Ngày 27-11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tại TP HCM để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp phía Nam về chính sách và thủ tục hành chính thuế – hải quan năm 2020.
Một trong những tâm điểm của hội nghị là vấn đề xoay quanh Nghị định 126 quy định ngân hàng thương mại có nghĩa vụ cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế khẳng định, cá nhân có hoạt động kinh doanh dù trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số như YouTube, Google… đều phải kê khai và đóng thuế. Theo đó, các cá nhân có thu nhập từ hoạt động trên các nền tảng cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam sẽ bị truy thu phần thuế bị bỏ lọt lâu nay.
Ông Đặng Ngọc Minh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ) giải thích thêm, trên thực tế, nguồn thu nhập thông qua nền tảng online rất lớn. Vì vậy, việc quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế là nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động rà soát, truy thu thuế thu nhập, bảo đảm tính công bằng giữa hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh trên nền tảng số.
YouTuber lo lắng về việc bị truy thu thuế
Không ít nhà sáng tạo nội dung (nhất là các YouTuber), người bán hàng online (trên Facebook, Google,…), người làm nghề tự do… bày tỏ lo lắng trước các quy định trong Nghị định 126. Trong đó bao gồm cả lo lắng về việc bị truy thu thuế lẫn việc bị lộ thông tin cá nhân từ các ngân hàng thương mại.
Một số YouTuber chia sẻ, nếu họ nhận tiền trực tiếp từ YouTube (qua dịch vụ Western Union – dịch vụ chuyển tiền nhanh quốc tế, có trụ sở chính tại Mỹ), đa phần các YouTuber đều đã đóng thuế vì sợ bị truy thu sau này. Còn nếu họ nhận tiền thông qua công ty trung gian thì việc đóng thuế sẽ do công ty đó phụ trách, do vậy họ sẽ không bận tâm quá nhiều cho việc này.
Bàn về vấn đề bảo mật thông tin
Trước quy định nhà nước cho phép người đứng đầu cơ quan thuế được đề nghị ngân hàng cung cấp các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư… của khách hàng, những cá nhân, doanh nghiệp không có hành vi vi phạm nào về thuế lại tỏ ra không hài lòng khi thông tin cá nhân và lịch sử giao dịch của mình bị tiết lộ cho bên thứ ba.
Họ mong muốn quy trình cung cấp và xử lý thông tin giữa hai bên cũng cần minh bạch để người dân yên tâm.
Liên quan đến việc bảo mật khi cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế, ông Minh thông tin thêm, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật rất lớn về tất cả nội dung thông tin của từng cá nhân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh thu, số thuế, thông tin riêng… chứ không riêng tài khoản ngân hàng.
Mặt khác, việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng là phù hợp với thông lệ quốc tế. “Ngân hàng không thể viện dẫn lý do bảo mật của khách hàng để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin cho ngành thuế bởi ngành thuế lấy thông tin để theo dõi công dân, doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Trước đây, các ngân hàng tại Thụy Sĩ bảo mật tuyệt đối đến 100% nhưng hiện nay đã không còn quy định này nữa”.
Cũng tại hội nghị, ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng, đặt câu hỏi: “Bộ Tài chính có giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021 khi tình hình kinh tế còn khó khăn?”. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trả lời trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội để đưa ra một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Trong năm 2021, bộ sẽ tiếp tục bám sát tình hình thực tế, nghiên cứu để tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nghiên cứu hướng mở rộng đối tượng gia hạn thuế. Với những ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng sau dịch, Bộ Tài chính sẽ tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, cắt giảm các khoản phí khác để giảm chi phí đầu vào, tiếp tục đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,…