Tài liệu không thể thiếu với mỗi doanh nghiệp vào mỗi cuối năm chính là bộ báo cáo tài chính (BCTC). Bởi lẽ, đây là tài liệu với các con số thể hiện tình hình tài chính, sức khỏe của doanh nghiệp. Vậy một bộ báo cáo tài chính gồm những gì và có những nội dung quan trọng nào.
Báo cáo tài chính là gì? #
Theo khoản 1 Điều 3 của Luật kế toán năm 2015
“Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.”
Bộ báo cáo tài chính thường gồm những báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản của chủ sở hữu và kết quả kinh doanh qua từng giai đoạn của doanh nghiệp. Ngoài ra, bộ báo cáo tài chính cung cấp thông tin liên quan tới các hoạt động tài chính của một doanh nghiệp ví dụ như: tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền,…
Quy định trên cho thấy, việc lập và trình bày báo cáo tài chính sẽ căn cứ theo các quy định của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chế độ Kế toán. Tùy thuộc vào quy mô, đặc thù của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp sẽ lựa chọn áp dụng chế độ kế toán phù hợp. Các chế độ kế toán hiện nay gồm chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ Thông tư 132/2018, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thông tư 133/2016 và chế độ kế toán tại Thông tư 200/2014.
Đối với các doanh nghiệp có các bên liên kết là công ty mẹ con hoặc thuộc đối tượng của Thông tư 202/2014 thì ngoài việc lập báo cáo tài chính riêng, sẽ thực hiện lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Thời điểm nào doanh nghiệp lập BCTC #
Theo Khoản 2, Điều 29, Luật Kế toán 2015 quy định:
“Việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
a) Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;
b) Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên;
c) Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do;
d) Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.”
Các nội dung chi tiết bên trong BCTC #
Do tính chất quan trọng của Báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp nói riêng và các cơ quan thuế, các cơ quan Nhà nước, các nhà đầu tư,…nên bộ báo cáo tài chính được nhà nước quy định rất chặt chẽ.
Theo Khoản 1, Điều 29, Luật Kế toán 2015 quy định:
“Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán gồm:
a) Báo cáo tình hình tài chính;
b) Báo cáo kết quả hoạt động;
c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
d) Thuyết minh báo cáo tài chính;
đ) Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.”
Dựa theo quy định này, các Thông tư hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ ban hành các mẫu biểu báo cáo tài chính chi tiết kèm theo. Doanh nghiệp căn cứ các nội dung quy định của thông tư để xác định mẫu báo cáo tài chính áp dụng tại doanh nghiệp mình.
Nội dung của BCTC theo Thông tư 200/2014/TT-BTC #
Tại Điều 100, Thông tư 200/2014 quy định, bộ báo cáo tài chính bao gồm những tài liệu sau: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Bảng cân đối kế toán #
Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Số liệu trên Bảng cân đối kế toán cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành các tài sản đó. Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Các thông tin trình bày trong Bảng cân đối kế toán bao gồm tài sản ngắn và dài hạn, nợ ngắn và dài hạn và nguồn vốn của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Kết quả hoạt động kinh doanh #
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm kết quả từ hoạt động kinh doanh chính và kết quả từ các hoạt động tài chính và hoạt động khác của doanh nghiệp.
Nói cách khác báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện rõ kết quả kinh doanh lãi/lỗ cũng như các chi phí phát sinh trong một thời kỳ nhất định. Chỉ tiêu của báo cáo bao gồm:
- Các doanh thu từ việc bán hàng cũng như cung cấp dịch vụ;
- Các chi phí phát sinh: giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý;
- Lợi nhuận: lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước thuế và sau thuế;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Lưu chuyển tiền tệ #
Việc lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hàng năm và các kỳ kế toán giữa niên độ phải tuân thủ các quy định của Chuẩn mực kế toán “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”. Doanh nghiệp căn cứ bản chất từng giao dịch để trình bày các luồng tiền một cách phù hợp.
Đây là báo cáo giúp nhà quản lý, chủ doanh nghiệp biết được các dòng tiền ra vào trong một thời kỳ cụ thể, qua đó kiểm soát được dòng tiền. Trong báo cáo này, thể hiện dòng tiền ở 3 loại hoạt động, gồm:
- Dòng tiền do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Dòng tiền từ những hoạt động đầu tư;
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính.
Việc hiểu và đánh giá đúng vai trò của báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp cho doanh nghiệp hoạch định, điều chỉnh được dòng tiền và đưa ra các quyết định kinh doanh kịp thời.
Bản thuyết minh BCTC #
Bản thuyết minh Báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của Báo cáo tài chính doanh nghiệp dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán cụ thể.
Thông qua các số liệu được cung cấp trong báo cáo, doanh nghiệp sẽ phân tích, tổng hợp lại các thông tin theo quy định về trình bày Báo cáo tài chính, nhưng cũng có thể trình bày những thông tin khác nếu doanh nghiệp xét thấy cần thiết cho việc trình bày trung thực, hợp lý Báo cáo tài chính.
Với những thông tin chi tiết về một bộ báo cáo tài chính bên trên, EXPERTIS hi vọng đã cung cấp cho doanh nghiệp có những thông tin cần thiết về báo cáo tài chính là gì . Mọi vấn đề cần trao đổi hoặc tư vấn kỹ hơn, quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn của EXPETIS để được hỗ trợ.