1. TỔNG QUAN VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP #
Thành lập doanh nghiệp không còn là cụm từ quá xa lạ ở Việt Nam. Có thể hiểu cơ bản, thành lập doanh nghiệp chính là một thủ tục pháp lý mà cá nhân, tổ chức phải thực hiện tại Cơ quan nhà nước liên quan khi muốn tiến hành kinh doanh. Để có thể thực hiện được thủ tục này cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như nhân lực, trụ sở, vốn, tên doanh nghiệp,…
Doanh nghiệp mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với chủ thể thành lập mà còn đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội, quốc gia. Khi đã là một tổ chức kinh tế được thành lập đúng theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước công nhận, Pháp luật bảo vệ để tham gia vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó góp phần nâng cao thương hiệu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Vậy những ai có quyền thành lập doanh nghiệp, các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam? bài viết sau đây hướng dẫn đầy đủ và chi tiết về điều kiện để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
2. AI CÓ QUYỀN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP? #
Điều kiện để thành lập doanh ngiệp (thành lập công ty) nói chung là những điều kiện mà theo đó các tổ chức, cá nhân được đăng ký thành lập doanh nghiệp và được cơ quan có thẩm quyền (Sở kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nhà nước khuyến khích đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần tham gia đầu tư kinh doanh. Do đó gần như tất cả tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện như trình bày sau đây.
a. Điều kiện chủ thể dân sự #
i) Trường hợp cá nhân:
Khi một cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp thì cá nhân đó phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Có thể thấy rằng, khi có đủ năng lực hành vi dân sự thì cá nhân mới đủ khả năng chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp mà mình thành lập hoặc góp vốn để thành lập.
ii) Trường hợp tổ chức:
Nếu đối tượng thành lập doanh nghiệp là tổ chức thì tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân. Vì chỉ khi có tư cách pháp nhân thì tổ chức mới có tài sản độc lập và có khả năng chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản đó.
b. Không thuộc các trường hợp bị hạn chế thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp #
Vì nhiều lý do khác nhau mà pháp luật Việt Nam cũng loại trừ quyền thành lập doanh nghiệp đối với một số cá nhân cho dù có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân sau đây:
Theo Luật Doanh Nghiệp, các tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ trường hợp sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Lưu ý: Việc hạn chế quyền góp vốn sau đây của Luật doanh nghiệp cũng dẫn đến hạn chế quyền tham gia thành lập doanh nghiệp của các đối tượng sau đây:
Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
c. Không thuộc các trường hợp bị hạn chế thành lập doanh nghiệp do đặc thù sau đây: #
Ngoài những quy định nêu trên thì quyền thành lập doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức còn bị hạn chế ở một số điểm riêng biệt như sau:
i) Đối với doanh nghiệp tư nhân:
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Và Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Có quy định này là bởi vì trong doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Có nghĩa là tài sản của chủ doanh nghiệp không thể tách rời khỏi tài sản doanh nghiệp.
ii) Đối với công ty hợp danh:
Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Và Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Điều này cũng tương tự như trên, thành viên hợp sẽ chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình đối với công ty.
Việc không thể phân định riêng biệt tài sản như trên sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp khác cũng như cho chính doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Bởi lẽ, cả chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh đều chịu trách nhiệm vô hạn, nên dẫn đến những khó khăn nhất định cho người này khi đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ cho cả 2 bên cùng một lúc.
3. ẢNH HƯỞNG CỦA NGÀNH NGHỀ KINH DOANH VÀ VIỆC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP #
Doanh nghiệp được định nghĩa và xác định là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Như vậy, việc thành lập doanh nghiệp gắn liền với ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đó thực hiện.
Việc đáp ứng yêu cầu về ngành nghề kinh doanh là một điều kiện tiên quyết khi xem xét thành lập doanh nghiệp. Hướng dẫn sau đây sẽ giúp làm rõ về việc đáp ứng ngành nghề kinh doanh, chi tiết như sau đây.
a. Không được kinh doanh ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh #
8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
b. Phải đáp ứng các điều kiện nếu kinh doanh ngành nghề có điều kiện #
i) Doanh nghiệp dự định thành lập phải đáp ứng các yêu cầu về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sau đây:
Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư 2020 |
ii) Các chú ý về ngành nghề kinh doanh có điều kiện:
+ Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
+ Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
+ Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Có những điều kiện đầu tư, kinh doanh bạn phải đáp ứng mới nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp được. Do vậy nếu bạn không đáp ứng thì không thành lập doanh nghiệp được.
Tuy nhiên, có những điều kiện đầu tư kinh doanh không cần chứng minh đủ điều kiện trong lúc thành lập doanh nghiệp, nhưng đòi hỏi bạn phải duy trì việc đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh trong quá trình hoạt động. Điều này dẫn đến một số trường hợp vi phạm luật đầu tư do không đáp ứng quy định về ngành nghề có điều kiện.
Ví dụ:
Để hoạt động kinh doanh ngành Dịch vụ việc làm, sau khi thành lập doanh nghiệp, cần thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm như sau:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp;
- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao chứng thực Giấy xác nhận việc đã thực hiện ký quỹ 300 triệu tại Ngân hàng;
- Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về địa điểm theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được (01 bộ) hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cấp giấy phép, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Sau khi thực hiện các thủ tục trên thì công ty dịch vụ việc làm được thực hiện hoạt động kinh doanh các ngành nghề về dịch vụ việc làm đã đăng ký trên Giấy đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy cho dù đã thành lập doanh nghiệp, nhưng nếu không đáp ứng quy định của chuyên ngành đó thì cũng không đủ điều kiện kinh doanh.
4. ÁP DỤNG CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP KHI CÓ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI #
Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
c) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
d) Hình thức đầu tư;
e) Phạm vi hoạt động đầu tư;
f) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
g) Điều kiện khác theo quy định.
Xem danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại đây:
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài |
Điều kiện đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều quy định riêng biệt, quý khách cần tư vấn trường hợp cụ thể vui lòng liên hệ Expertis để được hỗ trợ miễn phí.
EXPERTIS