Search
Close this search box.

Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo nghị định 41/NĐ-CP

Ngày 08/04/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 41_2020_ND-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất

Theo đó gia hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế phải nộp của tháng 3-4-5-6, hoặc Quý 1, 2 năm 2020, gia hạn 5 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp quyết toán năm 2019, và số thuế TNDN phải tạm nộp quý 1 và quý 2 năm 2020.

Áp dụng cho 5 nhóm đối tượng

Nghị định 41/2020/NĐ-CP đã quy định áp dụng đối với 5 nhóm đối tượng gồm:

Nhóm thứ nhất

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau: 

  • Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.
  • Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
  • Nhóm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất xây dựng.
Nhóm thứ hai​

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:

  • Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống;
  • Giáo dục và đào tạo;
  • Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội;
  • Hoạt động kinh doanh bất động sản.
  • Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm;
  • oạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
  • Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí;
  • Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác;
  • Hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.

Danh mục ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định theo Quyết định 27_2018_QĐ_TTg Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

Nhóm thứ ba

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Nhóm thứ tư

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhóm thứ năm

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng để cơ quan quản lý thuế thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo nghị định này.

Theo Nghị định số 39_2018_NĐ_CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy đinh tại Điều 6 Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

Cách thức phân loại chi tiết như sau:

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.
1. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội. 2. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm và được xác định trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.
Tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ.
Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 9 Nghị định này để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để tự xác định và kê khai quy mô là doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp vừa và nộp cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai. 2. Trường hợp doanh nghiệp tự phát hiện kê khai quy mô không chính xác, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện điều chỉnh và kê khai lại. Việc kê khai lại phải được thực hiện trước thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nội dung hỗ trợ. 3. Trường hợp doanh nghiệp cố ý kê khai không trung thực về quy mô để được hưởng hỗ trợ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và hoàn trả toàn bộ kinh phí và chi phí liên quan mà doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ.

Gia hạn thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu)

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tang, theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã kê khai.

Cụ thể, thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau:

  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý I năm 2020 chậm nhất là ngày 30/9/2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý II năm 2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.

Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế năm 2020 của doanh nghiệp thuộc đối tượng được quy định nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 vào ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp, tổ chức được điều chỉnh số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp để nộp cho số phải nộp của các loại thuế khác.

Đối với thuế thu nhập cá nhân

Chỉ gia hạn thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Không áp dụng gia hạn đối với thuế thu nhập cá nhân thuộc doanh nghiệp phải nộp thay người lao động.

Đối với tiền thuê đất

Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày 31/5/2020.

Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ phải gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/7/2020, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

Trường hợp người nộp thuế được nhà nước cho thuê đất tại nhiều địa bàn khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm sao gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế nơi có đất thuê.

Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo nghị định này. Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế sau ngày 30/7/2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại nghị định này.

Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, căn cứ Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn (bao gồm cả trường hợp Giấy đề nghị gia hạn gửi cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) chậm nhất là ngày 30/7/2020.

Số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 được gia hạn không bao gồm số thuế TNDN tạm nộp theo quý quy định tại Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ và Điều 17 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 tối đa bằng 20% tổng số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán.
Trường hợp doanh nghiệp có kỳ tính thuế TNDN theo năm tài chính không trùng năm dương lịch: thời hạn nộp thuế được gia hạn xác định phù hợp với kỳ tính thuế TNDN của doanh nghiệp.
Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2019 theo quy định Luật Quản lý thuế làm tăng số thuế TNDN phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn: Số thuế được gia hạn xác định theo nguyên tắc tại lưu ý (1) vừa nêu trên, trong đó số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán căn cứ vào hồ sơ khai bổ sung.
Trường hợp có kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế TNDN năm 2019 và ban hành kết luận trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn nộp thuế thì: Tổng số thuế được gia hạn được xác định theo nguyên tắc tại lưu ý (1) nêu trên, trong đó số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2019.
Đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất được gia hạn số thuế GTGT phải nộp bao gồm số thuế GTGT tại trụ sở chính và số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có hoạt động kinh doanh xây dựng vãng lai ngoại tỉnh, xây dựng công trình liên tỉnh.
Kho bạc nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT (trong thời gian gia hạn) trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT đối với trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.