Danh sách 17 thiên đường thuế theo EU

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một ‘danh sách đen’ gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài EU bị cho là các ‘thiên đường thuế’.

Thiên đường thuế
Thiên đường thuế

Sau 10 tháng đàm phán, ngày 5/12, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một “danh sách đen” gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài EU bị cho là các “thiên đường thuế”.

Theo hãng tin Reuters, danh sách này gồm:

  1. Vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ ở Thái Bình Dương
  2. Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương
  3. Bahrain
  4. Barbados
  5. Grenada
  6. Hàn Quốc
  7. Macau (Trung Quốc)
  8. CH Quần đảo Marshall
  9. Mông Cổ
  10. Namibia
  11. Palau
  12. Panama
  13. Saint Lucia
  14. Samoa
  15. Trinidad & Tobago
  16. Tunisia
  17. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các nước và vùng lãnh thổ bị nêu tên trong “danh sách đen” có thể sẽ không được nhận tài trợ của EU. Các biện pháp trừng phạt khác sẽ được công bố trong vài tuần tới. Ngoài ra, EU cũng đã lập một danh sách gồm 47 nước và thực thể bị coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế của EU nhưng cam kết sẽ thay đổi.

Danh sách 17 “thiên đường thuế” là nỗ lực mới nhất của quốc tế nhằm giảm tình trạng trốn thuế – đang ngày càng bị coi là một vấn đề đạo đức – sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) biên soạn một danh sách gồm “các thiên đường thuế bất hợp tác”.

Ý tưởng lập một danh sách chung của EU về các “thiên đường thuế” được khởi xướng từ tháng 4/2016, sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, trong đó Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới. Trong một năm qua, EU đã thảo luận rất nhiều nhưng vẫn chưa nhất trí được “danh sách đen”.

Các nước nhỏ và áp thuế thấp trong EU như Ireland, Malta và Luxembourg lo ngại danh sách này sẽ khiến các công ty đa quốc gia hoảng sợ. Anh cũng đặc biệt phản đối việc lập danh sách này do lo ngại các vùng lãnh thổ hải ngoại như Jersey và quần đảo Virgin có thể bị nêu tên. Vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise” hồi tháng trước đã tạo động lực mới cho kế hoạch lập danh sách nói trên.

Hiện các nước EU vẫn chia rẽ về việc có nên áp trừng phạt tài chính đối với các nước nằm trong danh sách, hay danh sách này sẽ mang tính chỉ trích đơn thuần. Một số nước, trong đó có Pháp, ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các “thiên đường thuế” bị liệt vào danh sách.

Các biện pháp đó có thể là không cho nước trong danh sách nhận tài trợ của EU và Ngân hàng Thế giới (WB). Nhiều nước khác tỏ ý không muốn áp trừng phạt chung, mà cho rằng tốt hơn hết nên để các thành viên EU trừng phạt đơn phương.

Danh sách “thiên đường thuế” hiện tại của OECD chỉ có một nước là Trinidad & Tobago. Trong khi đó, EU ban đầu nhắm tới tổng cộng 92 quốc gia và thực thể, gồm cả Mỹ.

Tuy nhiên, các nước bị nêu tên cũng có cơ hội để được loại khỏi danh sách nếu đưa ra một cam kết chính trị và kế hoạch chi tiết để tuân thủ các quy định.


Tìm hiểu thêm về Thiên đường thuế

Thiên đường thuế (tiếng Anh: tax haven – nơi ẩn trú thuế) hoặc ốc đảo thuế là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà không đánh thuế hoặc lấy thuế rất thấp tính trên thu nhập hoặc tài sản và do đó trở thành một nơi hấp dẫn về mặt thuế má cho các cá nhân cư trú hoặc cho doanh nghiệp làm trụ sở.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xác định ba yếu tố quan trọng trong việc xem xét liệu một khu vực là một thiên đường thuế:

  1. Không đánh thuế hoặc thuế gần như bằng không. Thiên đường thuế biến nó thành nơi để những người không cư trú ở đó tránh khỏi phải đóng thuế cao ở nơi họ ở hay kinh doanh.
  2. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân. Thiên đường thuế thường có luật hoặc thủ tục hành chính, theo đó các doanh nghiệp và các cá nhân có thể hưởng lợi từ các quy định chặt chẽ và các bảo vệ khác chống lại sự giám sát của cơ quan thuế vụ nước ngoài. Điều này ngăn cản sự truyền thông tin về người nộp thuế đang được hưởng lợi từ khu vực thuế thấp.
  3. Thiếu minh bạch. Một sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các quy định pháp lý, luật pháp hoặc hành chính là một yếu tố được sử dụng để xác định nơi ẩn trú thuế. OECD cho là, luật phải được áp dụng một cách công khai và nhất quán, và phải có những thông tin cần thiết cho cơ quan thuế vụ nước ngoài để xác định tình trạng của người nộp thuế. Thiếu minh bạch trong một nước có thể làm cho các cơ quan thuế vụ khác gặp khó khăn hoặc không thể áp dụng pháp luật một cách hiệu quả. ‘Phán quyết bí mật’, mức thuế có thể thương lượng được, hoặc các thực hành khác mà không áp dụng luật pháp một cách công khai và kiên định (trước sau như một) luôn là những ví dụ về sự thiếu minh bạch. Giám sát pháp luật chỉ có giới hạn hoặc thiếu sự tiếp cận pháp lý hồ sơ tài chính của chính phủ được xem là các yếu tố góp phần.

“Thiên đường thuế” còn là cách gọi của khái niệm “Offshore Zone”

“Offshore Zone” phôi thai từ thời cổ đại. Khi đó, để tránh bị đánh thuế, các thương gia đã kéo nhau ra đảo Delos (thuộc Hy Lạp) trên biển Địa Trung Hải để giao dịch buôn bán.

Cuối những năm 1950, tại Mỹ, người ta đã đề xuất ý tưởng lập một tổ chức tài chính được đăng ký ở ngoài khu vực do chính phủ kiểm soát để né thuế. Đây được coi là sự “thai nghén” của Offshore Zone.

Từ khi Thuỵ Sĩ ban hành các đạo luật ngân hàng bảo vệ nghiêm ngặt cho các khoản tiền gửi tại đây thì quốc gia này được coi là “thiên đường thuế” đầu tiên của thời đại ngày nay. Vào những năm 1960, tại một số thuộc địa cũ của Liên hiệp Anh các Offshore Zone cũng đã được tạo lập.

Do những “dễ dãi” của Offshore Zone, xuất phát từ mục đích của các quốc gia muốn “được cầm  mà không phải trả lãi” đã khiến các pháp nhân và thể nhân nước ngoài đổ xô tiền về đây với những mục đích chủ yếu sau: Thứ nhất là để trốn thuế hoặc tránh thuế; thứ hai là để “lánh mặt” chủ sở hữu chính thức của pháp nhân được thành lập tại Offshore Zone bằng các cổ đông và giám đốc danh nghĩa và cuối cùng là “né” các thủ tục phiền hà, phức tạp tại chính quốc như quản lý và quy đổi ngoại tệ…

Cùng với tiến trình toàn cầu hoá, trên khắp hành tinh đã và đang tồn tại hàng chục, thậm chí cả trăm Offshore Zone…www.expertis.vn