Cập nhật lúc 05/07/2022 - 04:36 pm
Các quy định hiện nay yêu cầu kế toán cần phản ánh hoạt động kinh doanh và các nghiệp vụ kinh tế phát sinh của doanh nghiệp tuân thủ theo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán doanh nghiệp hiện hành.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, phần lớn kế toán đang không vận dụng Chuẩn mực Kế toán cũng như Chế độ Kế toán Doanh nghiệp để hạch toán mà chủ yếu dựa vào các quy định của thuế để phản ánh trên Báo cáo tài chính.
Quy định về nhiệm vụ của kế toán #
Căn cứ tại Điều 4 và 5 của Luật Kế toán, Luật số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015 có quy định rất rõ về nhiệm vụ và yêu cầu đối với kế toán như sau:
“Điều 4. Nhiệm vụ kế toán
- Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
- Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.
- Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
- Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Yêu cầu kế toán
- Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.
- Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.
- Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán.
- Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
- Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước.
- Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được.”
Tại sao kế toán quan tâm nhiều các quy định của thuế? #
Do hiểu nhầm về chức năng của Chuẩn mực Kế toán và Thuế
Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính. Vậy nên báo cáo tài chính được lập và trình bày phải tuân thủ theo các quy định của Chuẩn mực Kế toán và Chế độ Kế toán Doanh nghiệp như Luật Kế toán quy định. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch.
Thuế là một khoản phí tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau.
Vì khác biệt về mặt chức năng như vậy, nên thuế không dùng để hướng dẫn kế toán trong việc lập và trình bày Báo cáo tài chính mà chỉ đưa ra các quy định để quản lý thuế, tránh thất thu thuế cho Nhà Nước. Tuy nhiên, người kế toán lại chưa quen lấy Chuẩn mực Kế toán làm kim chỉ nam để hạch toán, phản ánh đúng bản chất các vấn đề phát sinh trong công việc của mình.
Do sợ trách nhiệm, rủi ro xử phạt
Việc không tuân thủ các quy định về trình bày Báo cáo tài chính dù đã có các quy định và biện pháp xử phạt, tuy nhiên lại chưa mang tính răn đe cao. Ngược lại, bất kỳ một sai phạm nào về thuế ngay lập tức có biện pháp xử phạt, cưỡng chế thậm chí ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tâm lý người kế toán sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định của thuế khi phản ảnh nghiệp vụ phát sinh trên Báo cáo tài chính.
Bất kỳ sai phạm nào đều có biện pháp chế tài, nhưng cái nào ảnh hưởng ngay, rõ và trực tiếp liền tới doanh nghiệp luôn là điều doanh nghiệp muốn né tránh nhất. Nói như vậy không có nghĩa là những xử phạt về kế toán không có, vẫn có vẫn còn hiện diện trên sổ sách, như rủi ro vẫn còn đó chứ không thể mất đi theo năm tháng.
Do mức độ quan tâm của nhà quản lý doanh nghiệp chưa đủ
Nhà quản lý nếu chưa nhận thấy đúng vai trò và tầm quan trọng của Báo cáo tài chính, họ sẽ giao cho bộ phận kế toán tự quản lý miễn sao đảm bảo về thuế. Trong khi, báo cáo tài chính là tấm gương phản ảnh chân thật tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư, nâng vao vị thế của doanh nghiệp.
Một báo cáo tài chính chỉ nhằm mục đích cho thuế thì không còn là báo cáo tài chính đúng nghĩa. Những thông tin trình bày trong báo cáo tài chính lúc này, không còn là cơ sở để nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh của mình, cũng không phải là những thông tin đúng mà nhà đầu tư muốn xem.
Lợi ích của tư duy đúng khi làm kế toán #
Việc đồng thời làm đúng theo quy định của Chuẩn mực và Chế độ Kế toán, vừa đúng với quy định của thuế là hoàn toàn không khó. Nhưng để làm được, trước hết, người kế toán cần tách bạch được rõ phạm vi, chức năng của Chuẩn mực và Thuế ra.
Báo cáo tài chính khi vừa tuân thủ được các quy định về kế toán lẫn thuế sẽ mang lại cho doanh nghiệp một sự an tâm rất lớn, mang lại sự tự tin cho người làm kế toán. Lúc đó, doanh nghiệp thực sự tự tin về số liệu cung cấp cho bên thứ ba, người kế toán tự tin về các con số do mình trình bày trên báo cáo.
Từ đó, doanh nghiệp luôn sẵn sàng trước mọi cơ hội đầu tư, trước mọi quyết định quan trọng, trước mọi nguồn vốn nước ngoài. Doanh nghiệp không mất thời gian loay hoay với bài toán sổ sách sao cho đúng, sao cho phù hợp, giải thích thế nào để hợp lý. Để được những kết quả đó, tất cả phải bắt đầu từ việc tư duy đúng ngay từ bây giờ về báo cáo tài chính và nghề kế toán hiện nay.
Việt Nam là điểm đến của rất nhiều dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính, tuân thủ Chuẩn mực, phản ảnh bản chất hơn hình thức chính là cách để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn này. Ngoài các nội dung của bài viết, nếu doanh nghiệp còn vấn đề phát sinh cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với Bộ phận Tư vấn của EXPERTIS để được hỗ trợ.