Ngày 17/06/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2025. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã đưa ra quy định mới về khái niệm Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí để xác định, chế tài xử lý vi phạm khi không cung cấp thông tin.

1. Chủ sở hữu hưởng lợi là gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 1 Luật số 76/2025/QH15), quy định về khái niệm Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp như sau:
“35. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó, trừ trường hợp người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.”
Như vậy, Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có thể được hiểu là người sở hữu thực tế đối với vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc là người đứng sau có quyền chi phối hoạt động, những quyết định quan trọng của doanh nghiệp, dù không bắt buộc phải đứng tên trên giấy tờ đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định này không áp dụng đối với những trường hợp là người đại diện phần vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc người đại diện phần vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
2. Tiêu chí xác định Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp từ ngày 01/07/2025
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì Tiêu chí xác định Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp được xác định khi cá nhân đáp ứng được một trong những tiêu chí như sau:
- Cá nhân sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp (Ví dụ: Đầu tư thông qua công ty khác) từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp.
Lưu ý: Trường hợp sở hữu gián tiếp là khi cá nhân không đứng tên trực tiếp nhưng thông qua công ty, tổ chức khác để nắm giữ quyền sở hữu từ 25% trở lên trong doanh nghiệp mục tiêu.
- Cá nhân có quyền chi phối việc thông qua ít nhất một trong các vấn đề sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên; người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.
- Cá nhân sở hữu gián tiếp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là cá nhân sở hữu từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp thông qua tổ chức khác.
Như vậy, các cá nhân đáp ứng đủ một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được xem là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp và được kê khai vào bảng khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và thông tin để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
3. Mục tiêu của việc kê khai chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
Ngày 16/06/2023, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm 17 nội dung hành động cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang nằm trong “Danh sách xám” của FATF. Nếu không có sự thay đổi về khung pháp lý, bao gồm cả nội dung về chủ sở hữu hưởng lợi thì FATF có thể xem xét đưa nước ta vào “Danh sách đen”. Điều này sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam.
Mục đích của việc xây dựng quy định về thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi nhằm tìm ra cá nhân cuối cùng thực sự kiểm soát, chi phối hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc hoàn thiện quy định này sẽ góp phần nâng xếp hạng về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam và làm minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm rửa tiền.
Những biện pháp này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính và gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là hết sức cần thiết.