Dưới góc độ doanh nghiệp, tham gia BHXH là một nghĩa vụ bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động lúc ốm đau, tai nạn, thai sản hoặc về hưu. Để thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ này đúng với quy định pháp luật, doanh nghiệp cần xác định đối tượng cần tham gia BHXH bắt buộc và tỷ lệ đóng BHXH theo quy định mới nhất.
Bài viết hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp
Quy định về Thanh tra Bảo hiểm xã hội #
1. Thanh tra Bảo hiểm xã hội là gì ?
Thanh tra Bảo hiểm xã hội là Hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Đoàn thanh tra chuyên ngành thực hiện.
2. Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
- Tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
- Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
- Tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
3. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh).
Các trường hợp thanh tra bảo hiểm xã hội #
1. Nội dung thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Thanh tra bảo hiểm xã hội sẽ thanh tra các nội dung:
- Đối tượng đóng BHXH tại doanh nghiệp
- Mức đóng BHXH tại doanh nghiệp
- Phương thức đóng BHXH tại doanh nghiệp
2. Các trường hợp bị thanh tra bảo hiểm xã hội
- Thanh tra theo kế hoạch, chương trình của cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.
- Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giao.
Kinh nghiệm thanh tra bảo hiểm xã hội #
1. Chuẩn bị hồ sơ thanh tra bảo hiểm xã hội
Khi thanh tra, cơ quan BHXH sẽ gửi quyết định thanh tra và hồ sơ thanh tra bảo hiểm xã hội. Căn cứ vào nội dung thanh tra và yêu cầu yêu cầu của cơ quan thanh tra BHXH mà doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ phù hợp.
Dưới đây là một số giấy tờ, hồ sơ thường gặp như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Khai trình sử dụng lao động
- Hồ sơ lao động
- Hợp đồng lao động, danh sách lao động
- Hệ thống thang bảng lương do đơn vị xây dựng
- Hồ sơ đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT, BHTN
- Các thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT
- Giấy nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN
- Các chứng từ chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN
- Hồ sơ đối chiếu nộp BHXH, BHYT, BHTN
2. Những doanh nghiệp nào thường dễ bị thanh tra BHXH?
Theo kinh nghiệm nhiều năm tư vấn về thanh tra bảo hiểm xã hội, những doanh nghiệp có những dấu hiệu sau đây thường dễ bị thanh tra BHXH:
- Đăng ký lùi thời hạn bắt đầu đóng BHXH
Lương lao động hưởng chế độ thai sản cao trong khi thời gian đóng ít
Không báo tăng mức đóng BHXH kịp thời theo mức lương tối thiểu vùng
Nợ đọng tiền đóng BHXH….
Đặc biệt hiện nay doanh nghiệp dễ bị thanh tra BHXH là doanh nghiệp có số tiền lương và người lao động khai ở bảng lương nộp cho bên Cơ quan thuế chênh lệch so với thông số lương và người đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội. Trường hợp này vừa bị thanh tra bảo hiểm xã hội vừa bị thanh tra thuế
3. Xin hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội
Khi doanh nghiệp nhận được quyết định thanh tra, trong trường hợp khách quan mà doanh nghiệp không chuẩn bị kịp hồ sơ theo yêu cầu, hoặc người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp không thể có mặt để làm việc với đoàn thanh tra, doanh nghiệp có thể xin tạm hoãn thanh tra.
Để xin tạm hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp làm công văn xin hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội và gửi cơ quan ban hành quyết định thanh tra bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp mình trong khoảng thời gian quy định. Trong trường hợp này Trưởng đoàn tiến hành lập biên bản tạm hoãn thanh tra và xác định lại ngày thanh tra để đối tượng thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật (Mẫu số 03/BB-TT)