Vào cuối tháng 4/2024, Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã thực hiện bước tiến lớn trong công cuộc quản lý và chống thất thu thuế qua các hoạt động kinh doanh bằng cách thu thập dữ liệu từ hơn 120 triệu tài khoản cá nhân và 9 triệu tài khoản doanh nghiệp, thông qua 96 ngân hàng thương mại trên toàn quốc.
Đây là một phần của chiến lược của Chính phủ nhằm tăng cường quản lý thuế, đặc biệt là trong khu vực thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng.
Quy mô và phạm vi thu thập dữ liệu #
Tổng cục Thuế thông báo rằng, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 90% công tác kiểm tra và đồng bộ hóa dữ liệu giữa Bộ Công an và cơ sở dữ liệu mã số thuế đã được hoàn thành, không tính các mã số thuế của người phụ thuộc và những mã số không liên quan đến nghĩa vụ thuế hoặc thiếu thông tin giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD). Điều này hỗ trợ việc chuyển đổi sử dụng CCCD làm mã số thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế cũng đã triển khai thành công việc tích hợp tài khoản định danh điện tử (VneID) vào hệ thống quản lý thuế, với 663.157 lượt kết nối và 400.791 công dân đã truy cập.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế, bao gồm thông tin từ 929 trang web thương mại điện tử, dữ liệu của 130 tổ chức trong các ngành viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình, cũng như thông tin tài khoản thanh toán của hơn 9 triệu tổ chức và 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
Chi tiết giao dịch, số dư tài khoản là những dữ liệu được thu thập #
Những thông tin được cơ quan nhà nước thu thập bao gồm chi tiết các giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản và số liệu giao dịch khác, tuân theo quy định của Nghị định 126/2020 và Luật Quản lý thuế 2019. Mục tiêu chính là để xác định các cá nhân và tổ chức kinh doanh trực tuyến chưa thực hiện kê khai thuế. Đồng thời, tăng cường liên kết và chia sẻ dữ liệu, nhằm hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, ngăn chặn sự thất thu thuế và đảm bảo an ninh tiền tệ.
Xem thêm: Cẩm nang | Những điều cần biết về cung cấp dữ liệu giao dịch ngân hàng cho cơ quan thuế
Minh bạch hóa dữ liệu: Đối mặt rủi ro hay gặt hái lợi ích? #
Trong năm 2023, cơ quan Thuế đã ghi nhận doanh thu từ việc quản lý thuế trên các nền tảng thương mại điện tử đạt mức ấn tượng. Theo ước tính, con số lên đến 3,5 triệu tỷ đồng, khoảng 146 tỷ USD, với tổng số thuế đã thu là 97.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước đó.
Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý thông tin tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế cũng đã rà soát kỹ lưỡng 929 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và 130 tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực này như viễn thông, quảng cáo, phát thanh và truyền hình.
Doanh nghiệp có thể đối mặt với các cuộc kiểm tra, thanh tra từ cơ quan thuế nếu dữ liệu thu thập được có phát hiện sai sót, nghi ngờ chưa kê khai đầy đủ các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
Qua đó, việc minh bạch hóa dữ liệu giúp tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng hơn. Song, nó khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và đóng góp vào ngân sách nhà nước một cách đầy đủ và tránh được vô số rủi ro pháp lý và các hình phạt hình chính hoặc truy thu thuế nếu phát hiện vi phạm.
Xem thêm: Ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế: Doanh nghiệp có cần lo lắng?
Sự thay đổi này không chỉ tác động lớn các cá nhân và doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong công cuộc quản lý thuế của Nhà nước. Doanh nghiệp cần cập nhật và tuân thủ các quy định mới, đồng thời khai thác cơ hội từ sự minh bạch và có kỷ luật trong việc quản lý chặt chẽ hơn. Việc tuân thủ các quy định thuế không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro pháp lý mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp cần chủ động trong việc cập nhật thông tin và tuân thủ các quy định mới về quản lý thuế. Sử dụng các công cụ quản lý hiện đại và tư vấn từ các chuyên gia thuế để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.