Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động;
b) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
c) Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận;
d) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
đ) Chào bán dịch vụ;
e) Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
g) Tình nguyện viên;
h) Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
i) Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
k) Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
Tiền lương và thuế thu nhập cá nhân của người lao động nước ngoài thực hiện theo quy định như sau đây.
Mức lương tối thiểu đối với người lao động nước ngoài #
Tại Việt Nam, mức lương tối thiểu được hiểu là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau. Trong đó, mức lương trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc trong tháng.
Sau đây là một số lưu ý về lương tối thiểu vùng khi sử dụng lao động tại Việt Nam.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, kể từ ngày 01/07/2022, mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau:
Mức lương | Địa bàn áp dụng |
4.680.000 đồng/tháng | Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I |
3.920.000 đồng/tháng | Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II |
3.430.000 đồng/tháng | Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III |
3.070.000 đồng/tháng | Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV |
Trong đó tại TP. Hồ Chí Minh:
- Vùng I bao gồm Thành phố Thủ Đức, Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Phú Nhuận, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
- Vùng II gồm huyện Cần Giờ.
- Không có vùng III và vùng IV.
Đối tượng áp dụng lương tối thiểu vùng
- Những cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, và những cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê, mướn người lao động theo hợp đồng lao động.
- Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và quản lý, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động quy định.
- Hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê người lao động theo hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.
Các khoản thu nhập miễn thuế của người lao động nước ngoài #
Khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), người lao động nước ngoài có thu nhập chịu thuế sẽ phải kê khai các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế.
Tuy nhiên, một số khoản thu nhập sau đây sẽ không chịu thuế TNCN.
1. Các khoản chi trang phục, ăn trưa, công tác phí, điện thoại:
Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện thì mức khoán chi áp dụng như bên dưới được xếp vào khoản thu nhập không chịu thuế TNCN.
1.1. Tiền trang phục
Mức chi tiền trang phục được miễn thuế TNCN như sau:
Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ, được tính toàn bộ vào chi phí;
Bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
Chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, băng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.
1.2. Tiền ăn trưa, ăn giữa ca
Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động.
Công ty không tổ chức nấu ăn thì mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.
1.3. Công tác phí
Trường hợp công ty có ứng tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của công ty, thì các khoản ứng tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp này được miễn thuế TNCN.
Như vậy, nếu quy chế tài chính, quy chế nội bộ của công ty quy định cụ thể mức công tác phí thì được miễn thuế TNCN theo quy định đó.
1.4. Tiền điện thoại
Theo luật định, tiền điện thoại là khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Doanh nghiệp cần quy định mức phụ cấp tiền điện thoại của nhân viên. Nếu tiền điện thoại thực tế cao hơn mức quy định của doanh nghiệp thì phần cao hơn sẽ chịu thuế TNCN.
2. Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN:
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản…
Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội.
Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn..
Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
3. Tiền xe đưa đón, tiền mua vé máy bay
Khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón đi làm.
Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.
4. Các khoản tiền thưởng không tính thuế TNCN
Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
5. Lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền
Người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc không có tích lũy về phí bảo hiểm thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Khoản phí hội viên: Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
6. Các lợi ích khác
Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.
Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.
Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động.
Trên đây là những khoản thu nhập không bị tính thuế TNCN mà người lao động cần nắm, để tự tính được chính xác mức thuế mà bản thân phải nộp.
Thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động nước ngoài #
Cách tính thuế thu nhập cá nhân (tncn) đối với người lao động nước ngoài như sau:
Thuế thu nhập cá nhân (Personal Income Tax – PIT) của người lao động nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư và lao động nước ngoài khi tham gia kinh doanh, đầu tư và lao động tại thị trường Việt Nam.
Để xác định cách tính thuế TNCN của người lao động nước ngoài, trước hết cần xác định người đó thuộc diện cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú tại Việt Nam.
Cách tính thuế TNCN của cá nhân cư trú:
1.1 Cơ sở xác định cá nhân cư trú:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
b.1) Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:
b.1.1) Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
b.1.2) Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
b.2.1) Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
b.2.2) Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
1.2 Cơ sở xác định thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.
1.3 Công thức tính thuế TNCN của cá nhân cư trú:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế * Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
- Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Thu nhập được miễn thuế
- Tổng thu nhập gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người lao động nước ngoài nhận được trong kỳ tính thuế.
- Thu nhập được miễn thuế là các khoản thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
- Các khoản giảm trừ là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Gồm có: giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, giảm trừ đóng góp từ thiện.
- Thuế suất:
- Đối với người lao động nước ngoài là cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động thời hạn từ 3 tháng trở lên: áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần (từng phần thu nhập sẽ có mức thuế khác nhau, phần thu nhập càng cao mức thuế càng cao).
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế trong 1 năm (VND) | Thu nhập tính thuế trong 1 tháng (VND) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Đối với người lao động nước ngoài là cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng: áp dụng thuế suất 10% trên tổng thu nhập.
Cách tính thuế TNCN của cá nhân không cư trú:
2.1. Cơ sở xác định cá nhân không cư trú:
Là cá nhân không đáp ứng bất kỳ điều kiện nào trong các điều kiện tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
2.2. Cơ sở xác định thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú:
Thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
2.3. Công thức tính thuế TNCN của cá nhân không cư trú:
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế * Thuế suất 20%
Trong đó:
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện theo công thức sau:
a) Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
Tổng số ngày làm việc trong năm |
Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.
b) Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày có mặt ở Việt Nam | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
365 ngày |
Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam tại điểm a, b nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.
2.4. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi trả lương cho cá nhân không cư trú:
Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trả các khoản thu nhập chịu thuế cho người lao động nước ngoài là cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập.