Người nộp thuế sợ bị lộ thông tin cá nhân từ ngân hàng

Theo quy định mới, ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng theo đề nghị của cơ quan thuế. Vấn đề quan trọng là cơ quan thuế sẽ bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng như thế nào?

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5-12, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Quy định này gây ra nhiều tranh luận về bảo mật thông tin khách hàng.

Nghị định 126 quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân; phối hợp với cơ quan thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế. Cần thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, Nghị định quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch của khách hàng qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.

Ngân hàng thương mại cũng phải thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam… Ngân hàng phải trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

Trước băn khoăn của nhiều người về việc ngành thuế có đủ năng lực tiếp nhận, xử lý dữ liệu, từ đó xác định thu nhập và nghĩa vụ người nộp thuế, cũng như việc khách hàng không muốn thông tin tài khoản của mình phải tiết lộ cho người khác, lãnh đạo một ngân hàng TMCP ở TP HCM nói rằng, khi cơ quan thuế đề nghị các ngân hàng cung cấp tài khoản người nộp thuế, có thể bước đầu một số khách hàng lo ngại thông tin của mình bị lộ. Tuy nhiên, do pháp luật đã quy định ngành thuế có trách nhiệm bảo mật, sử dụng thông tin tài khoản người nộp thuế chỉ để phục vụ cho công tác kiểm tra về thuế nên quan trọng là thực thi ra sao. Mặt khác, cơ quan thuế có thể chọn lọc các đối tượng nộp thuế cần quan tâm rồi mới đề nghị ngân hàng cung cấp, tránh đại trà.

Một lãnh đạo Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết pháp luật đã có quy định nên khi ngành thuế đề nghị cung cấp thông tin tài khoản, ngân hàng thương mại phải tuân thủ. Nhưng thực tế, do thông tin tài khoản ngân hàng mang tính cá nhân, khối lượng dữ liệu đồ sộ nên cơ quan thuế cần chọn lọc, đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Nếu ngân hàng thương mại cung cấp toàn bộ dữ liệu của khách hàng, ngành thuế sẽ không đủ sức để xử lý, lưu giữ; từ đó thông tin có thể bị rò rỉ ra bên ngoài ảnh hưởng đến các vấn đề riêng tư của người nộp thuế.

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế TP HCM, do tài khoản ngân hàng liên quan đến dòng tiền nên cơ quan thuế cần giới hạn yêu cầu cung cấp thông tin, ban hành tiêu chí ai là người được quyền yêu cầu, tiếp nhận, xử lý, lưu giữ và bảo mật thông tin. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế có thể chọn lọc những tài khoản có giao dịch đột biến hoặc khả nghi vi phạm về thuế để đề nghị ngân hàng cung cấp nhằm đáp ứng nhiệm vụ thu ngân sách.

Chẳng hạn, cơ quan thuế chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp số liệu giao dịch của chủ tài khoản nhằm xác định thu nhập, nghĩa vụ nộp thuế phục vụ công tác thu ngân sách. Riêng thông tin của chủ tài khoản, các cán bộ ngành thuế được quyền yêu cầu, tiếp nhận lưu giữ và bảo mật thông tin đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn việc bảo mật như thế nào là việc của cơ quan thuế, sao cho thông tin của chủ tài khoản được bảo đảm an toàn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại góp ý: “Dưới góc độ bảo mật thông tin khách hàng, không cần đến khi cơ quan thuế yêu cầu cung cấp mà từ trước tới nay, các ngân hàng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo mật. Có điều, khi cung cấp thông tin của khách hàng cho bên thứ 3 thì rủi ro bị lộ sẽ tăng lên nên cơ quan thuế cũng phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu về bảo mật”.

Một trong những lo ngại của các ngân hàng thương mại và chuyên gia kinh tế là khách hàng sẽ chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt, cả trong lĩnh vực thương mại điện tử, thay vì các kênh thanh toán không tiền mặt như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Trung Minh phân tích ở các nước, phần lớn dòng tiền vào – ra của khách hàng đều qua hệ thống ngân hàng nên việc kiểm soát, yêu cầu cung cấp thông tin của khách hàng để cơ quan thuế truy thu đơn giản hơn. Trong khi đó, ở nước ta thanh toán tiền mặt vẫn còn chiếm tỉ trọng cao. Nếu áp dụng quy định ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin số tài khoản, thông tin giao dịch của khách hàng… dễ phát sinh tâm lý lo ngại, né tránh và dịch chuyển trở lại thanh toán bằng tiền mặt, từ đó ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của nhà nước thời gian qua. “Quy định phải quản lý để chống thất thu thuế là đúng nhưng thời điểm này có thể chưa phù hợp, do vậy cần triển khai thận trọng” – TS Huỳnh Trung Minh góp ý.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, người nộp thuế đang quen dần với việc thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Khi ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của họ, ngành thuế sẽ nắm bắt được dòng tiền, nguồn gốc thu nhập của chủ tài khoản để xác định thu nhập và nghĩa vụ thuế. Với những quy định tiến bộ của Nghị định 126 và với việc ngành thuế – ngân hàng đã có sự liên thông, vấn đề quan trọng là cơ quan thuế phải thực hiện tốt nghĩa vụ bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng, bảo đảm việc thực thi pháp luật. Làm được như vậy thì việc thực thi nghị định mới bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

(Nguồn: Thy Thơ – Thái Phương – Phương Nhung, Người nộp thuế sợ bị lộ thông tin cá nhân, Báo Người Lao động)