Đặt tên công ty là công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng nó góp phần quan trọng trong việc hình thành giá trị của doanh nghiệp bạn, do vậy bạn hãy dành thời gian xứng đáng cho nó.
EXPERTIS
Sau đây là quy trình bốn bước hướng dẫn cách đặt cách đặt tên công ty / tên doanh nghiệp giúp cho ý tưởng đặt tên công ty là hấp dẫn và thú vị cho bạn mà Expertis đã đúc kết và thu thập sau nhiều năm làm tư vấn doanh nghiệp.
CÁCH ĐẶT TÊN CÔNG TY #
Tên công ty / Tên doanh nghiệp phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh và hình thành nên giá trị của doanh nghiệp, tên công ty không chỉ đơn thuần là cái tên. Để có một cái tên công ty thật sự tốt và đăng ký được, bạn cần suy nghĩ trên 3 khía cạnh như sau đây:
1 - Cách đặt tên công ty dựa theo yếu tố "Tên công ty phục vụ cho nhu cầu kinh doanh" #
Đây là cách đặt tên công ty/ đặt tên doanh nghiệp bắt đầu bằng cách suy nghĩ những từ có thể phù hợp với tên công ty của bạn. Mục tiêu của bạn ở đây là tạo một danh sách các từ hoặc tên mà bạn nghĩ đến khi nghĩ về doanh nghiệp của mình.
Mẹo: Bạn nên thay đổi qua lại trên góc nhìn của khách hàng, người tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của bạn và góc nhìn của bạn khi nghĩ ra các tên doanh nghiệp để đưa vào danh sách lựa chọn.
2 - Cách đặt tên công ty dựa theo yếu tố "có liên quan đến tên thương hiệu sản phẩm dịch vụ" #
Theo khuôn khổ phát luật Việt Nam thì:
- Tên doanh nghiệp được đăng ký vào “bảo hộ” theo Luật doanh nghiệp và không bắt buộc phải được đăng ký sở hữu trí tuệ
- Tên thương hiệu sản phẩm / dịch vụ được bảo hộ độc quyền chỉ khi được đăng ký bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ.
Phần nhiều các doanh nghiệp B2B thời gian khi mới bắt đầu kinh doanh hay dùng tên doanh nghiệp chính là tên sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp B2C, hoặc sau một thời gian phát triển mở rộng, dẫn đến nhu cầu sử dụng thương hiệu sản phẩm dịch vụ khác với tên doanh nghiệp.
Do vậy, Expertis khuyên bạn nên xem xét đến điều này ngay ngay trong giai đoạn lựa chọn tên doanh nghiệp. Cách đặt tên doanh nghiệp có liên quan đến tên thương hiệu sản phẩm dịch vụ giúp khách hàng nhanh chóng liên tưởng ngay, tạo ra lợi thế trong việc tiếp thị.
Tất nhiên bạn có thể chỉnh sửa những vấn đề phát sinh về mặt đăng ký sau này, nhưng cũng có những tình huống mà việc xử lý sau này là khó khăn nhiều, ví dụ như sau:
+ Nếu bạn xác định chọn tên doanh nghiệp chính là tên thương hiệu sản phẩm/dịch vụ thì bạn cần kiểm tra khả năng đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Tham khảo thêm tại Cục sở hữu trí tuệ. Nếu không, bạn có thể rơi vào trường hợp có tên doanh nghiệp là A nhưng lại không thể dùng tên thương hiệu sản phẩm/dịch vụ do đã có đơn vị đăng ký sở hữu trí tuệ trước bạn.
+ Cũng có trường hợp bạn chọn tên doanh nghiệp là A, tên sản phẩm dịch vụ là X,Y,Z … trong khi đó trên thị trường có doanh nghiệp tên là B nhưng lại có quyền sở hữu trí tuệ đối với thượng hiệu sản phẩm dịch vụ có tên là A (trùng tên với tên doanh nghiệp của bạn, và đã đăng ký sở hữu trí tuệ thành công). >> Điều này có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng của bạn, đặc biệt khi xảy ra rủi ro chất lượng sản phẩm dịch vụ, dẫn đến khách hàng nhầm lẫn là: “Doanh nghiệp bạn có tên A và đồng thời chính chủ của là sản phẩm dịch vụ có tên thương hiệu là A và do đó cho rằng doanh nghiệp bạn cung cấp sản phẩm dịch vụ không tốt (Lý do là khách hàng không quan tâm nhiều khía cạnh pháp lý của tên mà theo cảm nhận tâm lý nhiều hơn).
3 - Ý tưởng đặt tên công ty phải "đáp ứng quy định về đặt tên doanh nghiệp" #
i – Cách đặt tên doanh nghiệp của bạn phải tuân thủ quy định về tên doanh nghiệp như sau:
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
2. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 39, 40 và 42 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
(Quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp)
ii – Tên doanh nghiệp được chọn phải không được trùng với những tên doanh nghiệp đã có sẳn
Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
iii – Tên doanh nghiệp không được gây nhầm lẫn
Các trường hợp sau đây là gây nhầm lẫn:
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
2. Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
3. Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
4. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
5. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-“, “_”;
6. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
7. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
iiii – Cách kiểm tra tên doanh nghiệp đã chọn có trùng hay không
Bước 1: Truy cập vào Trang chủ của Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn
Bước 2: Nhập phần tên riêng của công ty vào ô Tìm doanh nghiệp để tìm kiếm.
Nếu không thấy xuất hiện tên công ty nào thì tên dự kiến đặt không bị trùng.
Cách này rất đơn giản và ai cũng có thể thực hiện, có thể đối chiếu với tên tất cả các doanh nghiệp đã đăng ký ở mọi loại hình.
CHẤM ĐIỂM CÁC Ý TƯỞNG ĐẶT TÊN CÔNG TY CỦA BẠN #
Bạn cần chấm điểm các tên công ty, tên công ty mà bạn lựa chọn một cách rõ ràng, tránh cảm xúc quyết định.
1 - Liệt kê các ý tưởng tên công ty của bạn #
Sau khi bạn đã phát triển một danh sách các tên khả thi, hãy phân tích các ý tưởng của bạn.
Xóa bất kỳ tên nào khó nhớ, khó đánh vần hoặc nói to hoặc âm quá nặng.
Giữ những cái tên có Tính thương hiệu, âm thanh nghe tuyệt vời, dễ nhớ và truyền đạt các giá trị thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đến đối tượng mục tiêu.
2 - Chấm điểm các tên công ty để lựa chọn và rút ngắn danh sách tên #
Dưới đây là Mẫu gợi ý form chấm điểm / kiểm tra tên doanh nghiệp mà bạn có thể thực hiện các ý tưởng của mình để giúp rút ngắn danh sách tên của bạn:
Yếu tố cần kiểm tra | Tên, ví dụ: DORA cho DN làm bánh ngọt |
---|---|
Tên có đơn giản và dễ nhớ không? | Cao |
Tên có dễ đọc và dễ nói không? | Cao |
Tên có khác so với các đối thủ cạnh tranh không? | Cao |
Tên có làm cho khách hàng liên hệ đến cái gì đã có ý nghĩa (Hồn thương hiệu / Hồn quốc gia) đối với họ không ? | Có, Nhật |
Tên có truyền đạt một ý nghĩa liên quan đến giá trị thương hiệu sản phẩm/dịch vụ không? | Cao (Doreamon / Chất lượng Nhật) |
Tên có tránh được các từ được sử dụng kiểu nói quá hoặc từ sáo rỗng hoặc đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm không? | Không |
Nếu bạn có làm việc với người nước ngoài/doanh nghiệp nước ngoài: Tên có thể đọc được bởi người nước ngoài không? | Có |
Nếu bạn có làm việc với người nước ngoài/doanh nghiệp nước ngoài: Tên đọc tiếng Việt và Tiếng Anh có giống nhau không? Ví dụ Tiki thỏa mãn tiêu chí này. | Có |
Như bảng trên đây, nếu tên DORA dùng cho ngành xây dựng thì sẽ có bảng đánh giá khác hoàn toàn.
3- Khảo sát nội bộ và nhận một số phản hồi về ý tưởng đặt tên công ty của bạn #
Bây giờ, bạn sẽ có một danh sách gồm 3-6 tên công ty hấp dẫn và thú vị và bạn có thể bắt đầu hỏi khách hàng tiềm năng quen biết hoặc những người làm việc trong ngành về phản hồi (đối tượng mục tiêu của bạn).
Để việc khảo sát hiệu quả, bạn hãy chắc chắn đặt những câu hỏi gợi ý như là:
i) Điều gì đầu tiên bạn nghĩ đến khi bạn lần đầu tiên nghe tên?
ii) Bạn sẽ đánh vần nó như thế nào?
iii) Và một số câu hỏi lấy từ bảng kiểm tra tên ở bước 2.
Để ý: Tránh phản hồi từ gia đình và bạn bè, có nhiều khả năng sẽ khen ngợi tất cả các ý tưởng của bạn và họ không phải là khách hàng của bạn.