Trong thực tế hoạt động, doanh nghiệp gặp những khó khăn về vốn lưu động đã tìm đến các nguồn cho mượn tiền như từ các cá nhân hoặc cá doanh nghiệp khác và những khoản mượn này không tính lãi. Đối với các giao dịch phát sinh như thế này, kế toán cần hiểu và nhìn nhận bản chất là vay hay mượn cho chính xác, từ đó mới hạch toán vào các tài khoản phù hợp.

Pháp luật dân sự đã phân biệt rõ hai hình thức giao dịch cho vay và cho mượn.
Vật trong giao dịch cho mượn có đặc trưng sau: Là vật đặc định; không bị tiêu hao, giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu; là vật được sử dụng vào mục đích xác định và phải trả lại đúng vật đó. Với giao dịch cho mượn, người cho mượn chỉ chuyển giao cho người mượn quyền chiếm hữu, quyền sử dụng vật mượn. Người mượn không có quyền định đoạt đối với vật được mượn. Ví dụ: mượn laptop thì bên cho mượn chuyển quyền sử dụng cho bên mượn, bên mượn phải trả lại đúng laptop đó cho bên cho mượn khi hết hạn mượn hoặc khi bị đòi lại.
Ngược lại, trong giao dịch cho vay thì vật thanh toán có thể bị tiêu hao và khi đến hạn trả thì vật thanh toán có thể được quy thành tiền hoặc tài sản khác có giá trị tương đương mà hai bên thỏa thuận được. Người cho vay không có quyền đòi người vay trả lại đúng tài sản đã vay. Khi cho vay, người cho vay chuyển cả ba quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt cho người vay nhưng không bị mất đi quyền sở hữu. Khi đến hạn thỏa thuận, quyền sở hữu sẽ chuyển hóa thành quyền đòi nợ và người cho vay sẽ thực hiện quyền đòi nợ của mình theo quy định. Ví dụ: khi mượn tiền, bên mượn không thể trả lại bên cho mượn đúng tờ tiền đó, với số se-ri như lúc nhận tiền, bên cho mượn chuyển giao quyền định đoạt cho bên mượn, do đó đây được coi là khoản vay chứ không phải khoản mượn.
Khoản mượn không có lãi vay thì có coi là khoản vay không

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, với hợp đồng vay tài sản thì bên vay có thể trả lãi hoặc không trả lãi cho bên cho vay tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định. Và cũng theo đó, việc một khoản mượn tiền không có lãi suất hay lãi suất bằng 0% thì cũng phải được coi là một khoản vay
Dựa theo các quy định trên, kế toán phải ghi nhận khoản này vào tài khoản vay theo đúng bản chất, không được ghi nhận vào tài khoản phải trả.
Rủi ro từ việc ghi nhận một khoản vay không có lãi suất hay lãi suất bằng 0%
Việc một khoản vay không có lãi suất hay lãi suất cho vay bằng 0% cho thấy bên cho doanh nghiệp vay là một bên có liên quan, đây là một giao dịch không theo giá thị trường. Đối với các giao dịch này cơ quan thuế sẽ thực hiện tìm hiểu rõ các khoản có liên quan từ khoản vay này, tính hợp lý hợp lệ từ sử dụng nguồn này, bất kỳ phát hiện nào về bất thường nếu có sẽ bị truy thu thuế và xử phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính cho các giap dịch này. Tùy vào mức độ trọng yếu của vấn đề vi phạm mà mức phạt có sự thay đổi tương ứng.
Do đó, kế toán ngoài việc xác định bản chất của giao dịch để hạch toán cho chính xác cần phải xác định tính hợp lý của các giao dịch có liên quan để tránh các rủi ro về thuế cho doanh nghiệp.