Giới thiệu chung
01. Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) khi thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ (sau đây gọi là “Hợp đồng dịch vụ đảm bảo”) đã được quy định và hướng dẫn trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) và chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ soát xét (VSRE) (xem hướng dẫn tại đoạn A21 – A22 Chuẩn mực này).
02. Hợp đồng dịch vụ đảm bảo bao gồm các “hợp đồng dịch vụ đảm bảo chứng thực”, trong đó một bên không phải kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo dựa trên các tiêu chí, và các “hợp đồng dịch vụ đảm bảo trực tiếp”, trong đó kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán trực tiếp đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo dựa trên các tiêu chí. Chuẩn mực này bao gồm các quy định, hướng dẫn áp dụng và phụ lục chi tiết cho các “hợp đồng dịch vụ đảm bảo chứng thực hợp lý” và “hợp đồng dịch vụ đảm bảo chứng thực có giới hạn”. Chuẩn mực này cũng có thể được áp dụng cho các “hợp đồng dịch vụ đảm bảo trực tiếp hợp lý” và “hợp đồng dịch vụ đảm bảo trực tiếp có giới hạn”, được điều chỉnh và bổ sung tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ.
03. Chuẩn mực này được xây dựng dựa trên các tiền đề sau:
(a) Các thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ hoặc người soát xét việc kiểm soát chất lượng hợp đồng dịch vụ (đối với hợp đồng có người soát xét việc kiểm soát chất lượng của hợp đồng dịch vụ) phải tuân thủ các quy định tại Phần A và Phần B của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán có liên quan đến hợp đồng dịch vụ đảm bảo, hoặc các yêu cầu nghề nghiệp khác, hoặc các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan mà tối thiểu tương đương với Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A30 – A34 Chuẩn mực này);
(b) Kiểm toán viên thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo là thành viên của một doanh nghiệp phải tuân thủ Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1 – Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1), hoặc các yêu cầu nghề nghiệp khác, hoặc các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán với hệ thống kiểm soát chất lượng mà tối thiểu tương đương với Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1 (xem hướng dẫn tại đoạn A61 – A66 Chuẩn mực này).
04. Kiểm soát chất lượng đối với doanh nghiệp thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo và việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, bao gồm cả yêu cầu về tính độc lập, được công nhận rộng rãi như là vì lợi ích công chúng và là một phần của dịch vụ đảm bảo chất lượng cao. Kiểm toán viên hành nghề thường quen thuộc với các yêu cầu này trong thực tế hoạt động. Nếu một người hành nghề có đủ năng lực nhưng không phải là một kiểm toán viên hành nghề áp dụng Chuẩn mực này hoặc các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác thì phải nắm vững rằng Chuẩn mực này bao gồm các yêu cầu được quy định để phản ánh các tiền đề nêu tại đoạn 03 Chuẩn mực này.
Phạm vi áp dụng
05. Chuẩn mực này áp dụng cho các hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ đã được quy định và hướng dẫn trong Khuôn khổ Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Nếu một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể có liên quan thì phải áp dụng bổ sung chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo đó cùng với Chuẩn mực này (xem hướng dẫn tại đoạn A21 – A22 Chuẩn mực này).
06. Không phải tất cả các hợp đồng dịch vụ do kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đều là hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Một số hợp đồng dịch vụ thường được thực hiện nhưng không phù hợp với định nghĩa tại đoạn 12(a) Chuẩn mực này sẽ không phải là hợp đồng dịch vụ đảm bảo (và không áp dụng các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo này) bao gồm:
(a) Các hợp đồng dịch vụ tuân thủ các chuẩn mực Việt Nam về dịch vụ có liên quan (VSRS) như: Chuẩn mực số 4400 – Hợp đồng thực hiện các thủ tục thỏa thuận trước đối với thông tin tài chính, Chuẩn mực số 4410 – Dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính;
(b) Dịch vụ lập tờ khai thuế mà không đưa ra kết luận về sự đảm bảo;
(c) Dịch vụ tư vấn, như dịch vụ tư vấn quản trị hoặc tư vấn thuế (xem hướng dẫn tại đoạn A1 Chuẩn mực này).
07. Một hợp đồng dịch vụ đảm bảo được thực hiện theo các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo có thể là một cấu phần của một hợp đồng dịch vụ lớn hơn. Trong trường hợp đó, các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo chỉ áp dụng cho cấu phần dịch vụ đảm bảo.
08. Các hợp đồng dịch vụ dưới đây có thể phù hợp với định nghĩa trong đoạn 12(a) Chuẩn mực này nhưng không được coi là hợp đồng dịch vụ đảm bảo theo các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo:
(a) Các hợp đồng dịch vụ pháp lý liên quan đến kế toán, kiểm toán, thuế hoặc các vấn đề khác;
(b) Các hợp đồng dịch vụ trong đó có đưa ra ý kiến, quan điểm hoặc sử dụng từ ngữ chuyên môn mà từ đó đối tượng sử dụng có thể nhận được mức độ đảm bảo nhất định, nếu thỏa mãn tất cả các yếu tố sau đây:
(i) Những ý kiến, quan điểm hoặc từ ngữ đó chỉ là ngẫu nhiên trong tổng thể hợp đồng dịch vụ;
(ii) Bất kỳ báo cáo bằng văn bản nào được phát hành chỉ hạn chế sử dụng cho các đối tượng cụ thể nêu trong báo cáo;
(iii) Thỏa thuận bằng văn bản với đối tượng sử dụng dịch vụ cụ thể đã ghi rõ dịch vụ đó không được coi là dịch vụ đảm bảo;
(iv) Hợp đồng dịch vụ không được trình bày là hợp đồng dịch vụ đảm bảo trong báo cáo của kiểm toán viên.
Trách nhiệm của KTV, doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán
09. Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong việc thỏa thuận và thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ.
Đơn vị sử dụng dịch vụ đảm bảo (khách hàng) và các bên sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan đến quá trình thỏa thuận và thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán, soát xét thông tin tài chính quá khứ và sử dụng đúng đắn kết quả.
Mục tiêu
10. Khi thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo, mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là:
(a) Để có sự đảm bảo hợp lý và đảm bảo có giới hạn, trong phạm vi phù hợp, về việc liệu thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có còn sai sót trọng yếu hay không;
(b) Đưa ra kết luận về kết quả của việc đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo bằng văn bản, trong đó đưa ra sự đảm bảo hợp lý hoặc đảm bảo có giới hạn và cơ sở đưa ra kết luận (xem hướng dẫn tại đoạn A2 Chuẩn mực này);
(c) Trao đổi thêm theo yêu cầu của Chuẩn mực này và yêu cầu của các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác có liên quan.
11. Trong mọi trường hợp, khi không đạt được sự đảm bảo hợp lý hoặc đảm bảo có giới hạn (trong phạm vi phù hợp) và kết luận ngoại trừ trên báo cáo dịch vụ đảm bảo của kiểm toán viên là không đủ cho mục đích báo cáo thông tin cho đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo, Chuẩn mực này yêu cầu kiểm toán viên từ chối đưa ra kết luận hoặc rút khỏi hợp đồng dịch vụ theo pháp luật và các quy định có liên quan.
Xem toàn văn bản chuẩn mực số 3000