Thông tư 31-2021-TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/5/2021, có hiệu lực từ ngày 02/07/2021, theo đó:
🔸 Đánh giá phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế;
🔸 Giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.
Dưới đây những điểm mà các doanh nghiệp cần nắm rõ và có kế hoặc để tránh bị phân loại vào các trướng hợp rủi ro cao.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng #
Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp, bao gồm: Thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin liên quan đến người nộp thuế phục vụ quản lý rủi ro; Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế; Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế.
Đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế; Cơ quan thuế; Công chức thuế; Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế.
Phạm vi quy định bao quát, rộng #
Trong đó, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.
Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế thực hiện: Quyết định kiểm tra, thanh tra, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp; Xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.
Ban hành tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế #
Nội dung Thông tư quy định công khai các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế (không ban hành dưới chế độ mật như đã thực hiện trước đây do bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong quản lý thuế không thuộc danh mục văn bản mật của Bộ Tài chính).
Bên cạnh đó, cơ quan thuế (Tổng cục Thuế) có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí nhằm thực hiện mục tiêu giúp cho cơ quan thuế triển khai công tác quản lý rủi ro được linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý thuế trong từng thời kỳ; góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết cho cơ quan quản lý cấp bộ.
Việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế và kết quả xếp hạng người nộp thuế là một trong những tiêu chí phân tích rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế. Kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau.
Khái quát về các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, rủi ro người nộp thuế #
Liên quan đến phân tích rủi ro, phân loại rủi ro để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, Thông tư hướng dẫn phân tích rủi ro dựa vào việc: đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT trong các nghiệp vụ quản lý thuế. Căn cứ kết quả đánh giá mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro này của người nộp thuế để đánh giá và phân loại mức độ rủi ro tổng thể về người nộp thuế. Từ đó cơ quan thuế có biện pháp quản lý thuế phù hợp. Cụ thể:
Thứ nhất, nhóm tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế: chủ yếu dựa trên việc phân tích về tính tuân thủ khi kê khai hồ sơ khai thuế, nộp thuế có đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn hay không.
Thứ hai, nhóm tiêu chí phân loại rủi ro người nộp thuế: cơ bản dựa trên việc đánh giá tổng thể các thông tin chung về hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế
Thứ ba, nhóm tiêu chí phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế theo các nghiệp vụ quản lý thuế: là nhóm các tiêu chí được đưa ra phù hợp với từng yêu cầu nghiệp vụ quản lý thuế theo từng địa bàn, từng thời kỳ khác nhau.
Theo đó, mức độ tuân thủ pháp luật thuế được quy định gồm 4 mức độ, gồm: Mức 1: Tuân thủ cao; Mức 2: Tuân thủ trung bình; Mức 3: Tuân thủ thấp; Mức 4: Không tuân thủ.
Đối với việc phân loại rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp theo 5 hạng, gồm: Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp; Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp; Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình; Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao; Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao.
Riêng đối với “Hạng 6. Người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng” quy định tại Thông tư số 204, đã được lược bỏ. Việc phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.
Quy định phân loại mức độ rủi ro Người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế theo 03 mức, gồm: Rủi ro cao; Rủi ro trung bình; Rủi ro thấp. Đối với quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ được áp dụng đối với từng nghiệp vụ quản lý thuế sẽ quy định cụ thể các biện pháp quản lý được áp dụng tương ứng với mức độ rủi ro, nhằm hướng tới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.