Doanh nghiệp cần lưu ý về phòng, chống rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 – là văn bản pháp lý toàn diện quy định về PCRT, tạo cơ sở pháp lý để từng bước nâng cao hiệu quả công tác PCRT ở Việt Nam, tiến tới phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về PCRT.

Ngày 09/09/2022, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã ký kết “Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Hải quan”.

Theo đó, quy chế đưa ra quy định nguyên tắc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin; bảo mật thông tin; nội dung trao đổi, cung cấp thông tin; hình thức, thời hạn trao đổi cung cấp thông tin; trách nhiệm của các bên; đầu mối tiếp nhận, đề nghị trao đổi, cung cấp thông tin; thẩm quyền ký văn bản trao đổi, cung cấp thông tin…

Luu y ve phong chong rua tien

Rửa tiền là gì?

Rửa tiền (Money laundering) là hành vi các cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội trở thành các tài sản hợp pháp.

Căn cứ quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm:

  • Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
  • Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
  • Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
  • Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
  • Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
  • Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Các phương thức rửa tiền tại Việt Nam

Nhìn chung, có bốn cách rửa tiền phổ biến hiện nay:

Thông qua sử dụng các hệ thống tài chính

Việc chia nhỏ và chuyển các khoản tiền nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng về giao dịch cho giá trị lớn là một trong những phương thức chủ yếu. Theo Điều 3 Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tài chính hoặc cá nhân kinh doanh nghành nghề phi tài chính có chức năng gửi tiền, chuyển tiền phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nếu như muốn chuyển tiền giá trị lớn hơn 300.000.000 đồng ra nước ngoài. Chính vì vậy, các đối tượng thường chia nhỏ số tiền, chuyển nhiều lần theo quy định hoặc thuê người khác chuyển tiền để tránh bị phát hiện.

Thông qua hệ thống thương mại quốc tế

Lập nhiều công ty xuất nhập khẩu làm ăn với nước ngoài, làm thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hóa che đậy cho việc vận chuyển trái phép tới 30.000 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài. Đối tượng rửa tiền biến hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp thành hợp pháp, nguồn gốc tiền được rửa sạch vì mang danh nghĩa thanh toán quốc tế qua ngân hàng. Không nhất thiết số tiền này có xuất xứ từ Việt Nam, mà có thể được chuyển từ nước ngoài về, rồi bằng hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.

Bất động sản/Mua tài sản

Việc mua bất động sản hoặc các tài sản có giá trị lớn, tính thanh khoản cao như kim cương, túi sách, đồng hồ hàng hiệu… cũng là một trong các phương thức chủ yếu để rửa tiền. Các đối tượng sẽ mua đi bán lại tài sản nhiều lần, nhiều nơi để hợp thức hóa dòng tiền và nguồn gốc.

Thông qua tiền ảo

Thông qua tiền ảo là phương thức thủ đoạn rửa tiền rất mới lẻo. Tiền ảo hay còn gọi là tiền mã hóa (Crypto currency) là một tài sản kỹ thuật được thiết kế để làm trao đổi trung gian như tiền thật như đồng Bitcoin (BTC), Binance coin (BNC)…

Tại Việt Nam, tiền ảo như Bitcoin không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định Việt Nam. Sử dụng tiền ảo để rửa tiền dễ dàng hơn rất nhiều so với các phương thức truyền thống ở trên và khả năng có thể truy vết rất hạn chế.

Quản lý của Nhà Nước về phòng, chống và xử lý tội phạm rửa tiền

Hoàn thiện khung pháp lý

Dự án Luật Phòng Chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV (tháng 10-2022). Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật là việc bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Qua quá trình hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền (PCRT) đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng của Luật PCRT, theo quy định hiện hành, đối tượng báo cáo của Luật PCRT bao gồm 2 nhóm: các tổ chức tài chính (FIs) và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs). Tuy nhiên, hiện nay có một số hoạt động mới phát sinh như các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ… Khung pháp lý của các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên trong trường hợp khung pháp lý về cấp phép, quản lý của các hoạt động này được ban hành thì quy định tại Luật PCRT hiện nay sẽ chưa bao quát được các hoạt động mới phát sinh này. Đây là các hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.

Đẩy mạnh kế hoạch hành động

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 941/QĐ-TTg ban Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025.

Phối hợp cung cấp và chia sẻ thông tin giữa các Cơ quan Hải quan, Cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước về quản lý dòng tiền, truy xuất nguồn gốc nhằm mang lại kết quả tốt cho công tác phòng chống rửa tiền. Tăng cường rà soát các hoạt động xuất nhập khẩu, các giao dịch bằng tiền mặt có giá trị lớn hoặc bất thường hoặc có dấu hiệu về rửa tiền cũng là các công tác được đẩy mạnh.

Các thông tin liên quan đến giao dịch đáng ngờ cần được chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý và có biện pháp phong tỏa tài khoản trong trường hợp cần thiết.

Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng cần xây dựng hoặc cập nhật các thông tin liên quan đến việc phòng, chống rửa tiền. Việc này giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ việc gián tiếp thực hiện hay hỗ trợ các giao dịch đáng ngờ, hạn chế khả năng trở thành người tiếp tay cho các đối tượng rửa tiền. Hạn chế triệt để việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán, các giao dịch cần thực hiện qua ngân hàng nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, hạn chế rủi ro.

Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng cần xây dựng hoặc cập nhật các thông tin liên quan đến việc phòng, chống rửa tiền. Việc này giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ việc gián tiếp thực hiện hay hỗ trợ các giao dịch đáng ngờ, hạn chế khả năng trở thành người tiếp tay cho các đối tượng rửa tiền. Hạn chế triệt để việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán, các giao dịch cần thực hiện qua ngân hàng nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, hạn chế rủi ro.