất 20% trên lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
Theo Mục 1 điều 6 Thông tư 103/2014/TT-BTC về đối tượng chịu thuế nhà thầu:
- Đối tượng phải chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.
- Đối tượng phải chịu thuế GTGT là dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp tại Việt Nam hoặc ngoài Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo Mục 3 Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC về đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, theo nguyên tắc, tổ chức nước ngoài nhận được khoản thu nhập từ tổ chức Việt Nam nhưng phát sinh giao dịch và phục vụ sản xuất tiêu dùng ngoài Việt Nam thì không phải đối tượng áp dụng thuế nhà thầu.
Việc tuân thủ các quy định và thực hiện đúng quy trình không chỉ giúp bạn tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần vào sự minh bạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Thực hiện các điều trên là không dễ dàng với doanh nghiệp, giải pháp hữu hiệu là sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp: Hợp tác với chuyên gia tài chính kế toán và thuế để đảm bảo bạn thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các quy định pháp luật.
Xem chi tiết thông tin về dịch vụ của chúng tôi tại bài viết