Quy định và hướng dẫn thực hiện báo cáo đầu tư trực tuyến tại Việt Nam.
Quy trình báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hằng năm các chương trình, dự án đầu tư.
BÁO CÁO ĐẦU TƯ #
I. Báo cáo đầu tư trực tuyến là gì? #
Báo cáo đầu tư trực tuyến là một hình thức thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nằm trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư.
Các Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư gửi các báo cáo trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư chính thức để nộp báo cáo đầu tư hiện nay có tên miền là https://fdi.gov.vn.
II. Hướng dẫn thực hiện báo cáo đầu tư trực tuyến #
1) Đối tượng nộp báo cáo đầu tư trực tuyến #
Đối tượng nộp báo cáo đầu tư trực tuyến là Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư.
Như vậy, chỉ những tổ chức kinh tế có dự án đầu tư (có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) mới thực hiện nộp báo cáo này. Những công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thành lập theo hình thức gián tiếp) thì không cần phải nộp báo cáo đầu tư trực tuyến.
2) Nội dung báo cáo và kỳ báo cáo của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư #
Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương.
Báo cáo quý được thực hiện trước ngày 10 của tháng đầu quý sau quý báo cáo, gồm các nội dung: Vốn đầu tư thực hiện, doanh thu thuần, xuất khẩu, nhập khẩu, lao động, thuế và các khoản nộp ngân sách, tình hình sử dụng đất, mặt nước. (Mẫu A.III.1)
Báo cáo năm được thực hiện trước ngày 31 tháng 3 năm sau của năm báo cáo, gồm các chỉ tiêu của báo cáo quý và chỉ tiêu về lợi nhuận, thu nhập của người lao động, các khoản chi và đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xử lý và bảo vệ môi trường, nguồn gốc công nghệ sử dụng (Mẫu A.III.2)
III. Xử lý vi phạm trong báo cáo hoạt động đầu tư trực tuyến #
Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam:
- Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư trong trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo.
- Báo cáo không trung thực, không chính xác về hoạt động đầu tư.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
IV. Căn cứ pháp lý về báo cáo đầu tư #
Hiện nay việc thực hiện hoạt động báo cáo giám sát được áp dụng theo:
- Luật đầu tư 61/2020/QH14 của Quốc hội có hiệu lực từ 01/01/2021;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 26/03/2021;
- Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 01/01/2022.
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT của Bộ kế hoạch và đầu tư có hiệu lực từ 09/04/2021;
BÁO CÁO GIÁM SÁT ĐẦU TƯ #
I. Báo cáo giám sát là gì? #
Báo cáo giám sát là văn bản báo cáo tổng hợp các hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư cách định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, đối với trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện dự án sử dụng các nguồn vốn khác có trách nhiệm thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với dự án đầu tư, cụ thể:
- Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án theo quy định;
- Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo của nhà thầu liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án;
- Báo cáo kịp thời cơ quan quản lý xử lý các vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền;
- Lập báo cáo giám sát và đánh giá dự án theo quy định;
- Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định;
- Chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật do báo cáo, cung cấp thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi quản lý.
II. Hướng dẫn thực hiện báo cáo giám sát #
1) Tổ chức thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư #
Trong quá trình thực hiện dự án, Nhà đầu tư, Tổ chức kinh tế tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án đầu tư và báo cáo các nội dung:
- Tiến độ thực hiện dự án và tiến độ thực hiện mục tiêu của dự án.
- Tiến độ góp vốn đầu tư, vốn điều lệ, góp vốn pháp định (đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có yêu cầu phải có vốn pháp định).
- Tình hình khai thác, vận hành dự án: Kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động.
- Việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định.
- Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
- Việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư (nếu có).
2) Lập và gửi báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư #
Nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư các loại báo cáo sau:
- Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm.
- Thời gian thực hiện:
- Gửi báo cáo 6 tháng: trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
- Gửi báo cáo hàng năm: trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
- Biểu mẫu thực hiện: Mẫu số 13 và Mẫu số 17
- Thời gian thực hiện:
- Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án:
- Thời gian thực hiện: Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án;
- Biểu mẫu thực hiện: Mẫu số 15
- Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có);
III. Xử lý vi phạm trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư #
Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam:
- Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung:
- Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ;
IV. Căn cứ pháp lý về báo cáo giám sát #
Hiện nay, việc thực hiện hoạt động báo cáo giám sát được áp dụng theo:
- Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 26/03/2021;
- Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 01/01/2022;
- Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT của Bộ kế hoạch và đầu tư có hiệu lực từ 01/9/2023;
HỖ TRỢ TỪ CHUYÊN GIA
Hiểu rõ quy định về báo cáo hoạt động đầu tư và đảm bảo tuân thủ. Nhấn vào đây để xem hướng dẫn chi tiết và nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia!