Kiểm toán viên - người hiểu rõ tình hình tài chính kinh doanh của doanh nghiệp #
Từ cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, nghề kiểm toán đã xuất hiện tại Anh. Lúc này họ (kiểm toán viên) làm việc cho các ông chủ hiệu buôn, công việc của họ là kiểm tra sự chính xác của các khoản thu và chi, cũng như lợi nhuận kiếm được hàng năm của các cửa hiệu.
Điều đó giúp người sở hữu tránh được việc thất thoát các nguồn lợi nhuận và kiểm tra độ chính xác về số tiền lãi mà các cửa hiệu đem về sau một thời gian kinh doanh nhất định. Nhờ các con số mà đội ngũ kiểm toán viên đưa ra, các ông chủ hiệu buôn sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình.
Sự phát triển của ngành kiểm toán luôn theo sát với sự phát triển của kinh tế, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, khi mà mô hình hoạt động của nhiều công ty tư nhân ở châu Âu vẫn chưa được hoàn chỉnh. Nhu cầu về kiểm toán ngày càng lớn, thế nên kiểm toán dần trở thành một nghề, chứ không chỉ là một bộ phận của ngân hàng, quỹ đầu tư hay nhân viên của một ông chủ lớn nào đó.
Dần dần, các công ty kiểm toán độc lập cung cấp dịch vụ kiểm toán đã được ra đời.
Kiểm toán viên - người đưa ra nhận xét về độ trung thực và hợp lý của BCTC #
Nhu cầu kiểm toán xuất phát từ việc các chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông) bởi họ không thể và cũng không cần thiết tự kiểm tra mọi thông tin tài chính của doanh nghiệp do giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập và báo cáo cho họ, do vậy họ đã bổ nhiệm các kiểm toán viên – những người có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, độc lập, khách quan – thay thế họ kiểm tra một cách độc lập và báo cáo lại theo ý kiến của mình về tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính.
Cùng với sự phát triển và đa dạng của nền kinh tế, các thông tin tài chính được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên tất cả những người sử dụng kết quả kiểm toán đều cần sự đảm bảo rằng những thông tin tài chính mà họ được cung cấp có trung thực và hợp lý hay không. Như vậy kiểm toán viên là người phải đưa ra ý kiến kiểm toán một cách độc lập dựa trên kết quả kiểm toán về mức độ trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính được lập và trình bày trong báo cáo tài chính.
Phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt để được thực hiện công việc #
Công việc kiểm toán độc lập do kiểm toán viên chuyên nghiệp thực hiện, công việc này không tạo ra thêm các thông tin về báo cáo tài chính mà nó chỉ làm tăng mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính. Để hành nghề kiểm toán, các kiểm toán viên cần tuyệt đối đảm bảo các yêu cầu đặc biệt như sau.
Yêu cầu về tính độc lập
Yêu cầu này được xem như là điều kiện cần để đạt được mục tiêu của hoạt động kiểm toán, độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của kiêm toán viên. Kết quả kiểm toán sẽ không có giá trị khi những người sử dụng kết quả kiểm toán tin rằng cuộc kiểm toán thiếu tính độc lập cho dù cuộc kiểm toán được thực hiện bởi người có trình độ cao đến đâu
Yêu cầu về tư chất đạo đức
Kiểm toán viên phải là có đạo đức nghề nghiệp, luôn làm việc với sự thận trọng cao nhất với tinh thần làm việc chuyên cần. Mọi sự bất cẩn đều có thể dẫn đến những rủi ro kiểm toán, theo đó gây ảnh hưởng đến các đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán và trách nhiệm pháp lý của kiểm toán viên. Trong quá trình kiểm toán phải đảm bảo thằng thắn trung thực và có chính kiến rõ ràng. Đồng thời kiểm toán viên phải công bằng, tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự thật và không được thành kiến thiên vị.
Yêu cầu về năng lực, nghiệp vụ
Nguyên tắc cơ bản chi phối cuộc kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên phải thực hiện công việc với đầy đủ chuyên môn cần thiết… Để đảm bảo thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp, kiểm toán viên phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh của khách hàng, có kỹ năng, kinh nghiệm về kiểm toán và có hiểu biết về pháp luật.
Những người sử dụng kết quả kiểm toán tin tưởng và bổ nhiệm kiểm toán viên bởi tích chất hành nghề độc lập của kiểm toán viên và khả năng về chuyên môn nghiệp vụ cũng như tư chất đạo đức chính trực khách quan trong công việc của họ.
"Quân sư" của các ông chủ lớn #
Nghề kiểm toán gắn liền với lịch sử phát triển của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, cũng như sự hưng thịnh của các quốc gia phương Tây trong suốt nhiều thế kỷ biến động.
Nhờ có các công ty kiểm toán, các ông lớn trên thương trường tìm được các doanh nghiệp thích hợp để đầu tư. Kiểm toán viên cũng chính là người tìm ra những kẽ hở khiến lợi nhuận trong các tập đoàn bị thất thoát hoặc ghi nhận chưa phù hợp.
Ngoài ra, đôi lúc, chính các công ty kiểm toán cũng lại là người mang đến cơ hội chuyển mình cho các công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Nhờ sự tư vấn của các kiểm toán viên, các công ty đang gặp khó khăn về tài chính hiểu rõ được tình trạng của mình. Sau đó, dần dần khắc phục những lỗ hổng trong việc quản lý dòng tiền và thực hiện tái cấu trúc cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, họ còn giúp cho các công ty tìm được các đối tác phù hợp trong quá trình sáp nhập.
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh cần phải có thông tin chính xác, kịp thời và tin cậy. Qua đó, cho thấy tầm quan trọng của kiểm toán viên ngày càng tăng tương ứng với sự biến đổi và phát triển đa dạng của nền kinh tế ngày nay.