Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang mang suy nghĩ kiểm toán báo cáo tài chính chỉ dùng để nộp thuế theo yêu cầu của quy định hiện hành mà không cần phải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Ban giám đốc không quan tâm lắm đến việc ghi nhận Báo cáo tài chính phải tuân thủ Chuẩn mực kế toán, Chế độ doanh nghiệp hiện hành mà chỉ quan tâm đến việc khai nộp theo quy định thuế.
Cùng với sự hội nhập của kinh tế, cũng như giảm thiểu thời gian giải quyết công việc do sự khác biệt về các văn bản pháp luật đưa đến nhiều sự cải cách của hệ thống văn bản. Qua đó, quan điểm chỉ làm báo cáo tài chính để nộp thuế hoặc kiểm toán báo cáo tài chính chỉ cho nộp thuế hiện nay đã không còn phù hợp.
Thứ nhất, sự thống nhất giữa các văn bản về thuế và kế toán #
Trước khi có sự ra đời của Thông tư 200, tiếp theo đó là các Thông tư 78, Thông tư 96 quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư 39 quy định về hóa đơn, Nghị định 123 về hóa đơn điện tử…thì giữa kế toán và thuế không còn có nhiều sự khác biệt. Chi tiết như thời điểm ghi nhận doanh thu và thời điểm xuất hóa đơn đã tương đồng, điều kiện ghi nhận doanh thu giữa kế toán và thuế đã như nhau, thực hiện đánh giá chênh lệch tỷ giá, lựa chọn tỷ giá ghi nhận cuối kỳ thuế hướng dẫn thực hiện theo Thông tư 200 và rất nhiều vấn đề khác.
Ngoài ra, sự ban hành của Nghị định 20, sau đó là Nghị định 132 về kê khai các giao dich liên kết cần cho thấy rõ vai trò ngày càng lớn cũng như yêu cầu ngày càng cao về tính chính xác và phù hợp của các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính. Do đó, báo cáo tài chính cho mục đích thuế hay quản trị đã trở nên gần nhau hơn, việc quản lý các số liệu này cần phải được thống nhất và đồng bộ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp.
Thứ Hai, sự gia tăng mức phạt về các vi phạm về thuế #
Sự gia tăng về mức phạt khiến cho nhà lãnh đạo cần có thay đổi suy nghĩ về việc phải thực sự tham gia quản lý tài chính thay vì giao công việc này cho bộ phận kế toán tự quyết như trước.
Theo Luật quản lý thuế 38 và Nghị định 125 về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mới nhất, hầu như các mức phạt đều tăng từ 2 đến 3 lần so với mức phạt cũ, thậm chí có mức phạt tăng 5 lần. Ví dụ như khung phạt tiền đối với hành vi “lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế” phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng thay vì mức phạt cũ là từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng .
Điều đó cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm khi kê khai thông tin và lập Báo cáo tài chính. Nếu Ban Giám đốc coi nhẹ giá trị của Báo cáo tài chính có thể sẽ đối mặt với rủi ro về thuế với mức phạt cao gấp nhiều lần so với các thời kỳ trước.
Thứ ba, nguyên tắc coi trọng bản chất hơn hình thức #
Đây là một đổi mới mang tính bản lề, căn cứ theo cơ sở này kể các nguyên tắc ghi nhận kế toán lần nguyên tắc tính thuế cũng đều tuân thủ trên cơ sở bản chất giao dịch quyết định hình thức. Sự đầy đủ, hợp lệ khi cung cấp các chứng từ theo yêu cầu nhưng lại không chứng minh được tính hợp lý, có thật của các chứng từ này thì số liệu được ghi nhận, kê khai sẽ được coi là không phù hợp và phát sinh rủi ro về thuế.
“Coi trọng bản chất hơn hình thức” thuộc nhóm đặc tính về đảm bảo độ tin cậy của thông tin kế toán theo như quy định trong việc hạch toán cũng như được quy định trong pháp luật thuế nhằm nâng cao chất lượng và tính hữu dụng của thông tin kế toán cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông tin qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Trong hầu hết các trường hợp, bản chất của nghiệp vụ và hình thức là một và nhất quán với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những tình huống mà nội dung hay bản chất của nghiệp vụ có thể khác với hình thức, khi đó kế toán căn cứ vào nguyên tắc “coi trọng bản chất hơn hình thức” để lựa chọn phương pháp xử lý và ưu tiên đánh giá theo bản chất kinh tế
Qua các nội dung trên cho thấy, càng ngày tầm quan trọng của sự minh bạch và tầm quan trọng các thông tin của Báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế lẫn Báo cáo tài chính sử dụng cho quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Vai trò của nhà lãnh đạo, Ban Giám đốc cần phải được phát huy rõ ràng, sau sát hơn nhằm định hướng các bộ phận trong doanh nghiệp đi đúng hướng và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.