Cẩm nang này cung cấp hiểu biết tổng quan về hệ thống thuế hiện hành áp dụng tại Việt Nam. Cẩm nang này hướng dẫn mang tính tổng quát nhất cho sự hiểu biết tổng quát cho cấp quản lý doanh nghiệp.
Việc áp dụng các quy định có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp và bản chất của từng giao dịch cụ thể, do vậy vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn áp dụng vào từng trường hợp cụ thể.
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam sẽ phải tuân thủ và nộp các loại thuế dưới đây. Xét về bản chất các loại thuế này chúng tôi chia ra làm 3 nhóm như sau:
Đối với một doanh nghiệp kinh doanh thông thường, các loại thuế mà doanh nghiệp phải kê khai và nộp theo mức độ phát sinh là: Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nộp thuế môn bài, hay là lệ phí môn bài, là loại thuế gắn liền với việc được cấp phép kinh doanh và thu mỗi năm 1 lần.
Dưới đây là các nội dung mà người quản lý doanh nghiệp cần biết về các loại thuế này:
Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Phạm vi áp dụng
Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa và dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước phải tính thuế GTGT trên giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra.
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
Các trường hợp này, doanh nghiệp không phải kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra trong khi thuế GTGT đầu vào có liên quan vẫn được khấu trừ. Những trường hợp thường gặp bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam và dịch vụ được thực hiện tại nước ngoài, bao gồm: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại ra nước ngoài; môi giới bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, đào tạo, một số dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế.
- Doanh nghiệp bán sản phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp ở khâu thương mại chưa được chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua khâu sơ chế thông thường;
- Doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động (i) đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của các dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy; và (ii) đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; và (iii) đại lý bảo hiểm;
- Doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Đối tượng không chịu thuế GTGT
Những loại hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT doanh nghiệp thường gặp bao gồm:
- Chuyển quyền sử dụng đất (“QSDĐ”)
- Dịch vụ y tế; Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật;
- Dạy học, dạy nghề;
- Chuyển giao công nghệ, phần mềm và dịch vụ phần mềm, ngoại trừ phần mềm xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%;
- Thiết bị, máy móc, vật tư trong nước chưa sản xuất được được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
Thuế suất thuế giá trị gia tăng
Có ba mức thuế suất thuế GTGT như sau:
- Thuế suất 0%: áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, bao gồm cả hàng hóa bán vào khu phi thuế quan và doanh nghiệp chế xuất hàng gia công chuyển tiếp hoặc xuất khẩu tại chỗ (theo quy định), hàng hóa bán cho cửa hàng miễn thuế, một số dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng và lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất, dịch vụ hàng không, hàng hải và vận tải quốc tế.
- Thuế suất 5%: thường áp dụng cho các ngành đặc thù được nhà nước ưu tiên nước sạch; dụng cụ giảng dạy; sách; thực phẩm chưa qua chế biến; thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thực phẩm chăn nuôi; một số sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ khoa học và công nghệ; mủ cao su sơ chế, đường và các phụ phẩm; một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và nhà ở xã hội.
- Thuế suất 10%: là mức thuế suất “phổ thông” áp dụng cho các đối tượng chịu thuế GTGT nhưng không được hưởng mức thuế suất 0% hoặc 5%.
Lưu ý: Nếu không xác định được một mặt hàng thuộc loại hàng hóa nào theo biểu thuế quy định, thì doanh nghiệp phải tính và nộp thuế GTGT theo mức thuế suất cao nhất cho loại hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp.
Cách tính thuế GTGT đầu ra
Thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế (chưa bao gồm thuế) nhân với thuế suất thuế GTGT tương ứng.
Cách tính thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định dựa trên hóa đơn thuế GTGT mua hàng hóa, dịch vụ.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định dựa trên chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu. Thuế GTGT đầu vào nộp thay cho các NTNN (theo chế độ thuế NTNN) cũng được khấu trừ khi tính thuế.
Lưu ý: Thuế GTGT đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ có trị giá từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ khi có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Khi doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào còn Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ hưởng thuế suất thuế GTGT 0% hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Trong trường hợp một doanh nghiệp vừa có doanh thu chịu thuế GTGT và doanh thu không chịu thuế GTGT, thì doanh nghiệp đó chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của phần hàng hóa hoặc dịch vụ mua vào được sử dụng trong hoạt động chịu thuế GTGT.
Thời hạn khai thuế và nộp thuế GTGT
Thời hạn khai thuế cũng chính là thời hạn nộp thuế nếu có số thuế GTGT phải nộp, thời hạn như sau:
- Đối với doanh nghiệp khai thuế GTGT theo tháng thì thời hạn chậm nhất là vào ngày thứ 20 của tháng kế tiếp
- Đối với doanh nghiệp khai thuế GTGT theo quý thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
Một số trường hợp đặc thù về kê khai, nộp thuếGTGT
Doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nhau nhưng các hoạt động này được hạch toán tập trung tại trụ sở chính, phải kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính, nhưng phân bổ và nộp số thuế phải nộp theo từng địa bàn cấp tỉnh tương ứng. Quy tắc phân bổ được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất
- Chuyển nhượng bất động sản
- Hoạt động xây dựng (chỉ áp dụng với thuế GTGT)
Thuế GTGT phải nộp phân bổ cho các đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố khác nhau là doanh thu trước thuế GTGT của cơ sở sản xuất tương ứng nhân với 2% (đối với hàng hóa chịu thuế GTGT 10%) hoặc 1% (đối với hàng hóa chịu thuế GTGT 5%).
Hoàn thuế GTGT
Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ có thể được hoàn trong một số trường hợp, như là:
- Doanh nghiệp xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết trên 300 triệu đồng.
- Dự án đầu tư mới của doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai khấu trừ đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động và có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết trên 300 triệu đồng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm: Thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hoặc dịch vụ, các thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN)x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển
- Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
Các xác định các thông số để tính thuế TNDN trong công thức nêu trên:
- Doanh thu: Doanh thu chịu thuế là toàn bộ số tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa. (Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT / Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là doanh thu bao gồm thuế GTGT.)
- Chi phí được trừ: Ngoại trừ những khoản chi phí mà luật thuế TNDN xác định là không được trừ thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng từng lần có giá trị từ 20 triệu trở lên (đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Các khoản thu nhập khác: Các khoản thu khác bao gồm: thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay, tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng, hàng cho biếu tặng…
- Thu nhập miễn thuế: Các khoản này thường rất ít gặp và chỉ dành cho một số doanh nghiệp đặc thù, ví dụ như là: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập từ dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa…; Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật; Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số;Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kết được hưởng ưu đãi thuế TNDN;Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) lần đầu của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải.
- Các khoản lỗ được kết chuyển: Sau khi doanh nghiệp quyết toán thuế hàng năm mà bị lỗ thì được chuyển toàn bộ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo sau năm phát sinh lỗ.
Thuế suất thuế TNDN
Mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20%.
Các trường hợp đặc biệt, như là: 32% đến 50% tùy theo từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng dự án với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam. 40% hoặc 50% tùy theo từng địa bàn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác một số tài nguyên quý hiếm.
Các khoản chi phí không được trừ
Mặc dù các khoản chi này thực tế có phát sinh, nhưng do có các quy định cụ thể không cho phép được trừ khi tính thuế TNDN, do đó DN không được trừ những khoản chi này, ví dụ như là:
- Chi khấu hao tài sản cố định vượt mức quy định hiện hành;
- Tiền lương, tiền công cho người lao động thực tế không chi trả hoặc không được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế tài chính của doanh nghiệp;
- Phúc lợi nhân viên (bao gồm một số phúc lợi cung cấp cho thân nhân của nhân viên) vượt mức một tháng lương bình quân. Chi bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn không bắt buộc cũng được xem là phúc lợi nhân viên;
- Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ cho người lao động;
- Các khoản trích lập quỹ nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ không theo quy định hiện hành;
- Khoản trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và các khoản chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động vượt quá quy định của Luật Lao động;
- Chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp ở nước ngoài phân bổ cho các cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức chi phí phân bổ theo doanh thu trong kỳ;
- Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp;
- Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh cho các đối tượng cá nhân, vượt quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
- Phần chi phí lãi vay vượt quá 30% tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, lãi vay và khấu hao đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
- Các khoản trích, lập và sử dụng dự phòng như dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ khó đòi, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, bảo hành sản phẩm, hàng hóa hoặc công trình xây lắp không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng;
- Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả cuối kỳ tính thuế;
- Các khoản chi tài trợ, ngoại trừ những khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, phục vụ nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, hoặc làm nhà tình nghĩa cho người nghèo có đủ hồ sơ xác định các khoản tài trợ. Lưu ý, các khoản đóng góp và tài trợ bằng tiền và hiện vật cho các hoạt động phòng chống Covid sẽ được khấu trừ cho mục đích thuế TNDN trong năm 2020 và 2021, với một số điều kiện nhất định;
- Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp;
- Các chi phí dịch vụ trả cho các bên liên kết không đủ điều kiện được trừ.
Đối với một số các doanh nghiệp như các doanh nghiệp bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, và xổ số kiến thiết, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN.
Các doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trước khi tính thuế TNDN. Cần thỏa mãn một số điều kiện để được trừ.
Kê khai và nộp thuếthu nhập doanh nghiệp
Việc kê khai thuế TNDN áp dụng dự trên các nguyên tắc sau đây:
- Tạm nộp hàng quý: Các doanh nghiệp phải tạm nộp thuế hàng quý theo ước tính. Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Nếu số thuế tạm nộp hàng quý thấp hơn quy định, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế cho phần thuế còn thiếu (0.03% / ngày), tính từ hạn nộp thuế quý 3.
- Quyết toán hàng năm: Việc quyết toán thuế TNDN được thực hiện hàng năm. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN và nộp thuế TNDN là ngày cuối cùng của tháng thứ ba kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, đối với DN có năm tài chính thông thường là theo năm dương lịch, thì thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế TNDN là ngày 31/03 hàng năm.
- Thay đổi năm tài chính: Năm tính thuế thông thường là năm dương lịch, tuy nhiên để thuận tiện trong việc quản lý, các DN có vốn nước ngoài thường có thay đổi năm tài chính. Trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tính thuế (nghĩa là năm tài chính) khác năm dương lịch thì phải thông báo với cơ quan quản lý thuế. Ví dụ như là:
- Anh, Ấn Độ, Canada, Hong Kong, Nhật Bản: Năm tài chính từ ngày 1/4 và kết thúc vào 31/3 năm kế tiếp.
- Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Việt Nam: năm tài chính trùng với năm dương lịch.
- Mỹ: Năm tài chính từ ngày 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm kế tiếp.
- Úc: Năm tài chính từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm kế tiếp.
Trường hợp người nộp thuế có cơ sở hạch toán phụ thuộc (ví dụ, chi nhánh) ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì, người nộp thuế cũng chỉ cần nộp hồ sơ khai thuế TNDN tại địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phải phân bổ số tiền thuế phải nộp cho các cơ quan thuế tương ứng ở các tỉnh nơi có các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Cơ sở để phân bổ số thuế phải nộp tại từng địa bàn được căn cứ vào tỷ lệ chi phí của từng cơ sở sản xuất trên tổng chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các đơn vị phụ thuộc hoặc địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN, doanh nghiệp cần phải xác định riêng (không phân bổ) số thuế TNDN phải nộp.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Một cách tổng quan, có thể nói việc ưu đãi thuế TNDN được áp dụng đối với dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư hoặc dự án có quy mô lớn và một số dự án đầu tư mở rộng nhất định.
Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng không bao gồm các dự án được hình thành từ việc sáp nhập hoặc tái cơ cấu.
Cơ sở để được hưởng ưu đãi là đáp ứng các tiêu chí theo các chính sách ưu đãi, ví dụ như là:
- Những lĩnh vực được Việt Nam khuyến khích đầu tư bao gồm giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất sản phẩm phần mềm và năng lượng tái tạo.
- Những địa bàn được khuyến khích đầu tư bao gồm khu kinh tế, khu công nghệ cao, một số khu công nghiệp và các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định.
- Những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản).
Mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau tùy theo dự án, ví dụ như là:
- Ưu đãi đầu tư đặc biệt dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như các dự án đầu tư có quy mô lớn được quy định theo Luật Đầu tư. Mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau tùy thuộc vào một số tiêu chí nhất định. Mức ưu đãi cao nhất bao gồm thuế suất ưu đãi 5% trong thời hạn 37 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% thuế TNDN trong 13 năm tiếp theo. Ngoài ra, tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng được miễn/giảm trong một khoản thời gian nhất định.
- Mức thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng trong thời hạn 15 năm và mức thuế suất ưu đãi 17% được áp dụng trong thời hạn 10 năm tính liên tục từ năm phát sinh doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế. Thời gian áp dụng ưu đãi có thể được gia hạn trong một số trường hợp cụ thể. Hết thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi, thuế suất thuế TNDN phổ thông sẽ được áp dụng. Thuế suất ưu đãi 15% được áp dụng cho một số lĩnh vực kinh doanh cho cả thời gian hoạt động. Một số lĩnh vực xã hội hóa (như giáo dục, y tế) được hưởng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động.
- Sản xuất phần mềm đáp ứng các tiêu chí được miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo kể từ năm có lợi nhuận hoặc nếu không có lợi nhuận thì năm áp dụng là năm thứ 4 kể từ năm thành lập. Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong 15 năm kể từ năm có doanh thu.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Trong phạm vi doanh nghiệp, chúng ta nói đến thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
Nguyên tắc tính thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
- Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn
Mức thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được chia làm 2 cách cho 2 nhóm đối tượng là: Đối tượng cư trú và Đối tượng không cư trú.
- Đối tượng cư trú là các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm tính thuế;
- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam (bao gồm có nơi ở được đăng ký trên thẻ thường trú/tạm trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế) và không thể chứng minh là đối tượng cư trú thuế ở nước khác.
Đối tượng cư trú có nghĩa vụ kê khai và tính thuế TNCN đối với mọi khoản thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài Việt Nam không phân biệt nơi trả hoặc nhận thu nhập (Phải kê khai thu nhập toàn cầu). Thu nhập từ tiền lương/tiền công của đối tượng cư trú chịu thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần (Xem bên dưới) với các mức thu nhập khác được tính thuế theo các mức thuế suất khác nhau.
Đối tượng không cư trú: là các cá nhân không đáp ứng điều kiện để trở thành đối tượng cư trú. Đối tượng không cư trú nộp thuế TNCN theo mức thuế suất 20% trên thu nhập từ tiền lương/tiền công liên quan đến Việt Nam.
Năm tính thuế
Năm tính thuế của Việt Nam là năm dương lịch. Tuy nhiên, trường hợp một cá nhân ở tại Việt Nam ít hơn 183 ngày trong năm dương lịch đầu tiên đến Việt Nam, năm tính thuế đầu tiên sẽ là 12 tháng liên tục tính từ ngày cá nhân đó đến Việt Nam lần đầu. Sau đó, năm tính thuế là năm dương lịch.
Thế nào là thu nhập từ tiền lương/tiền công
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương/tiền công bao gồm tất cả các khoản thù lao bằng tiền mặt và các lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, những khoản sau đây không phải chịu thuế:
- Khoán chi tiền công tác phí;
- Khoán chi tiền cước điện thoại, văn phòng phẩm;
- Trang phục (có định mức nếu được thanh toán bằng tiền mặt);
- Tiền lương ngoài giờ, làm việc ban đêm (phần thanh toán thêm trên mức tiền công bình thường, không phải là toàn bộ số tiền thanh toán cho việc làm thêm giờ/làm ca đêm);
- Trợ cấp một lần cho việc chuyển vùng: Từ Việt Nam đi ra nước ngoài đối với người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Đến Việt Nam đối với nhân viên nước ngoài đến Việt Nam làm việc; Đến Việt Nam đối với người Việt Nam cư trú dài hạn tại nước ngoài về Việt Nam làm việc.
- Phương tiện đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại;
- Tiền vé máy bay khứ hồi cho nhân viên nước ngoài và người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm 1 lần;
- Học phí đến bậc trung học tại Việt Nam (cho con người nước ngoài làm việc tại Việt Nam) / tại nước ngoài (cho con người Việt Nam làm việc ở nước ngoài);
- Đào tạo;
- Ăn giữa ca (có định mức nếu được thanh toán bằng tiền mặt);
- Một số lợi ích bằng hiện vật được sử dụng chung cho tập thể người lao động (ví dụ: phí hội viên, chi phí vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe);
- Tiền vé máy bay cho người lao động làm việc luân chuyển theo chu kỳ đặc thù của một số ngành (ví dụ: dầu khí, khai khoáng);
- Khoản đóng góp của người sử dụng lao động cho các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc ở Việt Nam và nước ngoài không có tích lũy về phí bảo hiểm (ví dụ: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn);
- Khoản tiền/hiện vật cho đám hiếu, hỷ (có định mức).
Có các điều kiện và định mức áp dụng đối với các khoản miễn thuế nói trên.
Một số khoản thu nhập khác mà không phải là thu nhập từ tiền lương/tiền công
Thu nhập ngoài tiền lương/tiền công chịu thuế bao gồm:
- Thu nhập từ kinh doanh (bao gồm thu nhập từ cho thuê nhà trên 100 triệu đồng/năm);
- Thu nhập từ đầu tư vốn (ví dụ: tiền lãi, cổ tức);
- Thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn;
- Thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản;
- Thu nhập từ thừa kế trên 10 triệu đồng;
- Thu nhập từ trúng thưởng/quà tặng trên 10 triệu đồng (không bao gồm thu nhập từ trúng thưởng casino);
- Thu nhập từ bản quyền/nhượng quyền thương mại/quyền sở hữu trí tuệ/quà tặng trên 10 triệu đồng.
Các khoản thu nhập không chịu thuế cần biết
Thu nhập không chịu thuế bao gồm:
- Tiền lãi nhận được từ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng/ngân hàng hoặc từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
- Tiền bồi thường được thanh toán theo các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ;
- Tiền lương hưu được thanh toán theo Luật Bảo hiểm xã hội (hoặc luật nước ngoài tương đương);
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa các thành viên trực tiếp trong gia đình;
- Tiền thừa kế/quà tặng giữa các thành viên trực tiếp trong gia đình;
- Tiền lương hưu hàng tháng được thanh toán theo các chế độ bảo hiểm tự nguyện;
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế;
- Thu nhập từ trúng thưởng trong các casino.
Khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài
Đối với đối tượng cư trú thuế có thu nhập phát sinh tại nước ngoài, tiền thuế TNCN đã trả ở nước ngoài trên phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài sẽ được trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam.
Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ vào thu nhập chịu thuế bao gồm:
- Các khoản giảm trừ bản thân người nộp thuế:
- Giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng;
- Giảm trừ cho người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc. Để được hưởng phần giảm trừ cho người phụ thuộc, người nộp thuế cần đăng ký người phụ thuộc đủ điều kiện để giảm trừ và cung cấp hồ sơ chứng minh cho cơ quan thuế.
- Các khoản đóng góp của người lao động theo chế độ bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp bắt buộc;
- Các khoản đóng góp theo các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong nước (có định mức);
- Các khoản đóng góp của người lao động vào một số tổ chức từ thiện được phê duyệt;
Mức thuế suất thuế TNCN
Đối tượng cư trú – thu nhập từ tiền lương/tiền công áp dụng mức như sau:
Thu nhập chịu thuế/năm (triệu đồng) | Thu nhập chịu thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất thuế TNCN |
0 – 60 | 0 – 5 | 5% |
60 – 120 | 5 – 10 | 10% |
120 – 216 | 10 – 18 | 15% |
216 – 384 | 18 – 32 | 20% |
384 – 624 | 32 – 52 | 25% |
624 – 960 | 52 – 80 | 30% |
Trên 960 | Trên 80 | 35% |
Đối tượng không cư trú áp dụng bảng sau:
Loại thu nhập chịu thuế | Thuế suất thuế TNCN |
Thu nhập từ tiền lương/tiền công | 20% |
Thu nhập từ kinh doanh | 1% – 5% (tùy loại hình kinh doanh) |
Tiền lãi (không bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng)/cổ tức | 5% |
Bán chứng khoán/chuyển nhượng vốn | 0,1% giá trị chuyển nhượng |
Chuyển nhượng bất động sản | 2% giá trị chuyển nhượng |
Thu nhập từ bản quyền | 5% |
Thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ nhượng quyền thương mại | 5% |
Thu nhập từ trúng thưởng | 10% |
Thu nhập từ nhận thừa kế/quà tặng | 10% |
Dành cho tham khảo: Đối tượng cư trú – thu nhập khác áp dụng bảng sau:
Loại thu nhập chịu thuế | Thuế suất thuế TNCN |
Thu nhập từ kinh doanh | 0,5%-5% (tùy loại hình kinh doanh) |
Tiền lãi (không bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng)/cổ tức | 5% |
Bán chứng khoán | 0,1% giá trị chuyển nhượng |
Chuyển nhượng phần vốn góp | 20% lợi nhuận thuần |
Chuyển nhượng bất động sản | 2% giá trị chuyển nhượng |
Thu nhập từ bản quyền | 5% |
Thu nhập từ nhượng quyền thương mại/quyền sở hữu trí tuệ | 5% |
Thu nhập từ trúng thưởng | 10% |
Thu nhập từ thừa kế/quà tặng | 10% |
Lệ phí môn bài
Thuế môn bài là một loại thuế thu hàng năm. Thuế môn bài doanh nghiệp căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mức thuế môn bài như sau:
STT | Căn cứ | Số tiền |
1 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng/năm |
2 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | 02 triệu đồng/năm |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 01 triệu đồng/năm |
Đây là các loại thuế mà khi có phát sinh giao dịch cụ thể thì doanh nghiệp phải thực hiện kê khai theo quy định, như là: Thuế nhà thầu nước ngoài; Thuế TNDN hoặc TNCN khi chuyển nhượng vốn.
Thuế nhà thầu nước ngoài (NTNN)
Thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng hay thỏa thuận với bên Việt Nam.
Thuế nhà thầu áp dụng cho một số khoản thanh toán bao gồm lãi tiền vay, tiền bản quyền, phí dịch vụ, tiền thuê, phí bảo hiểm, dịch vụ vận chuyển, hàng hóa cung cấp kèm theo dịch vụ thực hiện ở Việt Nam.
Một số loại giao dịch phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài và mức thuế thường gặp dưới đây:
- Lãi tiền vay: Lãi tiền vay trả cho các tổ chức nước ngoài
- Tiền bản quyền: tiền trả cho quyền sử dụng hoặc chuyển quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp), chuyển giao công nghệ hoặc phần mềm cho các tổ chức nước ngoài.
Hoạt động | Tỷ lệ thuế GTGT | Tỷ lệ thuế TNDN |
Dịch vụ | 5% | 5% |
Các dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn và casino | 5% | 10% |
Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị | 5% | 2% |
Xây dựng, lắp đặt bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm | 3% | 2% |
Vận chuyển | 3% | 2% |
Lãi tiền vay | 5% | |
Tiền bản quyền |
| 10% |
Bản quyền phần mềm máy tính, chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp) thuộc diện miễn thuế GTGT. Các loại hình bản quyền khác có thể phải chịu thuế GTGT
Thuế nhà thầu nước ngoài đối với hoạt động thương mại điện tử
Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định cơ chế khai thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số và kinh doanh khác tại Việt Nam mà không có cơ sở thường trú. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài sẽ được cấp mã số thuế và kê khai thuế tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (“TCT”) theo quý và nộp thuế qua mạng.
Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam thì các tổ chức, tổ chức và bên Việt Nam có trách nhiệm sau đây.
- Nếu khách hàng Việt Nam là doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh thì phải khấu trừ và kê khai thuế thay cho doanh nghiệp nước ngoài (tương tự như cơ chế thuế NTNN hiện hành).
- Nếu khách hàng Việt Nam là cá nhân thì ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được yêu cầu phải khấu trừ và kê khai thuế hàng tháng. Cơ quan thuế Việt Nam sẽ cung cấp tên và trang web của các doanh nghiệp nước ngoài này cho các ngân hàng và/hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để khấu trừ thuế.
- Trường hợp cá nhân sử dụng thẻ hoặc các phương thức thanh toán khác mà ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể khấu trừ được thì ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải theo dõi và báo cáo hàng tháng các khoản thanh toán cho doanh nghiệp nước ngoài với cơ quan thuế Việt Nam.
Thuế chuyển nhượng vốn
Đối với cá nhân chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần, áp dụng như sau:
- Các hoạt động chuyển nhượng vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh đều được coi là thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Theo đó người chuyển nhượng phải nộp 20% số tiền chênh lệch từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Do đó khi chuyển nhượng vốn góp ngang giá thành viên chuyển nhượng vốn góp sẽ không phải nộp thuế.
- Chuyển nhượng cổ phần (Niêm yết hoặc chưa niêm yết) thì việc chuyển nhượng cổ phần vẫn được coi là chuyển nhượng chứng khoán. Do đó người chuyển nhượng cổ phần phải nộp 0,1% tổng số tiền chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đã ký.
Đối với doanh nghiệp khi chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần (niêm yết hoặc chưa niêm yết) : áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 20% đối với thu nhập từ chuyển nhượng. Trong đó, thu nhập từ chuyển nhượng = Giá bán – Giá mua.
Các loại thuế phát sinh khi thực hiện một khâu cụ thể trong quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, như là: Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế tài nguyên; Thuế xuất nhập khẩu; Thuế bảo vệ môi trường.
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng.
Một số hàng hóa điển hình chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuốc lá; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền (sử dụng cho mục đích dân dụng); Xăng các loại; Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã.
Một số dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt điển hình như là: Kinh doanh vũ trường; Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke); Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược (bao gồm: Đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật); Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số.
Thuế tài nguyên
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm thuế tài nguyên. Tuy nhiên, thuế tài nguyên có thể được hiểu là một loại thuế gián thu mà cá nhân, tổ chức phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Đối tượng chịu thuế tài nguyên như sau:
- Khoáng sản kim loại.
- Khoáng sản không kim loại.
- Dầu thô.
- Khí thiên nhiên, khí than.
- Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật.
- Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.
- Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất.
- Yến sào thiên nhiên.
- Tài nguyên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Thuế xuất nhập khẩu
Thuế xuất nhập khẩu là loại thuế trên việc xuất nhập khẩu các loại hàng hóa được phép xuất, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Thuế xuất nhập khẩu được tính và nộp ngay tại khâu thông quan hàng hóa.
Thuế bảo vệ môi trường
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường phải nộp = Số lượng đơn vị hàng hoá tính thuế x Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hoá
Ví dụ như Túi ni lông thuộc diện chịu thuếcó mức thuế bảo vệ môi trường / kg là 50.000 đồng.
Giao dịch liên kết
Tổng quan
Nghị định 132/2020 NĐ-CP quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2020, áp dụng cho năm tài chính 2020 trở đi.
Nghị Định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết |
Quy định về giao dịch liên kết cũng áp dụng đối với các giao dịch liên kết thực hiện trong nội địa Việt Nam.
Cách các định có quan hệ liên kết
Checklist sau đây xác định Doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết hay không (Áp dụng từ năm 2020 trở đi):
Trường hợp | Quan hệ liên kết | Có / Không |
---|---|---|
a | Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia; | |
b | Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; | |
c | Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia; | |
d | Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay; | |
đ | Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai; | |
e | Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba; | |
g | Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; | |
h | Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài; | |
i | Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp; | |
k | Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia; | |
l | Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này. |
Phương pháp xác định giá giao dịch liên kết
Các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được chấp thuận tương tự với các phương pháp do Tổ chức OECD đề ra trong Hướng dẫn về Xác định giá Giao dịch liên kết cho các Doanh nghiệp Đa quốc gia và các Cơ quan Thuế, cụ thể là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp giá bán lại, phương pháp giá vốn cộng lãi, phương pháp phân bổ lợi nhuận và phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần.
Cách tìm kiếm các đối tượng so sánh độc lập
Người nộp thuế phải lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập trong cùng thị trường địa bàn, địa phương, trong nước và sau đó mở rộng địa bàn so sánh sang các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.
Khai thông tin về giao dịch liên kết
Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được yêu cầu kê khai hàng năm thông tin về các giao dịch liên kết và phương pháp xác định giá áp dụng cho các giao dịch này, cũng như tự xác định lại giá giao dịch tuân theo giá giao dịch độc lập (hoặc tự xác định lại).
Tùy theo mức độ giao dịch liên kết mà doanh nghiệp được yêu cầu phải kê khai thông tin được bao gồm trong Hồ sơ quốc gia và Hồ sơ toàn cầu.
Khả năng bị ấn định thuế
Cơ quan thuế có quyền sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ để ấn định trị giá giao dịch nếu doanh nghiệp không tuân thủ các yêu cầu theo quy định pháp luật về giao dịch liên kết.
Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Các doanh nghiệp có giao dịch với các bên liên kết phải lập và cập nhật Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Nghị định 132 yêu cầu các doanh nghiệp đa quốc gia cung cấp thông tin hoạt động kinh doanh thông qua Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo ba cấp, cụ thể là Hồ sơ quốc gia, Hồ sơ toàn cầu và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết phải được soạn lập trước thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- có tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng; hoặc
- đã ký kết một Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (“APA”) và nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về APA; hoặc
- có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, cũng như đạt tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu, bao gồm các lĩnh vực như sau: phân phối (từ 5%); sản xuất (từ 10%); gia công (từ 15%); hoặc
- chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết trong Việt Nam áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Thanh/kiểm tra về giao dịch liên kết
Trong những năm gần đây, cơ quan thuế tập trung và xây dựng phòng quản lý chuyên biệt để kiểm tra về giá giao dịch liên kết.
Cơ quan thuế thường yêu cầu người nộp thuế giải trình về tính hợp lệ của các đối tượng so sánh được sử dụng trong các Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, khả năng được khấu trừ đối với phí dịch vụ nội bộ tập đoàn và các biến động về tỷ suất lợi nhuận trên cơ sở toàn doanh nghiệp hoặc theo phân khúc kinh doanh qua các năm.
Cơ quan thuế cũng chú ý đến các doanh nghiệp ghi nhận tình trạng lỗ và thường yêu cầu các doanh nghiệp này giải trình về tình hình hoạt động kinh doanh. Hầu hết các cuộc kiểm tra thuế chung hiện nay sẽ bao gồm việc xem xét sự tuân thủ về giao dịch liên kết của người nộp thuế.
Loại trừ chi phí lãi vay khi tính thuế
Lãi vay được giới hạn 30% trên lợi nhuận kế toán trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đối với việc tính vào chi phí được trừ của chi phí lãi vay. Doanh nghiệp phải tự loại trừ hoặc bị cơ quan thuế loại trừ khi xác định thuế TNDN phải nộp và xử phạt đối với số lãi vay trên 30% EBITDA.
Phần chi phí lãi vay không được trừ có thể được chuyển sang kỳ tính thuế trong 5 năm tiếp theo.
Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (“Thỏa thuận APA”) là gì?
Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 126/2020/ND-CP và Thông tư 45/2021/TT-BTC), doanh nghiệp có thể tham gia vào các Thỏa thuận APA đơn phương, song phương hoặc đa phương với cơ quan thuế.
Các giao dịch được đề nghị áp dụng APA cần đáp ứng các điều kiện nhất định, một trong số các điều kiện đó là các giao dịch này không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế.
Quy trình xin áp dụng APA bao gồm năm giai đoạn: tham vấn trước khi nộp hồ sơ chính thức (không bắt buộc); nộp hồ sơ chính thức; thẩm định; trao đổi, đàm phán; và ký kết. Trong quá trình thẩm định hồ sơ APA, cơ quan thuế có thể áp dụng các biện pháp hành chính để đánh giá tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp. Không có quy định về thời hạn cụ thể cho mỗi giai đoạn trong quy trình xin áp dụng APA.
Thời gian có hiệu lực của APA đã ký kết tối đa là 03 năm tính thuế nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Quy định tổng quan về kiểm tra, thanh tra thuế
Việc kiểm tra/ thanh tra thuế là hoạt động thường xuyên của cơ quan thuế nhầm kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về thuế và kế toán của doanh nghiệp.
Việc kiểm tra/ thanh tra được thực hiện thường xuyên và thường được thực hiện cho một giai đoạn gồm một số năm tính thuế. Trước khi tiến hành kiểm tra/thanh tra thuế, cơ quan thuế sẽ gửi văn bản thông báo cụ thể về thời gian và phạm vi kiểm tra/thanh tra thuế đến doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra/thanh tra.
Tổng quan về nguyên tắc xử phạt khi phát hiện hành vi sai luật thuế thì tiền phạt hành chính như sau:
- Phạt 20% trên số thuế khai thiếu; và
- Phạt nộp chậm theo mức lãi chậm nộp 0,03%/ngày sẽ được áp dụng đối với việc nộp thuế trễ hạn (Số thuế tăng thêm khi kiểm tra được coi là số thuế nộp trễ hạn)
- Phạt 1 hoặc nhiều lần số thuế trốn.
- Phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai sai.
Thời hạn truy thu số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp là 10 năm và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế tối đa là 5 năm. Trong trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì cơ quan thuế có thể truy thu số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần
Tổng quan
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là điều ước quốc tế được kí kết giữa hai chủ thể của luật quốc tế (chủ yếu là quốc gia) nhằm tránh việc đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế đối với thu nhập và thuế tài sản.
Điều ước này được áp dụng cho các đối tượng là những đối tượng cư trú của một hoặc hai bên kí kết. Điều ước này áp dụng đối với các loại thuế do một bên kí kết đánh vào thu nhập và vào tài sản, bất kể hình thức áp dụng của các loại thuế đó như thế nào.
Cho đến nay, Việt Nam đã kí kết khoảng 80 hiệp định về tránh đánh thuế hai lần với các nước trên khắp các châu lục.
Tổng quan về phân chia quyền đánh thuế đối với từng khoản thu nhập
- Thu nhập từ bất động sản: trong các hiệp định đều có quy định tất cả các khoản thu nhập phát sinh từ việc trực tiếp sử dụng, cho thuê các loại bất động sản đều phải nộp thuế tại nước có bất động sản đó. Như vậy, nếu bất động sản ở Việt Nam thì mọi thu nhập phát sinh từ bất động sản đó đều phải nộp thuế tại Việt Nam không phân biệt người thực hưởng thu nhập đó có phải là người cư trú hay công ty đó có cơ sở thường trú ở Việt Nam hay không.
- “Lợi tức cổ phần”, “Lãi tiền cho vay” và “Tiền bản quyền” thì Việt Nam và nước kí kết hiệp định có quyền đánh thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần, lãi từ tiền cho vay và tiền bản quyền theo nguyên tắc đánh thuế tại nguồn.
- Các khoản tiền lưomg, tiền công và các khoản thù lao mang tính chất tiền lương, tiền công sẽ phải nộp thuế ở cả hai nước như sau đây:
- Trường hợp có mặt ở nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thờỉ gian gộp lại không quá 183 ngày ttong mỗi giai đoạn 12 tháng liên tục; hoặc trường hợp người đó có mặt ở nước kia dưới 183 ngày nhưng chủ lao động hoặc đại diện của chủ lao động trả lương và tiền công cho người đó là một đối tượng cư trú của nước kia; hoặc trường hợp người đó có mặt ở nước kia dưới 183 ngày nhưng tiền lương và tiền công do cơ sở thường trú hoặc cơ sở kinh doanh cố định mà chủ lao động có tại nước kia trả.
- Các khoản thù lao và các khoản thanh toán tương tự do một công ty, xí nghiệp hay bất cứ tổ chức tương tự nào là đối tượng cư trú của nước này trả cho cá nhân là người cư trú của nước kia do đã tham gia làm giám đốc hoặc thành viên ban giám đốc của công ty trả thù lao thì có thể đánh thuế ở cả hai nước.
Các biện pháp tránh đánh thuế hai lần thực hiện ở Việt Nam và nước kí kết hiệp định với Việt Nam.
Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã kí với các nước thì Việt Nam áp dụng hai phương pháp tránh đánh thuế hai lần sau đây:
- Phương pháp trừ thuế toàn bộ, nội dung của phương pháp này là trường hợp một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở nước kí kết hiệp định với Việt Nam và theo quy định của hiệp định, khoản thu nhập đó phải nộp thuế ở cả hai nước thì Việt Nam sẽ cho trừ vào số thuế phải nộp ở Việt Nam số thuế đã nộp ở nước ngoài. Tuy nhiên, số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ đó không lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.
- Phương pháp trừ khoán thuế, nội dung của phương pháp này là trường hợp một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở nước kí kết hiệp định với Việt Nam và theo quy định của hiệp định khoản thu nhập đó phải nộp thuế ở cả hai nước nhưng theo quy định của pháp luật nước kia khoản thuế đó được miễn, giảm thuế ở nước kia thì Việt Nam vẫn cho trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam số thuế đáng lẽ phải nộp nhưng thực tế không phải nộp ở nước kia do nước kia miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, số thuế đáng lẽ phải nộp ở nước ngoài được trừ đó không lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.
Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Nguyên tắc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo Luật Đầu tư, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định.
Xác định số lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài
- Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm là lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được chia hoặc thu được của năm tài chính từ hoạt động đầu tư trực tiếp căn cứ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cộng với (+) các khoản lợi nhuận khác như khoản lợi nhuận chưa chuyển hết từ các năm trước chuyển sang; trừ đi (-) các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam, các khoản lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng để trang trải các khoản chi của nhà đầu tư nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam là tổng số lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài thu được trong quá trình đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, trừ đi (-) các khoản lợi nhuận đã được sử dụng để tái đầu tư, các khoản lợi nhuận đã chuyển ra nước ngoài trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các khoản đã sử dụng cho các chi tiêu khác của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hàng năm: Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển hàng năm số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính, sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt nam: Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Cách thức, thời gian chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư thực hiện thông báo việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo mẫu gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, trước khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất là 07 ngày làm việc.
Việc tuân thủ các quy định và thực hiện đúng quy trình không chỉ giúp bạn tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần vào sự minh bạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Thực hiện các điều trên là không dễ dàng với doanh nghiệp, giải pháp hữu hiệu là sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp: Hợp tác với chuyên gia tài chính kế toán và thuế để đảm bảo bạn thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các quy định pháp luật.
Xem chi tiết thông tin về dịch vụ của chúng tôi tại bài viết