Cập nhật lúc 17/07/2024 - 10:08 pm
Ngành phần mềm được hưởng ưu đãi thuế đối với phần mềm là điều thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh, tuy nhiên cách áp dụng và chính sách cho mỗi loại hoạt động kinh doanh là khác nhau, do vậy việc áp dụng các ưu đãi đòi hỏi sự am hiểu kỹ lưỡng.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết đầy đủ cách xác định ưu đãi thuế đối với ngành phần mềm.
Thông tin
Chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam cho ngành phần mềm #
Ngành phần mềm tại Việt Nam đang được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ thông qua nhiều chính sách ưu đãi thuế. Những chính sách này nhằm thúc đẩy sự phát triển và cạnh tranh của ngành công nghiệp phần mềm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng hoạt động. Các ưu đãi thuế cụ thể bao gồm:
- Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Các doanh nghiệp phần mềm mới thành lập có thể được miễn thuế TNDN trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 4 năm đầu) và sau đó được giảm thuế trong những năm tiếp theo (50% trong 9 năm tiếp theo).
- Ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT): Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
- Ưu đãi đối với xuất khẩu: Sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm xuất khẩu được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%.
Áp dụng
Cách áp dụng ưu đãi thuế đối với phần mềm #
Doanh nghiệp kinh doanh phần mềm tự xác định hoạt động kinh doanh của mình thuộc loại hình nào: thương mại phần mềm, sản xuất phần mềm hay dịch vụ phần mềm. Dưới đây là cách xác định hoạt động kinh doanh thuộc trường hợp nào:
Cách xác định hoạt động sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi thuế #
Bấm vào từng mục chi tiết để xem hướng dẫn sau đây:
Căn cứ: Áp dụng Thông tư 16/2014/TT-BTTTT quy định về việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm:
Bước 1: Hiểu về Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 16/2014/TT-BTTT thì Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm 07 công đoạn sau:
1. Xác định yêu cầu, bao gồm một trong những tác nghiệp như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu.
2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một trong những tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm.
3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một trong những tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.
4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.
5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài đặt phần mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng; kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau bàn giao, bảo hành phần mềm; bảo trì phần mềm.
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm phần mềm; phát hành sản phẩm phần mềm.
Bước 2: Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm theo từng trường hợp cụ thể
Theo quy định tại Điều 6, Thông tư 16/2014/TT-BTTT thì các trường hợp đáp ứng các điều kiện sau đây được chấp nhận là sản xuất sản phẩm phần mềm:
1. Yêu cầu chung đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất sản phẩm phần mềm:
a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp. Đối với cá nhân: có mã số thuế cá nhân; có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm;
b) Sản phẩm phần mềm do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thuộc một trong các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đáp ứng được yêu cầu ở Khoản 1 Điều này, và hoạt động đó thuộc một hoặc nhiều trường hợp trong số các trường hợp sau:
a) Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn trong các công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Thông tư này đối với sản phẩm phần mềm nêu tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.
b) Hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có hoạt động thỏa mãn quy định tại Điểm a, Khoản này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.
c) Hoạt động thuộc công đoạn 6 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có các hoạt động thuộc đầy đủ cả 5 công đoạn từ 1 đến 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều 5 Thông tư này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.
Bước 1: Hiểu về Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm
Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 13/2020/TT-BTTT thì các công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm như sau:
1. Xác định yêu cầu, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng về phát triển sản phẩm phần mềm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; đề xuất, khảo sát, làm rõ yêu cầu đối với sản phẩm phần mềm; phân tích nghiệp vụ; xây dựng yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm phần mềm; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.
2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu (yêu cầu thuộc chức năng và không thuộc chức năng, các vấn đề cần được giải quyết); thiết lập bài toán phát triển; các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc của phần mềm, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.
3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.
4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.
5. Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả sản phẩm phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); đóng gói sản phẩm phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển khai cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất.
Bước 2: Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình
Áp dụng Điều 4, Thông tư 13/2020/TT-BTTT:
Điều 4. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình
1. Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
2. Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình quy định tại Khoản 1 Điều này được thể hiện bằng một hoặc nhiều tài liệu sau, tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện:
a) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Xác định yêu cầu: Mô tả ý tưởng về phương thức phát triển sản phẩm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; mô tả đề xuất, kết quả khảo sát, kết quả làm rõ, hoàn chỉnh yêu cầu đối với sản phẩm; mô tả phân tích chi tiết nghiệp vụ; mô tả yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm; mô tả nội dung tư vấn điều chỉnh quy trình; biên bản thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, mô tả khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
b) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Phân tích và thiết kế: Mô tả yêu cầu; mô tả bài toán phát triển; mô tả các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, liệt kê các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô tả mô hình dữ liệu, mô hình chức năng, mô hình luồng thông tin; mô tả giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm, thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần của phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
c) Tài liệu chứng minh tùng tác nghiệp của công đoạn Lập trình, viết mã lệnh: Một số đoạn mã nguồn chính thể hiện doanh nghiệp có viết mã lệnh phần mềm; mô tả hệ thống phần mềm đã được tích hợp; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
d) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm: Kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; mô tả kết quả thử nghiệm phần mềm, kết quả kiểm thử hệ thống phần mềm, kết quả kiểm thử chức năng phần mềm, kết quả thẩm định chất lượng phần mềm; mô tả đánh giá khả năng gây lỗi; mô tả kết quả kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác nhận phần mềm đáp ứng yêu cầu của khách hàng; biên bản nghiệm thu phần mềm; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
đ) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm: Giới thiệu đầy đủ về sản phẩm phần mềm; hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), hướng dẫn sử dụng sản phẩm sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); bản sao chứng nhận đăng ký mẫu mã (nếu có); bản sao chứng nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (nếu có); hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
e) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo hành, bảo trì sản phẩm: Biên bản hoặc hợp đồng chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); mô tả kết quả cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); nội dung đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); mô tả hoạt động kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).
Không phải tất cả mọi loại thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm đều được hưởng ưu đãi, mà thu nhập được miễn giảm thuế là thu nhập như sau: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực: sản xuất sản phẩm phần mềm.
Như vậy, cần làm rõ “Thế nào là dự án đầu tư mới?”
a) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP là:
– Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ nhất từ ngày 01/01/2014 và phát sinh doanh thu của dự án đó từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
– Dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ ngày 01/01/2014.
– Dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/01/2014 nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh doanh thu và được cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ ngày 01/01/2014 của dự án đó.
– Dự án đầu tư độc lập với dự án doanh nghiệp đang hoạt động (kể cả trường hợp dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện) có Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 01/01/2014 để thực hiện dự án đầu tư độc lập này.
b) Trường hợp doanh nghiệp có điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư của dự án đã đi vào hoạt động mà không thay đổi điều kiện đang được hưởng ưu đãi thì thu nhập của hoạt động điều chỉnh, bổ sung tiếp tục được hưởng ưu đãi của dự án trước khi điều chỉnh, bổ sung trong thời gian còn lại hoặc ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng nếu đáp ứng điều kiện ưu đãi theo quy định.
c) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện đầu tư mới không bao gồm các các trường hợp sau:
– Dự án đầu tư hình thành từ việc: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Dự án đầu tư hình thành từ việc chuyển đổi chủ sở hữu (bao gồm cả trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới nhưng vẫn kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, mua lại dự án đầu tư đang hoạt động).
Doanh nghiệp thành lập hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư từ việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất trong thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
d) Đối với doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư chỉ áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng sự thay đổi đó không làm thay đổi việc đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế theo quy định thì doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại.
Cách xác định hoạt động dịch vụ phần mềm được hưởng ưu đãi thuế #
Cách xác định hoạt động nào là hoạt động dịch vụ phần mềm
Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin 2006: “Phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định. “
Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP: “Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.”
Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP:
“3. Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:
a) Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;
b) Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;
e) Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;
d) Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;
đ) Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;
e) Dịch vụ tích hợp hệ thống;
g) Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;
h) Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;
i) Các dịch vụ phần mềm khác.”
- Trường hợp Công ty cung cấp các dịch vụ phần mềm theo quy định tại Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Trường hợp Công ty cung cấp các dịch vụ không đáp ứng điều kiện tại Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Thực hiện
Trình tự cần thực hiện để hưởng các ưu đãi thuế đối với kinh doanh phần mềm #
Để tận dụng các ưu đãi thuế này, các doanh nghiệp phần mềm cần thực hiện một số bước sau:
- Kiểm tra để được hưởng ưu đãi: Đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi thuế. Điều này bao gồm việc kiểm tra các quy định hiện hành và xem xét ngành nghề kinh doanh có phù hợp với các điều kiện hưởng ưu đãi.
- Chuẩn bị hồ sơ có cần thiết: Thu thập và chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ cần thiết để nộp cho cơ quan thuế. Điều này bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và các tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh phần mềm.
- Cập nhật hệ thống kế toán: Điều chỉnh hệ thống kế toán của doanh nghiệp để phản ánh phù hợp các yêu cầu của kế toán đối với hoạt động kinh doanh phần mềm, như là quản lý riêng hoạt động chịu thuế/không chịu thuế, quản lý riêng hoạt động có thuế suất thông thường/xuất khẩu phần mềm 0%… Điều này là bắt buộc khi trình bày báo cáo để được hưởng ưu đãi thuế và giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và báo cáo thuế hàng tháng/quý/năm.
FAQ
Câu hỏi thường gặp về ưu đãi thuế đối với phần mềm #
Trả lời của Cổng thông tin điện tử Chính Phủ về xác định sản xuất phần mềm (29/04/2021)
Câu hỏi:
Công ty tôi thành lập tháng 10/2020, ngành nghề chính là lập trình máy vi tính. Hoạt động chủ yếu gồm mô hình hóa dữ liệu và tạo ra sơ đồ quan hệ thực thể mô tả cấu trúc và quan hệ dữ liệu dưới dạng hình vẽ; cung cấp các mẫu ví dụ chính trong chương trình; cung cấp các test scripts. Căn cứ Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình, tôi hiểu rằng các hoạt động trên của công ty thuộc công đoạn phân tích và thiết kế, lập trình viết mã lệnh và kiểm tra thử nghiệm phần mềm. Do đó hoạt động này được xem là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình. Vậy, cách hiểu của tôi có đúng không? Để chứng minh cho các hoạt động này, công ty tôi có phải cung cấp tất cả tài liệu tương ứng từng công đoạn không, hay chỉ một trong các tài liệu được nêu?
Trả lời:
Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời vấn đề này như sau:Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình quy định: “Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư này”.
Căn cứ quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế.
Điều 2 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT quy định: “Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Căn cứ quy định này, sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp phải thuộc danh mục quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử.
Về việc chứng minh cho các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình, doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà doanh nghiệp đã thực hiện để chứng minh cho hoạt động sản xuất phần mềm của doanh nghiệp.
Các tài liệu cần xây dựng được quy định cụ thể tại các Điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT.
Ví dụ: Đối với công đoạn Phân tích và thiết kế, nếu doanh nghiệp thực hiện tác nghiệp “mô hình hóa dữ liệu”, thì doanh nghiệp cần xây dựng tài liệu mô tả tác nghiệp “mô hình hóa dữ liệu”.
Trong tài liệu/hồ sơ, doanh nghiệp nêu rõ/phân loại sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp theo Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm kế toán, doanh nghiệp cần nêu rõ sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp là Phần mềm kế toán có số thứ tự 1.2.2.03 trong Phụ lục số 01 của Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.
Như vậy, trả lời của Cổng thông tin Chính phủ là đồng nhất với quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BTTTT “doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế”
Doanh nghiệp sản xuất phần mềm có cần xin xác nhận của Sở TTTT để chứng minh sản xuất phần mềm hay không?
Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT, Thông tư 13/2020/TT-BTTTT đã đưa ra tiêu chí và cách xác định hoạt động sản xuất phần mềm. Thông tư không quy định các cơ quan thông tin và truyền thông phải cấp xác nhận về hoạt động sản xuất phần mềm.
Văn bản cấp cao hơn làm căn cứ để ban hành các Thông tư trên của Bộ TTTT là Nghị định số 218/2013/NĐ-CP cũng không quy định các cơ quan thông tin và truyền thông phải cấp xác nhận này.
2 Thông tư trên của Bộ TTTT quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phần mềm “tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ khai báo liên quan cũng như việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm của mình”.
Như vậy, trách nhiệm giải trình hoạt động sản xuất phần mềm thuộc về doanh nghiệp. Cơ quan thuế căn cứ vào các Thông tư của Bộ TTTT để thẩm tra hồ sơ của doanh nghiệp.
Để giải trình với cơ quan thuế về các hoạt động sản xuất phần mềm của mình, doanh nghiệp căn cứ vào 2 Thông tư nêu trên.
Lập trình website có được coi là sản xuất phần mềm?
Tùy trường hợp !
Vẫn áp dụng theo quy định như hướng dẫn nêu trên, nếu hoạt động lập trình website đáp ứng 3 điều kiện về sản xuất phần mềm thì được coi là sản xuất phần mềm.
Thông tư của Bộ TTTT quy định: Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đề xuất ưu đãi thuế cho hoạt động sản xuất phần mềm và tự xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình.
Có phải doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng sản xuất phần mềm thì hoạt động đó được nhiên được coi là sản xuất phần mềm?
Không !
Cho dù hợp đồng ký kết với khách hàng là “Hợp đồng sản xuất phần mềm” nhưng công việc thực tế không đáp ứng 3 điều kiện nêu trên, thì vẫn không được coi là sản xuất phần mềm.
Việc tuân thủ các quy định và thực hiện đúng quy trình không chỉ giúp bạn tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần vào sự minh bạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Thực hiện các điều trên là không dễ dàng với doanh nghiệp, giải pháp hữu hiệu là sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp: Hợp tác với chuyên gia tài chính kế toán và thuế để đảm bảo bạn thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các quy định pháp luật.
Xem chi tiết thông tin về dịch vụ của chúng tôi tại bài viết