Chi phí hợp lý hợp lệ, chi phí được trừ #
Khái niệm các thuật ngữ #
Theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 01 – Chuẩn mực chung quy định:
“Chi phí: Là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.”
Theo từ điển Việt – Việt:
“Hợp lí là đúng lẽ phải, phù hợp với logic.
Quy định của thuế về chi phí hợp lý hợp lệ, chi phí được trừ #
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2015
“Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”
Nguyên nhân tranh luận về chi phí hợp lý hợp lệ #
Các tranh luận đều đến từ việc doanh nghiệp cho rằng chi phí phát sinh là hợp lý hợp lệ nhưng cơ quan thuế khẳng định không. Ai đúng ai sai luôn là câu chuyện tranh cãi nhiều kỳ khi cơ quan thuế thực hiện quyết toán tại doanh nghiệp.
Cơ quan thuế đưa ra các phản biện về tính hợp lý và hợp lệ của chi phí mà doanh nghiệp phát sinh trong kỳ để loại ra khỏi chi phí được trừ. Doanh nghiệp thì không chứng minh, phản biện, thuyết phục được cơ quan thuế tin vào sự logic, hợp lý, có thật các chi phí của doanh nghiệp mình.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp có tài sản cố định là xe ô tô và phát sinh chi phí mua xăng cho chiếc xe này. Chi phí này đối với doanh nghiệp là hoàn toàn hợp lý, làm thế nào mà cơ quan thuế lại có thể không chấp nhận?
Nếu chi phí mua xăng của doanh nghiệp phát sinh quá lớn, không tương thích với lộ trình di chuyển của người sử dụng thì điều này là không phù hợp với logic, không hợp lý, cơ quan thuế không chấp nhận.
Ví dụ 2: chi phí đi công tác của doanh nghiệp bạn bị cơ quan thuế loại ra vì doanh nghiệp không có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định, không đảm bảo tính hợp lệ hoặc doanh nghiệp không chứng minh được việc phát sinh công tác phí là “có thật”.
Ví dụ 3: chi phí đi đánh golf của doanh nghiệp vì sao bị xuất toán? Vì cơ quan thuế cho rằng khoản này là chi tiêu cho cá nhân, không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dù doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn đỏ.
Cách xóa bỏ khác biệt giữa cơ quan thuế và kế toán #
Chi phí hợp lý hợp lệ/Chi phí được trừ = Chi phí kế toán trên Báo cáo tài chính (+/-) các khoản điều chỉnh do khác biệt giữa thuế và kế toán.
Các khoản điều chỉnh do khác biệt giữa thuế và kế toán càng nhỏ thì chênh lệch số liệu giữa thuế và kế toán càng ít. Để đạt được điều đó, doanh nghiệp cần chứng minh được các chi phí của mình là hợp lý, “đúng lẽ phải, phù hợp với logic” và phản biện được các luận điểm của cơ quan thuế. Đây là nội dung mà cơ quan thuế hay để ý và cũng là điều doanh nghiệp hay bỏ qua, chỉ xoáy vào việc thu thập hồ sơ chứng từ (tính hợp lệ).
Để đảm bảo tính hợp lệ, doanh nghiệp chỉ cần có đủ hồ sơ chứng từ theo quy định của pháp luật về thuế. Để đảm bảo tính hợp lý, doanh nghiệp cần phải đảm bảo chi phí phát sinh CÓ THẬT, có cơ sở phát sinh một cách logic, có liên quan và cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Càng ngày sự khác biệt giữa kế toán và thuế sẽ càng ngắn lại, đồng nghĩa với việc các điều chỉnh do khác biệt cũng dần từ giảm đi, trách nhiệm của doanh nghiệp về các số liệu của chính mình sẽ càng lớn. Thay vì tâm lý đối phó với cơ quan thuế, doanh nghiệp hãy cứ tuân thủ theo nguyên tắc trên, chứng minh càng rõ càng tốt, đừng để thuế trở thành mối lo của chính mình.