Ngày 20/4/2015, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 746/QĐ-TCT về quy trình kiểm tra thuế mới thay thế quy trình cũ kèm theo Quyết định 528/QĐ-TCT .
So với quy định cũ, quy trình mới có nhiều điểm nổi bật như:
- Quy định cụ thể đối với tài liệu, hồ sơ đã được nộp cho cơ quan thuế thì đoàn kiểm tra không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp mà phải khai thác tại cơ quan thuế.
- Trường hợp người nộp thuế thực hiện kế toán bằng phần mềm kế toán thì được yêu cầu cung cấp sổ kế toán lưu trữ trên dữ liệu điện tử.
- Quyết định cũng ban hành nhiều biểu mẫu mới: phiếu nhận xét hồ sơ khai thuế, thông báo về việc khai bổ sung số thuế khai thiếu…
Bên cạnh đó, người nộp thuế khi được thanh tra kiểm tra cần chú ý các lưu ý như sau:
Lưu ý 1:
Kể từ lúc nhận được quyết định thanh – kiểm tra thuế, đến trước khi kết quả được công bố, người nộp thuế có thể làm văn bản đề nghị lùi thời gian tiến hành kiểm tra nếu có lý do chính đáng và thuyết phục.
Lưu ý 2:
Người nộp thuế vẫn có quyền xem xét lại việc kê khai của mình và có quyền khai bổ sung để tránh được một số khoản phạt. trước khi quyết định thanh – kiểm tra được công bố.
Lưu ý 3:
Trong quá trình chấp hành quyết định thanh – kiểm tra, người nộp thuế chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ trong giới hạn được thể hiện trong quyết định.
Lưu ý 4:
Khi tiếp nhận biên bản thanh – kiểm tra dù còn ở dạng dự thảo, hãy hiểu rằng đây là tài liệu hết sức quan trọng. Vậy nên, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là kiểm tra chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra, thanh tra phía dưới của từng trang và phần dưới của trang cuối cùng.
Lưu ý 5:
Người nộp thuế có quyền bảo lưu trước khi ký vào biên bản. Lúc này, ý kiến bảo lưu của người nộp thuế sẽ được xem xét và cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng bởi người có trách nhiệm. Việc ký biên bản không có nghĩa là mình đã đồng ý với ý kiến mà đoàn thanh – kiểm tra ghi trong biên bản mà là xác nhận ý kiến mình đã bảo lưu.
Lưu ý 6:
Người nộp thuế bị lập biên bản vi phạm hành chính về thuế có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
a) TH giải trình bằng văn bản: phải gửi văn bản giải trình cho trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập BB.
b) TH giải trình trực tiếp: Người VPHC thuế phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập BB.
► Người có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày.
► Người có thẩm quyền tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm của người vi phạm. Người đại diện hợp pháp của người vi phạm hành chính có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
► Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; biên bản này phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về thuế và giao cho người vi phạm 01 bản.
Lưu ý 7:
Không phải lúc nào một quyết định hành chính đều làm người nộp thuế hài lòng, khi đó người nộp thuế hãy nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật có liên quan và tiếp tục khiếu nại hoặc khởi kiện nếu cho rằng quyết định hành chính chưa thỏa đáng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình