Thành lập và giải thể là 2 quá trình thường gặp đối với một doanh nghiệp. trong một số trường hợp việc giải thể là cần thiết. Quá trình giải thể phái đạt mục tiêu là chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của doanh nghiệp và chấm dứt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật.
EXPERTIS
Bài viết hướng dẫn đầy đủ nhất cho việc giải thể doanh nghiệp Việt Nam và giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
1. Quy định về việc giải thể doanh nghiệp #
Giải thể doanh nghiệp có thể hiểu cơ bản là quá trình chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp đó có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.
Giải thể doanh nghiệp là một loại thủ tục hành chính do người có thẩm quyền trong doanh nghiệp tiến hành làm việc với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Người thực hiện các thủ tục là doanh nghiệp.
Khác với thủ tục phá sản: Phá sản là một loại thủ tục tư pháp do Tòa án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu hợp lệ. Sau khi Tòa án thụ lý và ra tuyên bố phá sản. Việc thực hiện các thủ tục theo quy trình tư pháp với sự tham gia của: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Có 4 trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Những người có quyền nộp đơn yêu cầu giải thể doanh nghiệp bao gồm:
- Chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
- Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH.
- Tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Căn cứ vào ý chí của chủ doanh nghiệp, Chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông mà việc giải thể doanh nghiệp được chia làm hai loại cơ bản đó là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.
+ Giải thể tự nguyện:
Sự chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của chủ doanh nghiệp, Chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông bao gồm:
- Giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp, Chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp.
+ Giải thể bắt buộc:
Là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự vi phạm quy định pháp luật doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp gồm:
- Giải thể khi doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của luật doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển loại hình doanh nghiệp;
- Giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp #
Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp (trừ trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) được tiến hành như sau:
- Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp.
- Tiến hành tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp.
- Thông báo công khai quyết định giải thể doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tiến hành thanh toán các khoản nợ và phân chia phần tài sản còn lại theo quy định.
- Nộp hồ sơ giải thể.
- Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:
+ Cất giấu, tẩu tán tài sản;
+ Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
+ Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
+ Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
+ Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
+ Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
+ Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định trên mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn nước ngoài giống như doanh nghiệp Việt Nam ở quá trình chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Riêng thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn nước ngoài có thể phát sinh 2 nội dung khác như sau:
- Thủ tục chấm dứt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ERC)
- Thủ tục chuyển số tiền vốn đầu tư còn lại về nước thông qua Ngân hàng nơi mở tài khoản đầu tư / Tài khoản vốn (Capital Account).
Trường hợp quý khách cần tài liệu này, vui lòng liên hệ Expertis để được hỗ trợ.
3. Hướng dẫn xử lý nghĩa vụ tài chính khi giải thể doanh nghiệp #
Xử lý nghĩa vụ tài chính là điều quan trọng nhất khi giải thể doanh nghiệp. Đây là hướng dẫn chi tiết nhất để thanh lý toàn bộ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước khi giải thể doanh nghiệp.
Mục tiêu của việc xử lý nghĩa vụ thuế là được cơ quan thuế xác nhận không nợ thuế. Để được xác nhận không nợ thuế thì doanh nghiệp áp dụng theo các hướng dẫn dưới đây.
Những trường hợp nào không cần quyết toán thuế khi giải thể
1. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu
Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.
2. Danh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn
Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.
3. Đã phát sinh doanh thu, đã sử dụng hóa đơn nhưng đáp ứng điều kiện sau:
Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có doanh thu bình quân năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động) không quá 1 tỷ đồng/năm.
- Kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế.
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Quy định về tỷ lệ % trên doanh thu
|
Đối với các trường hợp nêu tại điểm 1, 2, 3 trên đây, chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi (bao gồm quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động; các tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc các trường hợp nêu trên và đã nộp đủ số thuế phải nộp nếu có) thì cơ quan thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Những trường hợp phải quyết toán thuế khi giải thể
Đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động không thuộc các trường hợp được miễn nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế sẽ tiến hành quyến toán thuế theo kế hoạch do cơ quan thuế ban hành.
Để được cơ quan thuế lên kế hoạch quyết toán thuế giải thể, doanh nghiệp cần hoàn thành và nộp các thủ tục sau đây:
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải Quan nếu doanh nghiệp bạn có hoạt động xuất nhập khẩu. Hoặc Văn bản cam kết không có các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp NSNN liên quan đến hoạt động XNK đến ngày ký xác nhận nợ thuế của Tổng cục Hải Quan và chịu trách nhiệm trên cam kết này.
- Biên bản thanh lý tài sản (nếu có tài sản thanh lý).
- Thông báo kết quả hủy hóa đơn và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tính đến thời điểm nộp hồ sơ giải thể.
- Báo cáo quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và báo cáo thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đến thời điểm nộp bộ hồ sơ giải thể.
- Nộp tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đến thời điểm nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
- Báo cáo tài chính đươc lập đến đến thời điểm quyết toán. Đối với doanh nghiệp FDI phải nộp kèm báo cáo kiểm toán tương ứng.
Thời hạn giải quyết hồ sơ giải thể tại cơ quan thuế
Sau khi đã nộp đủ tất cả các loại hồ sơ đã được liệt kê bên trên, thì thời hạn quyết toán thuế để giải thể công ty là ngày thứ bốn mươi lăm (45) kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Trong thời gian này, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn thiện sổ sách kế toán và bổ nhiệm nhân sự phụ trách giải trình để làm việc với đại diện cơ quan thuế.
Mục tiêu của việc xử lý nghĩa vụ bảo hiểm xã hội là đựợc cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận không nợ bảo hiểm xã hội. Để được xác nhận không nợ bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp áp dụng theo các hướng dẫn dưới đây.
Ngoài việc hoàn tất nghĩa vụ với người, lao động, doanh nghiệp còn có trách nhiệm thực hiện việc xác nhận hoàn tất nghĩa vụ tài chính với cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội như sau:
1. Chốt sổ bảo hiểm của người lao động như sau:
Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động quy định như sau: “Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
2. Xin xác nhận không nợ các khoản bảo hiểm bắt buộc:
- Thực hiện đối chiếu bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm giải thể.
- Xin xác nhận không nợ bảo hiểm xã hội.
Mục tiêu của việc xử lý nghĩa vụ nghĩa vụ thuế xuất nhập khẩu là đựợc cơ quan Hải quan xác nhận không nợ nghĩa vụ thuế xuất nhập khẩu. Để được xác nhận không nợ nghĩa vụ thuế xuất nhập khẩu thì doanh nghiệp áp dụng theo các hướng dẫn dưới đây.
1. Nguyên tắc xác nhận nghĩa vụ
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trừ trường hợp người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan.
Do đó đa phần thuế xuất nhập khẩu đã được nộp đầy đủ, trừ các trường hợp có phát sinh vấn đề cần phải hậu kiểm: Gia công xuất khẩu; Điều chỉnh thuế do phát hiện trước thòi gian giải thể.
2. Các thủ tục xác nhận
Hồ sơ để xác nhận không nợ thuế hải quan phục vụ giải thể gồm:
- Văn xin xác nhận không nợ thuế hải quan.
- Biên bản họp, quyết định giải thể của công ty.
- Bản sao đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập của đơn vị (có chứng thực)
Trong vòng 5 ngày làm việc tổng cục hải quan sẽ có văn bản trả lời về việc đơn vị có nợ hoặc không nợ thuế hải quan.
Nhận được văn bản xác nhận không nợ thuế của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp nộp văn bản này tới cơ quan quản lý thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Luật Doanh nghiệp quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.
Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
- Nợ thuế.
- Các khoản nợ khác.
- Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí, phần tài sản còn lại sẽ chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.
Theo Luật Doanh nghiệp thì thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể. thời gian này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh khoản cao. Với những doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc có nhiều tài sản, cần thời gian dài để thanh lý và trả nợ thì thời gian này có thể sẽ không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán công nợ. Do vậy doanh nghiệp cần rà soát lại và lên kế hoạch thanh lý thích hợp.
4. Nên giải thể hay phá sản doanh nghiệp #
Để trả lời vấn đề này và đưa ra lựa chọn thích hợp, cần nắm rõ một số điểm khác biệt sau đây:
Điểm giống nhau giữa giải thể và phá sản
- Đều dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp.
- Đều bị thu hồi con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản.
Điểm khác nhau có tính quyết định giữa giải thể và phá sản
Giải thể doanh nghiệp là thủ tục hành chính trong điều kiện doanh nghiệp đó có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.
Trong khi đó Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Về loại thủ tục pháp lý:
Giải thể doanh nghiệp là một loại thủ tục hành chính do người có thẩm quyền trong doanh nghiệp tiến hành làm việc với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Người thực hiện các thủ tục là doanh nghiệp.
Phá sản là một loại thủ tục tư pháp do Tòa án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu hợp lệ. Sau khi Tòa án thụ lý và ra tuyên bố phá sản. Việc thực hiện các thủ tục theo quy trình tư pháp với sự tham gia của: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Về hậu quả pháp lý:
- Quyền quyết định giải thể là của doanh nghiệp. Sau khi giải thể, quyền tự do kinh doanh của chủ sở hữu, người bị quản lý điều hành không bị hạn chế.
- Tòa án có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với chủ sở hữu hay người quản lý điều hành nếu cố ý vi phạm vi phạm các quy định của Luật phá sản.