Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về lao động, tiền lương từ ngày 17-01-2022
Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/01/2022. Theo đó, có các nội dung đáng chú ý như sau:
1. Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BHTN cho NLĐ để hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Quy định trước đây là phạt từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.
2. Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng (hiện hành là từ 2 – 5 triệu đồng) đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động, không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau (quy định mới).
Ngoài ra, mức phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm được quy định mới như:
- Không áp dụng thử định mức lao động trước khi ban hành chính thức;
- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ nhưng không đúng theo quy định;
- Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.
3. Tăng 20 lần mức phạt doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày đèn đỏ.
Khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với người sử dụng lao động có hành vi:
“d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy mức phạt này đã tăng gấp 20 lần trước đây, bởi tại điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020, mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.
4. Kỷ luật người lao động bằng cách phạt tiền, bị phạt đến 40 triệu đồng
Khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022 quy định:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
…
Trong khi theo quy định cũ chỉ phạt 10-15 triệu đồng.
5. Phạt nặng doanh nghiệp từ 1.000 lao động nữ không có phòng vắt sữa
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
k) Không cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con;
l) Không lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên.”
(Theo Điều 28 Nghị định 12)
6. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phạt đến 30 triệu đồng trong khi quy định cũ chỉ yêu cầu xử lý kỷ luật lao động theo hình thức được quy định trong nội quy lao động đối với hành vi này.
Trên đây là một số mức phạt mới về các vi phạm liên quan đến lao động, bảo hiểm xã hội theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 17/01/2022.
Xem Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng |