Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế liên quan đang hoạt động mua bán hàng hóa cần thực hiện Báo cáo tình hình hoạt động mua bán hàng hóa gửi đến Sở Công Thương theo quy định. Sau đây là hướng dẫn chi tiết.
Thông tin
Những đơn vị nào phải thực hiện báo cáo #
Đối tượng thực hiện báo cáo là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% vốn điều lệ (chi tiết theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư) thuộc các trường hợp sau đây:
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP, nhưng đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương có nội dung: hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thuộc diện phải cấp Giấy phép kinh doanh hoặc lập cơ sở bán lẻ thuộc trường hợp phải cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Không thực hiện chế độ báo cáo
Sở Công Thương thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Việc không thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định pháp luật sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và phát sinh các khoản xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi Giấy phép, từ chối giải quyết hồ sơ.
Báo cáo chưa đầy đủ nội dung theo quy định
Quá trình kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ tài liệu, giải trình những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi các báo cáo chưa đầy đủ nội dung, doanh nghiệp sẽ được yêu cầu hoàn thiện lại các nội dung báo cáo đảm bảo đúng quy định và tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa.
Áp dụng
Xử phạt khi vi phạm chế độ báo cáo hoạt động mua bán hàng hóa #
1. Xử phạt vi phạm hành chính do không thực hiện chế độ báo cáo
Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định thì có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm chính theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 70 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Bị thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
Ngoài chế tài xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định thì còn có khả năng bị thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Điều 43 của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Giấy phép kinh doanh bị thu hồi trong các trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định trong 24 tháng liên tiếp;
Giấy phép lập cơ sở bán lẻ bị thu hồi trong các trường không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định trong 24 tháng liên tiếp;
3. Bị từ chối giải quyết hồ sơ điều chỉnh Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
Theo tình hình thực tế gần đây, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ xin điều chỉnh Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép lập cơ sở bán lẻ tại Sở Công Thương sẽ được yêu cầu nộp bổ sung báo cáo tình hình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa trong 02 năm gần nhất. Nếu không nộp bổ sung đầy đủ báo cáo theo yêu cầu, hồ sơ xin điều chỉnh có thể bị từ chối giải quyết, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là bị thu hồi Giấy phép.
Động thái này thể hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang siết chặt hơn việc thực thi nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
Thực hiện
Trình tự, cách thức nộp báo cáo hoạt động mua bán hàng hóa #
Biểu mẫu báo cáo: Mẫu số 13 tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Thời gian thực hiện: định kỳ hàng năm, trước ngày 31 tháng 01.
Cơ quan tiếp nhận:
– Bộ Công Thương: khi thực hiện các hoạt động
- Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn;
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
- Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
- Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
- Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
- Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
- Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
– Bộ quản lý ngành: kinh doanh hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí:
– Sở Công Thương nơi cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
Hình thức thực hiện:
- Nộp trực tiếp;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp trực tuyến (tùy theo tình hình hướng dẫn thực tế tại mỗi tỉnh, thành).
Tham khảo hướng dẫn của Sở công thương thành phố Hồ Chí Minh theo Thông báo số 6985/TB-SCT ngày 28 tháng 11 năm 2022.
Nếu doanh nghiệp của bạn gặp các vấn đề như đề cập trên, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và giải pháp hiệu quả !