Cá nhân / tổ chức nào không được phép thành lập doanh nghiệp?

Những quy định về việc Ai không được thành lập doanh nghiệp được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 18 của Luật doanh nghiệp 2014. Để giải thích và làm rõ những quy định tại Điều luật này, Expertis sẽ giải thích cụ thể từng quy định nhằm mang đến kiến thức tổng quát mà chắc chắn nhiều nhà khởi nghiệp sẽ quan tâm.  
Xem thêm: Những điều cần biết khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam
  Ai không được thành lập doanh nghiệp

https://www.expertis.vn

Ai không được phép thành lập doanh nghiệp?

Tất cả các cá nhân, tổ chức trừ những trường hợp được liệt kê bên dưới đều được phép thành lập doanh nghiệp.

1.  Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình

Tài sản nhà nước bao gồm những gì? Theo Điều 1 Khoản 1 Nghị định số14/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý tài sản nhà nước định nghĩa: “Tài sản nhà nước là những tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật, đất đai, rừng, núi, sông, hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời.” Cụ thể hơn, Điều 2 của Nghị định này nêu rõ về các loại tài sản của nhà nước bao gồm: “1. Tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp: là những tài sản Nhà nước giao cho các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quản lý và sử dụng gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai; c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai; d) Các phương tiện giao thông vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác. Tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia bao gồm: a) Hệ thống các công trình giao thông vận tải; b) Hệ thống các công trình thủy lợi; c) Hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước; d) Các công trình văn hoá; đ) Các công trình kết cấu hạ tầng khác. 2. Tài sản nhà nước tại doanh nghiệp Tài sản được xác lập sở hữu của Nhà nước theo qui định của pháp luật, bao gồm: a) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quĩ Nhà nước và tiền phạt do vi phạm pháp luật; b) Tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, vắng chủ, vô chủ và các tài sản khác theo qui định của pháp luật là tài sản nhà nước; c) Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu tài sản khác cho Nhà nước, tài sản viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế khác. 3. Tài sản dự trữ nhà nước Đất đai, rừng, núi, sông, hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời (sau đây gọi chung là đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác).”   Thế nào là hành vi có mục đích thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị? Theo Khoản 4 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa về việc thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị như sau: là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây: 1. Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người sau đây:
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
2.  Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước 3. Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị
 

2. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức

Theo khoản 1 điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008 định nghĩa: ☸ Cán bộ: là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. ☸ Công chức: là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. ☸ Viên chức: là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (Điều 2, Luật viên chức năm 2010)
 

3. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp

 

4.  Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác

 

5. Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân

Thế nào là Người bị mất năng lực hành vi dân sự? Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người Mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.” Trường hợp nào được quy định là Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự? Khoản 1 Điều 24 quy định về người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự: “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.” Tổ chức không có tư cách pháp nhân khi nào? Một tổ chức không được công nhận là pháp nhân khi không có đủ các điều kiện sau đây (căn cứ Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về pháp nhân): a) Không được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, luật khác có liên quan; b) Không có cơ cấu tổ chức, cơ quan điều hành; c) Không có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; d) Không nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
 

6. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án;

Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Những cá nhân không được thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật phá sản Khoản 3 Điều 130 Luật phá sản quy định: “Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.” Những cá nhân không được thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2008 Khoản 2 Điều 20 quy định: Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
  • Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
  • Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
Khoản 4 Điều 20 quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.  
  Như vậy ngoài 6 trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 18, Bộ Luật doanh nghiệp 2014, mọi cá nhân và tổ chức đều có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.