Điểm chính:
- Thời điểm lập và xuất hóa đơn đối với việc bán hàng hóa phải là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho bên mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
- Thời điểm lập, xuất hóa đơn với việc cung ứng dịch vụ phải là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu tiền. Nếu trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì thời điểm lập, xuất hóa đơn phải là ngày thu tiền.
Nhiều doanh nghiệp mua hàng hóa/dịch vụ để bán/cung cấp dịch vụ lại cho khách hàng của mình, nhưng khi chưa nhận được hóa đơn từ bên cung cấp đầu vào thì doanh nghiệp đã xuất đầu ra cho khách hàng của mình. Đây là một vấn đề rất phổ biến mà nhiều chủ doanh nghiệp và kế toán thường không để ý, liệu việc này có gây ra những ảnh hưởng gì cho doanh nghiệp hay không?
Thời điểm xuất hóa đơn #
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành như sau:
– Thông tư số 39/2014/TT-BTC, nội dung hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
– Thông tư số 10/2014/TT-BTC, nội dung hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn;
Theo đó, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định thời điểm lập hóa đơn với bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
- Thời điểm lập và xuất hóa đơn đối với việc bán hàng hóa phải là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho bên mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
- Thời điểm lập, xuất hóa đơn với việc cung ứng dịch vụ phải là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu tiền. Nếu trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì thời điểm lập, xuất hóa đơn phải là ngày thu tiền.
- Trường hợp giao hàng nhiều lần thì mỗi lần giao hàng đều phải lập, xuất hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa tương ứng với từng lần giao.
Theo đó, nói chung hóa đơn phải được xuất vào thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa hoặc hoàn thành dịch vụ cho bên mua, trừ một số trường hợp riêng mà luật quy định.
Ảnh hưởng từ việc không xuất hóa đơn đúng thời điểm #
Căn cứ vào các quy định trên của Bộ Tài chính thì việc doanh nghiệp chưa nhận được hóa đơn từ bên bán khi đã nhận hàng hóa, dịch vụ từ bên đối tác hoặc bên đối tác đã chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng cũng như hoàn thành việc cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp mà chưa xuất hóa đơn là đã vi phạm quy định về thời điểm xuất hóa đơn. Với trường hợp này, bên đối tác sẽ bị cơ quan thuế xử phạt về sai phạm này cũng như các biện pháp xử lý hành chính tương ứng.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng sẽ bị chịu trách nhiệm liên đới từ việc xuất hđ không đúng thời điểm. Cụ thể, doanh nghiệp không thể giải trình được với cơ quan thuế việc hóa đơn đầu ra lại xuất trước ngày của hóa đơn đầu vào của hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Không thể bán hàng rồi mà chưa có nhập hàng vào kho, vậy nên các hóa đơn đầu vào này cơ quan thuế cho là không tương ứng, không phù hợp với doanh thu đầu ra, dẫn đến tăng thuế giá trị gia tăng phải nộp, phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính, thậm chí loại trừ chi phí phần giá vốn của hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Quy định xử phạt xuất hóa đơn sai thời điểm #
Tại Điều 4, Thông tư số 68/2019/TT-BTC, ban hành ngày 30/09/2019, Bộ Tài chính đã ban hành chi tiết quy định về thời điểm lập, xuất hóa đơn hợp pháp với các doanh nghiệp.
Trường hợp các đơn vị nào không tuân thủ quy định thời điểm lập, xuất thì sẽ bị quy vào hành vi sai phạm, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Căn cứ vào Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, mới được ban hành ngày 20/10/2020 và chính có hiệu lực áp dụng 05/12/2020, Chính Phủ đã quy định quy định rõ cách thức xử phạt với hóa đơn lập, xuất sai thời điểm.
Cụ thể, tại Điều 24, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt với các trường hợp lập, xuất hóa đơn sai thời điểm như sau:
– Phạt cảnh cáo đối với trường hợp lập, xuất hóa đơn sai thời điểm nhưng không dẫn tới chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
– Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 24, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP);
– Phạt tiền từ 4 – 8 triệu đồng với trường hợp lập hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ sai thời điểm quy định bởi pháp luật.
Từ việc nhận biết được sự quan trọng của việc phải tuân thủ xuất hóa đơn đúng thời điểm doanh nghiệp cần hiểu rõ bất kỳ giao dịch nào từ phía bên đối tác đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Không nên đánh giá thấp bất kỳ một việc nào không tuân thủ khi chưa xác định rõ rủi ro của việc đó. Ví như vấn đề về hóa đơn, việc bên cung cấp lẫn bên sử dụng sản phẩm/dịch vụ đều giám sát thực hiện tốt điều sẽ giúp giảm rủi ro không đáng có về thuế cho cả hai bên.