Cẩm nang | Giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp tại Việt Nam

| Cập nhật: 20/08/2023
Cẩm nang này hướng dẫn đầy đủ về giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm:
  1. Hiểu đúng về giao dịch liên kết
  2. Cách xác định có/không có giao dịch liên kết
  3. Các rủi ro thường gặp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
  4. Các câu hỏi thường gặp về giao dịch liên kết

Vấn đề về giao dịch liên kết (Thường được gọi là Chuyển giá) đang ngày càng được cơ quan quản lý thuế chú ý và rà soát hàng năm cũng như kiểm tra kỹ nội dung này khi quyết toán thuế. Vấn đề này trước đây thường chỉ gặp ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên hiện nay, với các quy định hiện hành về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, các giao dịch thông thường của doanh nghiệp, tưởng chừng như không có liên quan đến việc chuyển giá thực tế phải chịu sự quản lý của quy định pháp luật về giao dịch liên kết. Ví dụ như là: Doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng thương mại để phục vụ kinh doanh hoặc có phát sinh giao dịch mượn tiền người có mối quan hệ trong giá đình hoặc chủ doanh nghiệp đồng thời là người đại diện pháp luật, là một trong các giao dịch liên kết cần phải kê khai giao dịch liên kết.

Cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; thu nhập chịu thuế hoặc số thuế TNDN phải nộp đối với người nộp thuế không tuân thủ quy định về kê khai, xác định giao dịch liên kết. Trong trường hợp bị Cơ quan thuế ấn định, có thể dẫn tới việc doanh nghiệp bị truy thu thuế, giảm lỗ hoặc điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế. Đồng thời, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu thêm các khoản phạt khác có liên quan.

thế nào là giao dịch liên kết

Bài viết sau đây là cẩm nang giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam và có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong trường hợp có giao dịch liên kết.

Hiểu về giao dịch liên kết

Giao dịch liên kết là gì
1. Giao dịch liên kết là gì?

Giao dịch liên kết (Chuyển giá) đề cập tới việc các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết “điều chỉnh giá một cách có chủ đích” đối với giá cả hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa các doanh nghiệp liên kết.

Đây là định nghĩa giao dịch liên kết gần gũi nhất với bản chất của giao dịch liên kết.

Trong thuật ngữ chính thức và quy định pháp luật dùng từ “Giao dịch liên kết”. Từ “Chuyển giá” không được quy định rõ ràng trong các quy định liên quan, tuy nhiên, căn cứ vào bản chất, từ “chuyển giá” được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (Transfer Pricing).

2. Thế nào là giao dịch liên kết?

Giao dịch liên kết là các giao dịch “không theo giá thông thường áp dụng cho thị trường chung”, mà đã bị các bên có mối quan hệ liên kết áp dụng các biện pháp, các thay đổi về chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thay đổi giá trị vốn có của hàng hóa hay dich vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong một tập đoàn hay một nhóm liên kết (các bên liên kết) nhằm mục đích giảm thiểu số tiền thuếphải nộp cho nhà nước.

Giao dịch liên kết gần như là toàn bộ các loại giao dịch có thể có giữa các bên có quan hệ liên kết. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật  là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

3. Ví dụ về giao dịch liên kết
ví dụ về giao dịch liên kết

a. Chuyến giá thông qua các yếu tố đầu vào

Tăng chi phí đầu vào quá cao so với giá thị trường thông qua góp vốn của bên nước ngoài là tài sản, máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ khi doanh nghiệp tự định giá cao hoặc giá nguyên liệu đầu vào cao làm cho giá vốn cao hơn giá bán dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp bị âm hoặc có lãi rất thấp. Ví dụ một số trường hợp như: mua nguyên vật liệu cùng tập đoàn, nhập linh kiện các loại ô tô, máy tính, linh kiện điện tử để sản xuất bán trong nước…

b. Chuyển giá thông qua các yếu tố đầu ra

Xác định giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ thấp hơn giá thị trường. Ví dụ một số trường hợp như: giá gia công, các sản phẩm ngành may mặc, giày da, sản phẩm phản mềm, điện tử…

c. Chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ

Chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ, tiếp thị, quảng cáo, quản lý tư vấn, hỗ trợ… nhưng trên thực tế dịch vụ đó không phát sinh.

d. Các chi phí công ty mẹ phân bổ cho công ty con

Các chi phí công ty mẹ phân bổ cho công ty con các khoản thanh toán hộ trong tập đoàn thường không minh bạch, không chứng minh được dịch vụ đã cung cấp.

e. Chi trả các khoản về nhãn hiệu, bản quyền

Chi trả các khoản về nhãn hiệu, bản quyền, chi phí huấn luyện, đào tạo không chứng minh được tính hợp lý.

f.Trả lãi vay cho các bên liên kết

Trả lãi vay cho các bên liên kết cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại hoặc cho vay không lãi suất nhằm chuyển lãi về cho bên liên kết lỗ hay được ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế, thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp).

g. Giao dịch với các công ty có thuế suất ưu đãi

Giao dịch với các công ty có thuế suất ưu đãi so với công ty còn lại (ví dụ như mua bán phần mềm miễn thuế).

Xác định có/không có giao dịch liên kết

1. Nguyên tắc chung xác định có giao dịch liên kết hay không

Xác định giao dịch liên kết dựa vào việc có giao dịch với các bên có mối quan hệ như sau:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên có quan hệ liên kết tại mục (a) và (b) trên đây được quy định cụ thể như sau:

Checklist sau đây xác định Doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết hay không (Áp dụng từ năm 2020 trở đi):
 

Trường hợpQuan hệ liên kếtCó / Không
bCả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
cMột doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
dMột doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
đMột doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
eHai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
gHai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
hHai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
iCác doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
lDoanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.
aMột doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
kCác trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;

Rủi ro đối với doanh nghiệp khi có giao dịch liên kết

1. Rủi ro gặp phải nếu doanh nghiệp không lập tờ khai cho giao dịch liên kết

Cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; tỷ lệ phân bổ lợi nhuận; thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với người nộp thuế không tuân thủ quy định về kê khai, xác định giao dịch liên kết; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, dữ liệu kê khai xác định giá giao dịch liên kết.

Ngoài ra, cơ quan thuế còn xử phạt hành chính doanh nghiệp như về việc chậm nộp tờ khai, cũng như các lãi phạt phát sinh kèm theo nếu có.

2. Bị giảm chi phí được trừ tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

#1 – Chi phí của giao dịch liên kết không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ, bao gồm:

a) Chi phí thanh toán cho bên liên kết không thực hiện bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào liên quan đến ngành nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; không có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người nộp thuế;

b) Chi phí thanh toán cho bên liên kết có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng quy mô tài sản, số lượng nhân viên và chức năng sản xuất, kinh doanh không tương xứng với giá trị giao dịch mà bên liên kết nhận được từ người nộp thuế;

c) Chi phí thanh toán cho bên liên kết là đối tượng cư trú của một nước hoặc vùng lãnh thổ không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, không góp phần tạo ra doanh thu, giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

#2- Chi phí dịch vụ giữa các bên liên kết:

a) Trừ các khoản chi quy định tại điểm b khoản này, người nộp thuế được trừ các khoản chi phí dịch vụ vào chi phí tính thuế trong kỳ nếu đáp ứng đủ các điều kiện như sau: Dịch vụ được cung cấp có giá trị thương mại, tài chính, kinh tế và phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; dịch vụ từ các bên liên kết được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này; phí dịch vụ được thanh toán trên cơ sở nguyên tắc giao dịch độc lập và phương pháp tính giá giao dịch liên kết hoặc phân bổ mức phí dịch vụ giữa các bên liên kết phải được áp dụng thống nhất trong toàn tập đoàn đối với loại hình dịch vụ tương tự và người nộp thuế phải cung cấp hợp đồng, chứng từ, hóa đơn và thông tin về phương pháp tính, yếu tố phân bổ và chính sách giá của tập đoàn đối với dịch vụ được cung cấp.

Trường hợp liên quan đến các trung tâm thực hiện chức năng chuyên môn hóa và hợp lực tạo giá trị tăng thêm của tập đoàn, người nộp thuế phải xác định tổng giá trị tạo ra từ các chức năng này, xác định mức phân bổ lợi nhuận phù hợp với giá trị đóng góp của các bên liên kết sau khi đã trừ (-) mức phí dịch vụ tương ứng cho bên liên kết thực hiện chức năng điều phối, cung cấp dịch vụ của giao dịch độc lập có tính chất tương đồng.

b) Chi phí dịch vụ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: Chi phí phát sinh từ các dịch vụ được cung cấp chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích hoặc tạo giá trị cho các bên liên kết khác; dịch vụ phục vụ lợi ích cổ đông của bên liên kết; dịch vụ tính phí trùng lắp do nhiều bên liên kết cung cấp cho cùng một loại dịch vụ, không xác định được giá trị gia tăng cho người nộp thuế; dịch vụ về bản chất là các lợi ích người nộp thuế nhận được do là thành viên của một tập đoàn và chi phí mà bên liên kết cộng thêm đối với dịch vụ do bên thứ ba cung cấp thông qua trung gian bên liên kết không đóng góp thêm giá trị cho dịch vụ.

#3- Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế ( không vượt quá 30% EBITDA).

b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;

FAQ - Câu hỏi về xác định Giao dịch liên kết

Câu hỏi: 

Công ty 100% vốn trong nước, tất cả các giao dịch cũng đều trong nước. Năm 2020 Công ty đầu tư sửa chữa lớn văn phòng có mượn tiền của chủ tịch 2 tỷ đồng không lãi suất, trong năm đã trả 1,5 tỷ đồng, vậy khoản này có thuộc giao dịch liên kết không? Khi quyết toán thì có phải nộp phụ lục kèm quyết toán thuế TNDN không?

Trả lời:
Căn cứ theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, thì trường hợp chủ tịch Công ty thực hiện điều hành, kiểm soát DN nếu DN vay mượn của Chủ tịch Công ty ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với Chủ tịch Công ty là giao dịch liên kết. Khi quyết toán thuế TNDN thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Ngày 11/03/2021 | Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Trong năm 2020, Công ty chúng tôi có vay vốn của ngân hàng thương mại để phục vụ hoạt động kinh doanh với tỉ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu. Vậy trường hợp này có phải là giao dịch liên kết không? Tỉ lệ 25% theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là tính trên số dư nợ vay hay trên từng món vay?

Trả lời:

– Về việc xác định giao dịch liên kết: Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định: “d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.”

Trường hợp Công ty vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa 02 bên là giao dịch liên kết.

– Về việc xác định tỷ lệ 25% trên vốn chủ sở hữu được tính trên tổng số dư nợ vay.

Ngày 11/03/2021 | Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Doanh nghiệp mượn tiền không lãi suất của Giám đốc công ty có phải là GDLK không?

Trả lời:

Theo quy định tại NĐ số 132/2020/NĐ-CP thì:

– Trường hợp giám đốc điều hành, kiểm soát DN, nếu DN vay mượn của giám đốc Công ty có ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay tiền là giao dịch liên kết.

Ngày 11/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Doanh nghiệp thuê nhà cuả Giám đốc làm văn phòng có phải là GDLK không?

Trả lời:

Theo quy định tại NĐ số 132/2020/NĐ-CP thì:

Giao dịch thuê nhà của giám đốc làm văn phòng không phải là giao dịch liên kết.

Ngày 11/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Trong năm 2020 Công ty kinh doanh bị lỗ nên có vay tiền của giám đốc để chi trả các khoản chi phí trong kỳ (giám đốc là người được chủ doanh nghiệp thuê về quản lý), giao dịch này có phải là giao dịch liên kết không? Nếu là giao dịch liên kết thì cách kê khai như thế nào?

Trả lời:

Tại điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

“l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty vay mượn của giám đốc điều hành, kiểm soát Công ty với mức vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với giám đốc là giao dịch liên kết.

Trong năm tài chính nếu doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết. Người nộp thuế thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Doanh nghiệp là công ty TNHH 2 thành viên góp vốn. Tổng giám đốc chiếm 80% vốn góp, Phó tổng giám đốc chiếm 20% vốn góp. Trong năm 2020 do thiếu tiền phục vụ sản xuất kinh doanh nên công ty có lúc mượn tiền của 2 thành viên trên với lãi suất 0% và có lúc cho 2 thành viên trên vay tiền với lãi suất bằng lãi suất ngân hàng tại thời điểm . Số tiền mượn và tiền vay của 2 thành viên trên  lớn hơn 10% vốn điều lệ (Cuối năm 2020 đã trả hết số tiền mượn, tiền cho vay thì vẫn còn). Xin hỏi:

1. Giao dịch mượn tiền và cho vay trên có phải là giao dịch liên kết không?

2. Cuối năm có phải làm phụ lục giao dịch liên kết khi làm quyết toán thuế TNDN không?

3. Mượn tiền với lãi suất 0% thì 2 thành viên trên có bị ấn định thuế TNCN không?

4. Công ty có phải xuất hóa đơn cho khoản lãi vay thu được hàng tháng của 2 thành viên trên không?

Trả lời:

1. Tại điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định

“l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.” .

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty vay mượn của Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc điều hành, kiểm soát Công ty với mức vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc là giao dịch liên kết.

2. Trong năm tài chính nếu doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Việc cá nhân cho công ty mượn tiền với lãi suất 0% thì cá nhân đó sẽ bị ấn định thuế TNCN.

 Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các quy định nêu trên và căn cứ thực tế đơn vị để áp dụng phù hợp.

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

1/  Công ty thiếu vốn nên mượn tiền không lãi suất của Giám đốc, giao dịch này có phải là giao dịch liên kết không? Trình bày nghiệp vụ này trên báo cáo tài chính năm như thế nào?

2/ Nghị định 132 năm 2020 có đoạn : ” Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế. “. Như vậy có nghĩa là lãi vay bị khống chế 30%?

Trả lời:

Công ty vay mượn của Giám đốc (là người điều hành, kiểm soát Công ty) với mức vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu thì được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với Giám đốc Công ty là giao dịch liên kết. Khi quyết toán thuế TNDN thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Trong năm tài chính nếu doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết. Người nộp thuế thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

“a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;”

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

1/ Công ty cổ phần thiếu vốn lưu động có thể vay của cá nhân – không phải là cổ đông nhưng là người có quan hệ gia đình với cổ đông với mức lãi suất 0% không?

2/ Trường hợp trên có bị coi là có giao dịch liên kết không? Nếu có thì áp dụng như thế nào?

Trả lời:

Tại điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

“ l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này. “

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty mượn tiền của một cá nhân mà cá nhân đó có quan hệ gia đình với cổ đông (là người điều hành, kiểm soát doanh nghiệp) với số tiền lớn hơn 10% vốn chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với cá nhân có quan hệ gia đình với cổ đông đó là giao dịch liên kết.

Doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Công ty có vay vốn ngân hàng thương mại để phục vụ kinh doanh trên 25% vốn chủ sở hữu theo ND 132. Giao dịch này có phải là giao dịch liên kết hay không?

Trả lời:

Tại điểm d và điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

“ d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay. “

Căn cứ quy định nêu trên trường hợp Công ty có vay vốn ngân hàng với khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của Công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của Công ty thì giữa Công ty và Ngân hàng được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết.

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Lưu ý: Cần phân biệt giữa Vốn chủ sở hữu và Vốn góp. Câu hỏi này dùng chữ “25% vốn chủ sở hữu” là chưa chính xác.

Câu hỏi: 

Công ty A là công ty con của Công ty B, (A&B là doanh nghiệp tại VN), Công ty B là công ty con của công ty C tại nước ngoài, Công ty A vay tiền của Công ty C thì giao dịch vay tiền này có phải là giao dịch liên kết không? Chi phí lãi vay được trừ của công ty A có bị khống chế mức tối đa 30% EBITDA không?

Trả lời:

– Tại điểm a và b khoản 2 Điều 132/2020/NĐ-CP quy định:

“a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;”

Do đó trường hợp công ty A là công ty con của công ty B (A&B là doanh nghiệp tại VN), công ty B là công ty con của công ty C tại nước ngoài, nếu công ty A nắm giữ gián tiếp ít nhất 25% vốn góp (qua Công ty B) được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch vay tiền của công ty A với công ty C là giao dịch liên kết và Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ) cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Câu hỏi: 

Công ty vay ngân hàng để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh, tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản đứng tên giám đốc, số tiền vay ngân hàng cao hơn vốn chủ sở hữu. Như vậy có gọi là giao dịch liên kết không và có phải kê khai giao dịch liên kết không?

Trả lời:

Tại khoản 2 Điều 1, điểm d và điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

“2. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này. “

Căn cứ quy định nêu trên trường hợp Công ty có vay vốn ngân hàng với khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của Công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của Công ty thì giữa Công ty và Ngân hàng được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết.

Giám đốc cho Công ty mượn bất động sản để thế chấp không phải là giao dịch liên kết.

Trong năm tài chính, nếu Công ty có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Ngày 18/03/2021

Trả lời của Tổng cục thuế

Danh mục quy định về giao dịch liên kết

Quy định về giao dịch liên kết được sắp xếp theo thứ tự thời gian hiệu lực như sau:

Việc tuân thủ các quy định và thực hiện đúng quy trình không chỉ giúp bạn tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần vào sự minh bạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Thực hiện các điều trên là không dễ dàng với doanh nghiệp, giải pháp hữu hiệu là sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp: Hợp tác với chuyên gia tài chính kế toán và thuế để đảm bảo bạn thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các quy định pháp luật.

Xem chi tiết thông tin về dịch vụ của chúng tôi tại bài viết

Dịch vụ tư vấn và kê khai giao dịch liên kết

Tag #

Thời gian đọc: 28 min

Mục lục

Gặp chuyên gia​ ngay

Giúp bạn hiểu đúng vấn đề trước khi quyết định giải pháp.

Bạn cần Giải pháp

Chúng tôi sẵn sàng đồng hành giúp bạn hiểu đúng, làm đúng.

Tự do khám phá

Trải nghiệm theo cách của bạn ! Truy cập kho kiến thức.
Đăng ký
TƯ VẤN NGAY

Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu đúng và đề xuất giải pháp một cách cặn kẽ, phù hợp nhất với nhu cầu và mục tiêu của bạn.