Ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp nhiều nhất hiện nay là Tiếng Anh. Khi sử dụng ngôn ngữ này mọi người dễ dàng tiếp cận với nhiều loại kiến thức khác nhau, dễ dàng trao đổi cũng nhau giữa những người đến từ các quốc gia khác nhau. Đối với tài chính, IFRS chính là ngôn ngữ chung được dùng để các doanh nghiệp, nhà tài chính kế toán ở quốc gia này có thể đọc và hiểu được báo cáo tài chính của quốc gia khác khi “trao đổi” cùng nhau.
IFRS là gì #
IFRS (International Financial Reporting Standards) được gọi là các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới. Tạo ra một ngôn ngữ kế toán toàn cầu giúp cho các báo cáo tài chính không còn phân biệt giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, trở nên minh bạch, thống nhất, đáng tin cậy để phân tích và tham khảo.
IFRS xác định cách các công ty duy trì và báo cáo tài khoản của họ, xác định các loại giao dịch và sự kiện khác có tác động tài chính. Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được thành lập để tạo ra ngôn ngữ kế toán chung, để các doanh nghiệp và báo cáo tài chính của họ có thể thống nhất và đáng tin cậy từ công ty này sang công ty khác, quốc gia này sang quốc gia khác.
Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) #
Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB) bao gồm một nhóm các chuyên gia độc lập từ nhiều lĩnh vực như chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng chuẩn mực kế toán, chuyên gia kiểm toán, chuyên gia đào tạo kế toán và các chuyên gia trong việc lập và thực hành báo cáo tài chính. Ngoài ra, theo quy định của Hiến pháp IFRS Foundation, các chuyên gia cũng phải đến từ các vùng địa lý khác nhau.
Các thành viên của Ủy ban có trách nhiệm xây dựng và công bố các Chuẩn mực IFRS bao gồm cả các Chuẩn mực IFRS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ủy ban cũng có trách nhiệm phê duyệt các Hướng dẫn về các Chuẩn mực IFRS được xây dựng bởi Ủy ban diễn giải các Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC). Các thành viên của Ủy ban được bổ nhiệm bởi các Ủy viên của Quỹ thông qua các chương trình tuyển dụng công khai và nghiêm ngặt.
Vì sao có sự chuyển đổi từ IAS sang IFRS? #
Trước đây đã có Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) nhưng tại sao lại có sự chuyển đổi sang IFRS. Giải thích cho điều này có 3 nguyên nhân:
Nguyên tắc giá gốc đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại #
IAS chủ yếu mang tính nguyên tắc giá gốc. Trong khi đó, IFRS nghiêng về nguyên tắc giá trị hợp lý.
Hiện nay, các công cụ tài chính đặc biệt là công cụ phái sinh, công nghệ thông tin biến đổi từng giây từng phút và việc đầu tư vào các lĩnh vực giá trị gia tăng, … ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến sự khác biệt giữa giá gốc và giá trị thực tế của tài sản, công nợ ngày càng lớn. Do đó, nguyên tắc giá gốc đã không còn phù hợp trong bối cảnh và nền kinh tế hiện tại.
Dẫu cho IAS cũng có nguyên tắc giá trị hợp lý tại một số chuẩn mực. Nhưng, những điều này được đánh giá là chưa đủ, không giải quyết được nhiều vấn đề, khó tư duy và đồng bộ.
Do đó, các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ra đời như một tất yếu để giúp thể hiện đúng giá trị hợp lý của tài sản, công nợ.
Bất cập trong chuyển đổi giữa chuẩn mực kế toán của từng quốc gia và IAS #
Trước đây, mặc dù có IAS nhưng các quốc gia đều có chuẩn mực kế toán riêng cần phải tuân thủ. Điều này tạo ra một bất cập không hề nhỏ đối với các công ty hoạt động trên nhiều quốc gia. Ngay trường hợp công ty thành lập tại một nước nhưng niêm yết trên thị trường chứng khoán ở một quốc gia khác đâu cũng chính là trở ngại cho việc đánh giá thông tin được trình bày và hợp nhất báo cáo.
Vì vậy, việc chuyển sang một chuẩn mực chung như IFRS là hết sức cần thiết để tiết kiệm nguồn lực của xã hội và giúp tăng tính minh bạch thông tin.
IFRS là nỗ lực thay đổi từ hòa hợp sang hướng hội tụ #
Trước đây, những người làm trong ngành Kế toán – Kiểm toán – Tài chính – Thuế sẽ thường nói đến việc làm cách nào để chuẩn mực kế toán của nước này có thể hòa hợp với nước khác. Điều này có nghĩa là các chuẩn mực có nhiều khác biệt và chúng ta đang hướng tới sự dung hòa.
Trong khi đó, IFRS ra đời chính là nỗ lực để giúp các chuẩn mực kế toán của các nước có thể tiến gần đến nhau hơn. Và trong tương lai, các chuẩn mực kế toán có thể gặp nhau, hội tụ một điểm.
Tóm lại, IFRS được hiểu là các chuẩn mực kế toán trong lập báo cáo tài chính được sử dụng chung cho nhiều quốc gia trên thế giới để xóa bỏ rào cản chênh lệch các chuẩn mực kế toán trước đây, hỗ trợ cho sự minh bạch, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp. Và IFRS có một tầm quan trọng to lớn trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.
Tầm quan trọng của IFRS trong bối cảnh hiện nay #
Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế – IFRS có tầm quan trọng to lớn trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế sâu rộng.
- Tạo ra ngôn ngữ kế toán chung khuôn khổ quốc tế để lập, trình bày báo cáo tài chính một cách thống nhất, đáng tin cậy trên toàn thế giới;
- Giúp mọi doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư, kiểm toán viên và kế toán viên trên thế giới có thể hiểu, sử dụng và có cái nhìn toàn cảnh về tài chính doanh nghiệp, tổ chức;
- Giúp phản ánh hợp lý giá trị của tổ chức và doanh nghiệp, hơn so với chuẩn mực kế toán riêng của mỗi quốc gia như Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) của Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế cũ như IAS (1973 – 2000);
- Tiết kiệm chi phí chuyển đổi báo cáo tài chính cho các công ty, doanh nghiệp có chi nhánh ở nhiều quốc gia. Nhờ việc tuân thủ theo các chuẩn mực của IFRS, tổ chức và doanh nghiệp có thể đơn giản hóa được các thủ tục kế toán bằng một loại ngôn ngữ chung.
- Có nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu bắt buộc hoặc dự kiến chuyển sang chuẩn mực quốc tế IFRS. Năm 2016, có tới hơn 100 quốc gia yêu cầu áp dụng hoặc cho phép sử dụng các Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tính đến tháng 4/2018, theo IFRS.org, có tới 144/166 quốc gia khảo sát (chiếm 87%) đã bắt buộc dùng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Phần lớn trong 22 quốc gia còn lại đang trong lộ trình triển khai hoặc đã cho phép áp dụng IFRS.
- Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu dịch IFRS từ năm 2020 và công bố bản dịch từ năm 2021. Giai đoạn áp dụng tự nguyện IFRS từ năm 2020 đến 2025 và từ sau năm 2025 áp dụng IFRS tại Việt Nam dựa theo định hướng của Bộ Tài Chính.
Trước tầm quan trọng này, việc tư duy IFRS chỉ cần nắm vững và biết nếu làm trong các công ty đa quốc gia thì nay IFRS gần như có thể áp dụng ở nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau. Qua đó, người làm chuyên môn tại lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán – Tài chính – Thuế tại Việt Nam đều cần nắm được IFRS nghĩa là gì để bắt kịp xu hướng chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS theo Bộ Tài Chính.