Kho nội dung hữu ích

Kiến thức Quản lý doanh nghiệp

Cập nhật: 14/07/2024

Thời gian đọc: 28 min

Cẩm nang | Hướng dẫn xác định hoạt động sản xuất phần mềm để được hưởng ưu đãi thuế TNDN

  • Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực phần mềm được hưởng ưu đãi thuế đối với phần mềm là điều thuận lợi đối với kinh doanh, tuy nhiên việc áp dụng ưu đãi thuế đối với phần mềm chứa đựng nhiều rủi ro có thể dẫn đến những hậu quả lớn.
  • Để làm rõ và an tâm áp dụng các ưu đãi thuế đối với phần mềm, sau đây là hướng dẫn cách xác định thế nào là hoạt động sản xuất phần mềm một cách đầy đủ nhất.
Cách xác định thế nào là sản xuất phần mềm

Nguyên tắc xác định hoạt động sản xuất phần mềm nhằm mục đích hưởng ưu đãi thuế

Thuật ngữ “SẢN XUẤT PHẦN MỀM” là thuật ngữ thông dụng để chỉ hoạt động sản xuất phần mềm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ pháp lý, áp dụng thuật ngữ “SẢN XUẤT SẢN PHẨM PHẦN MỀM”. Trong phạm vi bài viết này, thuật ngữ “sản xuất phần mềm” và “sản xuất sản phầm phần mềm” được hiểu như nhau.

Để xác định một hoạt động liên quan đến phần mềm của doanh nghiệp là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và do đó được hưởng ưu đãi thuế, hoạt động đó cần phải  đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện  sau đây:

Điều kiện 1: Điều kiện chung về đăng ký kinh doanh của tổ chức sản xuất phần mềm

Doanh nghiệp sản xuất phần mềm phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trường hợp thành lập theo luật đầu tư giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Doanh nghiệp phải có ngành nghề kinh doanh thích hợp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm theo hệ thống mã ngành quốc gia đăng ký kinh doanh.

Điều kiện 2: Sản phẩm phần mềm phải thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông

Sản xuất sản phẩm phần mềm phải thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông

Điều kiện 3: Quy trình sản xuất phần mềm phải thỏa mãn quy định về Số công đoạn thực hiện

Một quy trình sản xuất phần mềm hoàn chỉnh bao gồm 7 công đoạn sau đây:

  • Công đoạn 1: Xác định yêu cầu
  • Công đoạn 2: Phân tích và thiết kế
  • Công đoạn 3: Lập trình, viết mã lệnh
  • Công đoạn 4: Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm
  • Công đoạn 5: Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm
  • Công đoạn 6: Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm
  • Công đoạn 7: Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm

Việc xác định một hoạt động có phải là hoạt động sản xuất phần mềm hay không, cần áp dụng đúng quy định tại thời điểm cụ thể, quy định đó quy định cần thực hiện tối thiểu những công đoạn nào thì được pháp luật xem là “sản xuất sản phẩm phần mềm”.

Cách xác định hoạt động sản xuất phần mềm

Cách xác định hoạt động sản xuất phần mềm tổng quát:
  • Giai đoạn trước ngày 18/08/2020 áp dụng quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT: Yêu cầu về công đoạn đối với sản xuất sản phẩm phần mềm là Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn trong các công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm (2. Phân tích và thiết kế; 3. Lập trình, viết mã lệnh; 4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm). 
  • Giai đoạn từ ngày 19/08/2020 đến nay áp dụng Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT: Yêu cầu về công đoạn đối với sản xuất sản phẩm phần mềm là doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn : Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế.
Nếu vẫn còn thắc mắc liên quan mời các bạn tham khảo dịch vụ tư vấn thuế của Expertis để được các chuyên gia hỗ trợ!
Các trường hợp chi tiết xem hướng dẫn sau

Căn cứ: Áp dụng Thông tư 16/2014/TT-BTTTT quy định về việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm:

Bước 1: Hiểu về Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm

Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 16/2014/TT-BTTT thì Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm 07 công đoạn sau:

1. Xác định yêu cầu, bao gồm một trong những tác nghiệp như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu.

2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một trong những tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm.

3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một trong những tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.

4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.

5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài đặt phần mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng; kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau bàn giao, bảo hành phần mềm; bảo trì phần mềm.

7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm phần mềm; phát hành sản phẩm phần mềm.

Bước 2: Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm theo từng trường hợp cụ thể

Theo quy định tại Điều 6, Thông tư 16/2014/TT-BTTT thì các trường hợp đáp ứng các điều kiện sau đây được chấp nhận là sản xuất sản phẩm phần mềm:

1. Yêu cầu chung đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất sản phẩm phần mềm:

a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp. Đối với cá nhân: có mã số thuế cá nhân; có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm;

b) Sản phẩm phần mềm do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thuộc một trong các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đáp ứng được yêu cầu ở Khoản 1 Điều này, và hoạt động đó thuộc một hoặc nhiều trường hợp trong số các trường hợp sau:

a) Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn trong các công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Thông tư này đối với sản phẩm phần mềm nêu tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.

b) Hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có hoạt động thỏa mãn quy định tại Điểm a, Khoản này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.

c) Hoạt động thuộc công đoạn 6 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có các hoạt động thuộc đầy đủ cả 5 công đoạn từ 1 đến 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều 5 Thông tư này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.

Căn cứ: Áp dụng Thông tư 13/2020/TT-BTTTT quy định quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình

Bước 1: Hiểu về Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm

Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 13/2020/TT-BTTT thì các công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm như sau:

1. Xác định yêu cầu, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng về phát triển sản phẩm phần mềm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; đề xuất, khảo sát, làm rõ yêu cầu đối với sản phẩm phần mềm; phân tích nghiệp vụ; xây dựng yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm phần mềm; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.

2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu (yêu cầu thuộc chức năng và không thuộc chức năng, các vấn đề cần được giải quyết); thiết lập bài toán phát triển; các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc của phần mềm, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.

3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.

4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.

5. Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả sản phẩm phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); đóng gói sản phẩm phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển khai cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).

7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất.

Bước 2: Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình

Áp dụng Điều 4, Thông tư 13/2020/TT-BTTT:

Điều 4. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình

1. Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình quy định tại Khoản 1 Điều này được thể hiện bằng một hoặc nhiều tài liệu sau, tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện:

a) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Xác định yêu cầu: Mô tả ý tưởng về phương thức phát triển sản phẩm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; mô tả đề xuất, kết quả khảo sát, kết quả làm rõ, hoàn chỉnh yêu cầu đối với sản phẩm; mô tả phân tích chi tiết nghiệp vụ; mô tả yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm; mô tả nội dung tư vấn điều chỉnh quy trình; biên bản thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, mô tả khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

b) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Phân tích và thiết kế: Mô tả yêu cầu; mô tả bài toán phát triển; mô tả các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, liệt kê các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô tả mô hình dữ liệu, mô hình chức năng, mô hình luồng thông tin; mô tả giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm, thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần của phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

c) Tài liệu chứng minh tùng tác nghiệp của công đoạn Lập trình, viết mã lệnh: Một số đoạn mã nguồn chính thể hiện doanh nghiệp có viết mã lệnh phần mềm; mô tả hệ thống phần mềm đã được tích hợp; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

d) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm: Kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; mô tả kết quả thử nghiệm phần mềm, kết quả kiểm thử hệ thống phần mềm, kết quả kiểm thử chức năng phần mềm, kết quả thẩm định chất lượng phần mềm; mô tả đánh giá khả năng gây lỗi; mô tả kết quả kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác nhận phần mềm đáp ứng yêu cầu của khách hàng; biên bản nghiệm thu phần mềm; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

đ) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm: Giới thiệu đầy đủ về sản phẩm phần mềm; hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), hướng dẫn sử dụng sản phẩm sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); bản sao chứng nhận đăng ký mẫu mã (nếu có); bản sao chứng nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (nếu có); hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.

e) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công đoạn Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo hành, bảo trì sản phẩm: Biên bản hoặc hợp đồng chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); mô tả kết quả cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); nội dung đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); mô tả hoạt động kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).

FAQ - Câu hỏi thường gặp - Trường hợp đặc biệt

Doanh nghiệp cần chuẩn bị các thông tin cần thiết sau:

  1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép kinh doanh có giá trị tương đương, chứng minh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hợp pháp.
  2. Chỉ rõ cho cơ quan thuế là sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo Thông tư 09/2013/TT-BTTTT.
  3. Cung cấp các các thông tin, bằng chứng để thuyết minh hoạt động sản xuất phần mềm của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Thông tư 16/2014/TT-BTTTT (Từ ngày 18/08/2020 về trước) hoặc Thông tư 13/2020/TT-BTTTT (Từ ngày 19/08/2020).

Tùy trường hợp !

Vẫn áp dụng theo quy định như hướng dẫn nêu trên, nếu hoạt động lập trình website đáp ứng 3 điều kiện về sản xuất phần mềm thì được coi là sản xuất phần mềm.

Thông tư của Bộ TTTT quy định: Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đề xuất ưu đãi thuế cho hoạt động sản xuất phần mềm và tự xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình.

Tham khảo thêm bài trả lời của Báo Chính Phủ về vấn đề này

Gia công phần mềm nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện & quy trình sản xuất phần mềm cũng được hưởng các ưu đãi về thuế GTGT, thuế TNDN theo đúng quy định.

Doanh nghiệp cần xác định hoạt động gia công của mình đáp ứng các điều kiện để xác định là hoạt động sản xuất phần mềm như hướng dẫn nêu trên để được hưởng ưu đãi thuế.

Cho thuê phần mềm là cho thuê bản quyền phần mềm máy tính không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định, do đó hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.

Tham khảo công văn 10684/CT-TTHT 

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 10684/CT-TTHT
V/v thuế GTGT đối với phần mềm và dịch vụ phần mềm

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty cổ phần tập đoàn Công nghệ CMC
(Đ/c: Tầng 17, CMC Tower, 11 Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội – MST: 0100244112)

Trả lời công văn số 33/CV-CMC ngày 08/3/2018 của Công ty cổ phần tập đoàn Công nghệ CMC (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

– Căn cứ Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin:

+ Tại Điều 3 quy định như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.

10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.

…’

+ Tại Điều 9 quy định về các loại sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm như sau:

“2. Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:

a) Phần mềm hệ thống;

b) Phần mềm ứng dụng;

c) Phần mềm tiện ích;

d) Phần mềm công cụ.

đ) Các phần mềm khác.

3. Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:

a) Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;

b) Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;

e) Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;

d) Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;

đ) Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;

e) Dịch vụ tích hợp hệ thống;

g) Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;

h) Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;

i) Các dịch vụ phần mềm khác.”

– Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/3/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

+ Tại Khoản 21 Điều 4 quy định về đối tượng không chịu thuế gồm:

“…

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.

+ Tại Điều 11 quy định về thuế suất thuế GTGT 10% như sau:

“Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

…”

Căn cứ các quy định trên, do đơn vị không cung cấp hồ sơ cụ thể, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời nguyên tắc như sau:

– Trường hợp Công ty bán các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định tại Điều 3 và Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ nêu trên, nếu các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm là phần mềm máy tính theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

– Trường hợp Công ty cho thuê bản quyền phần mềm máy tính không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ thì hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.

Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, đối chiếu với quy định tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp còn vướng mắc đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 4 – Cục Thuế TP Hà Nội để được giải đáp.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời Công ty được biết để thực hiện./.

 


Nơi nhận:
– Như trên;
– Phòng KT4;
– Phòng Pháp chế;
– Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT, Thông tư 13/2020/TT-BTTTT đã đưa ra tiêu chí và cách xác định hoạt động sản xuất phần mềm. Thông tư không quy định các cơ quan thông tin và truyền thông phải cấp xác nhận về hoạt động sản xuất phần mềm.

Văn bản cấp cao hơn làm căn cứ để ban hành các Thông tư trên của Bộ TTTT  là Nghị định số 218/2013/NĐ-CP cũng không quy định các cơ quan thông tin và truyền thông phải cấp xác nhận này.

2 Thông tư trên của Bộ TTTT quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phần mềm “tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ khai báo liên quan cũng như việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm của mình”.

Như vậy, trách nhiệm giải trình hoạt động sản xuất phần mềm thuộc về doanh nghiệp. Cơ quan thuế căn cứ vào các Thông tư của Bộ TTTT để thẩm tra hồ sơ của doanh nghiệp.

Để giải trình với cơ quan thuế về các hoạt động sản xuất phần mềm của mình, doanh nghiệp căn cứ vào 2 Thông tư nêu trên.

Câu hỏi:

Công ty tôi thành lập tháng 10/2020, ngành nghề chính là lập trình máy vi tính. Hoạt động chủ yếu gồm mô hình hóa dữ liệu và tạo ra sơ đồ quan hệ thực thể mô tả cấu trúc và quan hệ dữ liệu dưới dạng hình vẽ; cung cấp các mẫu ví dụ chính trong chương trình; cung cấp các test scripts. Căn cứ Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình, tôi hiểu rằng các hoạt động trên của công ty thuộc công đoạn phân tích và thiết kế, lập trình viết mã lệnh và kiểm tra thử nghiệm phần mềm. Do đó hoạt động này được xem là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình. Vậy, cách hiểu của tôi có đúng không? Để chứng minh cho các hoạt động này, công ty tôi có phải cung cấp tất cả tài liệu tương ứng từng công đoạn không, hay chỉ một trong các tài liệu được nêu?
 Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời vấn đề này như sau: Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình quy định: “Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư này”.

Căn cứ quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế.

Điều 2 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT quy định: “Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Căn cứ quy định này, sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp phải thuộc danh mục quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử.

Về việc chứng minh cho các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình, doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà doanh nghiệp đã thực hiện để chứng minh cho hoạt động sản xuất phần mềm của doanh nghiệp.

Các tài liệu cần xây dựng được quy định cụ thể tại các Điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT.

Ví dụ: Đối với công đoạn Phân tích và thiết kế, nếu doanh nghiệp thực hiện tác nghiệp “mô hình hóa dữ liệu”, thì doanh nghiệp cần xây dựng tài liệu mô tả tác nghiệp “mô hình hóa dữ liệu”.

Trong tài liệu/hồ sơ, doanh nghiệp nêu rõ/phân loại sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp theo Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.

Ví dụ: Nếu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm kế toán, doanh nghiệp cần nêu rõ sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp là Phần mềm kế toán có số thứ tự 1.2.2.03 trong Phụ lục số 01 của Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.

Như vậy, trả lời của Cổng thông tin Chính phủ là đồng nhất với quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BTTTT “doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế”

http://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Hieu-the-nao-la-doanh-nghiep-san-xuat-phan-mem/29271.vgp

Không !

Cho dù hợp đồng ký kết với khách hàng là “Hợp đồng sản xuất phần mềm” nhưng công việc thực tế không đáp ứng 3 điều kiện nêu trên, thì vẫn không được coi là sản xuất phần mềm.

Tra cứu các quy định pháp luật liên quan đến việc xác định sản xuất phần mềm

Việc tuân thủ các quy định và thực hiện đúng quy trình không chỉ giúp bạn tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần vào sự minh bạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Thực hiện các điều trên là không dễ dàng với doanh nghiệp, giải pháp hữu hiệu là sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp: Hợp tác với chuyên gia tài chính kế toán và thuế để đảm bảo bạn thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các quy định pháp luật.

Xem chi tiết thông tin về dịch vụ của chúng tôi tại bài viết

Dịch vụ kế toán và tư vấn thuế.

Tag #

Gặp Chuyên gia​ ngay

Giúp bạn hiểu đúng vấn đề trước khi quyết định giải pháp.

Bạn cần Giải pháp

Chúng tôi sẵn sàng đồng hành để bạn hiểu đúng và làm đúng.

Tự do khám phá

Trải nghiệm theo cách của bạn ! Truy cập kho kiến thức
Đăng ký
TƯ VẤN NGAY

21 năm tư vấn chuyên sâu về quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam!

Chúng tôi sẽ tư vấn giải đáp các câu hỏi của bạn và đề xuất giải pháp một cách cặn kẽ, phù hợp nhất với nhu cầu và mục tiêu của bạn.